23/01/2022 12:21 GMT+7

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ cuối: Thú xem xinê xưa và nay

PHÚC TIẾN
PHÚC TIẾN

TTO - Đọc báo, uống cà phê và xem xinê - đó là "bộ ba" thú vui quốc tế từ Paris "đổ bộ" vào Sài Gòn vào cuối thế kỷ 19. "Bộ ba" nhanh chóng trở thành bạn bè thân quen của thị dân "kim thời" cho đến tận bây giờ.

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ cuối: Thú xem xinê xưa và nay - Ảnh 1.

Rạp chiếu phim Palace ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Riêng cái thú xem xinê, từ xưa đến nay đều cuốn hút dân chúng nhiều nhất. Không kể giàu sang hay bình dân, không ngăn cách già hay trẻ, tất cả khán giả đều bình đẳng trước màn ảnh và thưởng ngoạn theo cách của mình.

Xem phim - những cuộc "viễn du" lớn

Ngày nhỏ, đến rạp xinê, mẹ tôi đều bắt anh em tôi diện quần áo đi phố. Còn bà và các dì thì mặc áo dài đủ màu. Đến "rạp sang" hay "rạp xoàng", nhiều gia đình cũng thế, cứ như đi ăn tiệc hay hội hè. Mà đúng vậy, cứ phải lịch sự vì đến rạp xinê là mua vé lên "thuyền viễn xứ" dạo chơi những cảnh sắc khác lạ của đất nước và nhất là năm châu bốn biển. 

Đó còn là nơi được "hòa mình" vào những câu chuyện đủ thể loại từ tình cảm éo le đến cảnh đời ngang trái, từ hài hước đến kinh dị, từ đánh nhau đến hòa bình. Thêm nữa, những thế giới giả tưởng trên vũ trụ hay dưới biển sâu. Khoái hơn cả, như được "diện kiến" những "minh tinh" (diễn viên ngôi sao nam nữ) - những ngôi sao xuyên biên giới, xuyên thời đại.

Với phim Việt, người Sài Gòn thuở ấy ái mộ nồng nhiệt các kiều nữ Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Kim Vui... Càng không quên các "kép đẹp" Lê Quỳnh, Hùng Cường, La Thoại Tân, Trần Quang, Đoàn Châu Mậu... 

Người dân Sài Gòn cũng là "fan" say mê không thua kém khán giả phương Tây với nhiều bộ phim và các cặp "đào kép" bất hủ của điện ảnh Âu Mỹ như Alain Delon và Brigitte Bardot, Vivien Leigh và Clark Gable (phim Cuốn theo chiều gió), Elizabeth Taylor và Richard Burton (Cleopatra), Omar Sharif và Julie Christie (Bác sĩ Zhivago). 

Những ngôi sao xinê Hong Kong hay Đài Loan như Lý Tiểu Long và Miêu Khả Tú, Đặng Vinh Quang và Chân Trân, Lý Thanh, Lăng Ba, Vương Vũ, Khương Đại Vệ, Địch Long cũng làm "dậy sóng" các rạp xinê đô thành. Chưa kể, phim Ấn Độ với nhiều câu chuyện thần thoại, thương cảm cùng những cảnh ca múa nhạc lạ lùng đã làm say mê không ít khán giả ở những rạp đặc biệt "chuyên trị" loại phim này.

Sau năm 1975, người Sài Gòn lại được "viễn du" qua Liên Xô và các nước XHCN thông qua điện ảnh và truyền hình. Nhiều phim Xô viết về cuộc chiến chống phát xít bi tráng, tiêu biểu như Giải phóng 17 khoảnh khắc của mùa xuân đã để lại ấn tượng về một cường quốc hùng mạnh. 

Chắc nhiều người lứa chúng tôi còn nhớ bộ phim Nga giả tưởng mang tên Người cá đầy lãng mạn đã làm "cháy vé" các rạp. Phim của Đông Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary cũng có nhiều bộ phim hay, phóng khoáng hơn phim Nga. Bộ phim Trên từng cây số của Bulgaria, với diễn viên điển trai Stefan Danailov trong vai một điệp viên tài nghệ không kém James Bond, đã thu hút người xem Sài Gòn mê phim hành động.

Những năm đầu thế kỷ 21, khán giả càng "viễn du" không giới hạn vào không gian điện ảnh nhờ có YouTube, Netflix, truyền hình digital và các phương tiện điện tử thông minh to nhỏ. Tuy nhiên, xem xinê, người ta vẫn thích đến các rạp nhỏ ấm cúng. 

Giới trẻ càng ưa đến rạp để "check-in" với mô hình cảnh sắc và các nhân vật trong phim. Các bạn còn bị các rạp quyến rũ bằng bắp rang, nước ngọt đặc hiệu. Ngẫm lại càng thương các rạp xinê cổ điển, nếu không "hóa thân" vào các thương xá, cao ốc đa năng với nhiều trang thiết bị tối tân và quảng bá rầm rộ thì sẽ mau chóng tàn phai trong một thế giới đã đổi khác.

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ cuối: Thú xem xinê xưa và nay - Ảnh 2.

Ông Philipe Chaplain (bên phải), chủ tịch Tổ chức Di sản Pháp, trao tặng poster phim Mỹ “Transit à Saigon” (có minh tinh Kiều Chinh đóng) cho nhà sưu tập Huỳnh Minh Hiệp vào năm 2018 - Ảnh: Huỳnh Minh Hiệp cung cấp

Chơi phim - cái thú đam mê

Xem phim thì ai cũng là khán giả, nhưng chơi phim thì đối tượng kén chọn hơn. Dân chơi phim sành sỏi là người sưu tầm tất tần tật các thứ "dính" với điện ảnh. Chúng bắt đầu từ các tờ rơi và poster quảng cáo cho đến các ảnh chụp, tạp chí phim và các ấn phẩm mang hình ảnh và chữ ký của các ngôi sao. Người chơi kỳ công còn săn tìm các phim nhựa và băng đĩa nguyên gốc, các bộ y phục và vật dụng được sử dụng trong phim hay các hàng lưu niệm mang dấu ấn của phim nổi tiếng.

Chơi "ngon" hơn nữa, người ta sưu tầm xe cộ, tư trang của những diễn viên huyền thoại. Đã chơi thì phải khoe và đấu giá những sưu tập điện ảnh quý hiếm. Các nhà kinh doanh giá trị gia tăng của điện ảnh còn làm ra nhiều thứ "đồ chơi" độc đáo để người chơi phim đeo đuổi. "Món đồ chơi phim" vĩ đại nhất, phong phú nhất chính là các khu giải trí Disneyland, Universal Studio xuất phát từ Mỹ và lan ra Pháp, Nhật, Hong Kong, Singapore...

Chơi phim đa dạng và chuyên nghiệp như thế phổ biến nhiều nhất là ở các nước có nền công nghiệp điện ảnh hùng mạnh. Với dân Sài Gòn xưa và nay, thú chơi phim cũng sinh sôi thịnh hành nhiều lúc, nhiều nơi. 

Thuở học trò, chúng tôi thích sưu tầm các tờ "program" - tờ rơi quảng cáo phim ở các rạp. Mỗi lần đi xinê hay chỉ ra rạp để ngắm các tờ bích chương - poster phim, bọn nhóc tì thường xin và giữ các tờ "program" ở phòng vé. Các tờ này thường in trắng đen hai màu trên giấy khổ A4 có nhiều hình ảnh và tóm tắt truyện phim. 

Các "rạp sang" vào những năm 1970 trở đi đều in tờ "program" trên giấy láng, rất bắt mắt. Ngoài tờ "program", giới học trò còn "chơi" ảnh diễn viên khổ 9/12 có chữ ký do báo chí hay chính diễn viên in tặng.

Từ cuối những năm 1980, đất nước mở cửa, người mê xinê bắt đầu "chơi" các băng video gốc, đĩa CD và rồi DVD nhập từ nước ngoài qua đủ các luồng. Các tạp chí điện ảnh của Việt Nam, Hong Kong, Pháp, Mỹ (xuất hiện từ những năm 1940) vẫn đang là hàng trao đổi đắt giá trên các trang mạng. 

Hy vọng trong tương lai không xa, TP.HCM sẽ ra đời một bảo tàng điện ảnh không những trưng bày các tư liệu và hiện vật về "kỹ nghệ điện ảnh" của Việt Nam và thế giới mà còn cho thấy thú xem phim và chơi phim của nhiều thế hệ mê xinê. Có thể lấy chính một rạp hát xưa để làm bảo tàng kỳ thú này, chẳng hạn rạp Đại Đồng (quận 3) hay rạp Lido (quận 5) bề thế chưa bị "hóa kiếp" thành cao ốc khác.

Thêm nữa, tôi mong Sở Văn hóa và Hội Điện ảnh nên sớm đặt những bảng kỷ niệm vinh danh những "thiên đường xinê" cùng những người sáng lập và nhân viên tại các rạp xinê xưa và nay. Hay biết mấy nếu như khách sạn Rex và Đại Nam, tòa nhà Union Square có bảng lưu niệm nơi đây từng có rạp xinê...

Phòng chiếu phim "ngoại hạng" và bảo tàng phim xưa

Đó là phòng chiếu của Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh (số 7 Phan Kế Bính, quận 1) trực thuộc Viện Phim Việt Nam. Tại đây có một phòng chiếu phim mini, máy lạnh, chỉ khoảng 100 ghế.

Chị Cát Vũ - phóng viên văn nghệ về hưu của báo Tuổi Trẻ, vẫn nhớ vào thời kỳ bắt đầu Đổi mới 1987 - 1988, có nhiều suất chiếu "hẹp", nhà báo được phân phối vé đi xem. Ngày ấy, bản thân tôi và nhiều nhà báo may mắn được xem một số bộ phim hay của Ý, Pháp, Mỹ, Nhật và ngay cả một số phim Nga (Người thứ 41), Hungary (Chiếc sừng dê) từng bị cấm chiếu vào những năm 1950 - 1960.

Được biết, trung tâm đang lưu giữ 40.000 bộ phim nhựa và 8.000 băng đĩa phim các loại của Việt Nam và nhiều nước, đặc biệt là phim của miền Nam trước 1975. Đây thật sự là một kho báu văn hóa, một bảo tàng phim xưa độc đáo, rất cần mau sớm mở rộng cửa để phục vụ công chúng bằng nhiều hình thức thích hợp.

Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 3: Những thiên đường xinê bình dân Rạp phim Sài Gòn - ký ức nhớ thương - Kỳ 3: Những thiên đường xinê bình dân

TTO - Lứa chúng tôi - trang lứa 6X - phần đông là dân các xóm lao động. Tuy ít nhiều từng chạm đến những rạp xinê lộng lẫy như Rex, Eden, Đại Nam, Quốc Tế, nhưng chúng tôi quen thuộc nhất vẫn là các rạp xinê bình dân.

PHÚC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp