Ông Nguyễn Ngọc Thắng - giám đốc khối vận hành chuỗi Co.opmart - hệ thống siêu thị của Saigon Co.op - cho biết để khuyến khích khách hàng đến mua sắm tại hệ thống không sử dụng tiền mặt, nhà bán lẻ này đã áp dụng nhiều giải pháp, triển khai nhiều hình thức thanh toán hiện đại, dần xây dựng thói quen không dùng tiền mặt cho khách hàng.
Thống kê sơ bộ 3 năm gần đây cho thấy cứ mỗi năm số lượng giao dịch bằng thẻ, chuyển khoản và thanh toán bằng ví điện tử tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra, Co.op Smile, Cheers, HTVCo.op đều tăng trưởng mạnh với năm trước đó.
"Điều thú vị là người tiêu dùng, người mua sắm trẻ có tỉ lệ thanh toán không sử dụng tiền mặt cao nhất. Hiện nay chỉ còn một tỉ lệ nhỏ ở nhóm khách hàng này còn thanh toán bằng tiền mặt", ông Thắng thông tin.
Khảo sát về nhóm khách hàng mua sắm theo hình thức không tiền mặt, trong đó chủ yếu thanh toán bằng thẻ ngân hàng tại hệ thống Co.opmart - nhiều người cho biết dùng thẻ tiện lợi hơn tiền mặt vì gọn nhẹ, tính tiền nhanh vì không phải chờ đếm tiền, thối tiền. Ngoài ra khi dùng thẻ thì còn nhận được nhiều ưu đãi từ ngân hàng phát hành thẻ.
Cũng theo ông Thắng, từ nhiều năm nay hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đã áp dụng nhiều hình thức tiên tiến để khuyến khích khách hàng mua sắm thanh toán hạn chế dùng tiền mặt như dùng thẻ hoặc ví điện tử. Hầu hết các quầy thu ngân đều có bố trí đầu đọc thẻ và thường xuyên phối hợp các ngân hàng tổ chức khuyến mãi, tặng điểm, tặng quà, thưởng tiền trực tiếp vào thẻ cho khách.
Hiện nay, hầu hết các hình thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt phổ biến trên thị trường đều đã có mặt tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Có thể kể đến các loại thẻ của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng, thanh toán quốc tế, ngoài ra còn có đầy đủ các loại hình thanh toán qua các app ứng dụng công nghệ, thanh toán bằng QR code, ví thanh toán điện tử…
Khách được thoải mái lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp và nhận thêm nhiều quyền lợi nếu sử dụng thẻ, ví, mã, e-voucher... thanh toán, bên cạnh các chương trình khuyến mãi giảm giá hàng hóa khác.
"Với những tiện lợi và ưu đãi cũng như trải nghiệm mua sắm mà khách hàng nhận được, tôi tin rằng tỉ lệ người dân chọn mua sắm và thanh toán không tiền mặt còn tiếp tục tăng cao thời gian tới", ông Thắng kỳ vọng.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thanh toán không tiền mặt đã len lỏi và tạo được chỗ đứng vững chắc trong hoạt động mua sắm, tiêu dùng hằng ngày của người dân thành phố.
Ngay trong dịch COVID-19, các tiện ích từ thanh toán không tiền mặt đem lại đã thu hút sự tham gia đáng kể của người dân, gia tăng cơ hội tham gia thị trường của nhiều nhà cung cấp dịch vụ, nhà bán hàng.
Thị trường bán lẻ, trong đó thương mại điện tử là một trong những đối tượng hưởng lợi của sự chuyển đổi này. Trong 20 tỉ USD của thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt được vào năm ngoái thì ước tính thị trường TP.HCM chiếm đến 40%.
Ngoài ra, với mạng lưới bán lẻ hiện đại khá phát triển gồm 237 siêu thị, 47 trung tâm thương mại, hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi... trên địa bàn, đây là những địa điểm triển khai mạnh mẽ các phương thức thanh toán không tiền mặt.
"Khối còn lại là khoảng 60.000 tiểu thương đang kinh doanh tại chợ, khoảng 14.000 cửa hàng tạp hóa, ngành công thương TP cũng có những phương thức khác nhau để triển khai chương trình thanh toán không tiền mặt. Người dân sẽ ủng hộ khi họ nhận được những lợi ích từ hình thức thanh toán tiện lợi này đem lại", ông Vũ chia sẻ về bức tranh thương mại của thành phố gắn với sự chuyển đổi thanh toán không tiền mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận