31/08/2021 15:21 GMT+7

Rạp phim đặc biệt cho người khiếm thị

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Trong một rạp phim đặc biệt ở Trung Quốc, người khiếm thị đã tự hình dung được bộ phim của riêng mình nhờ kết hợp giữa lời thoại, âm thanh của bộ phim và lời mô tả các cảnh hành động.

Rạp phim đặc biệt cho người khiếm thị - Ảnh 1.

Ông Zhang Xinsheng, một người khiếm thị 51 tuổi, thưởng thức một bộ phim trong rạp Xin Mu và tỏ ra hạnh phúc khi hiểu được nội dung phim dù không thấy gì - Ảnh: AFP

Cứ đều đặn mỗi tối thứ bảy, ông Zhang Xinsheng lại dành ra 2 tiếng để đến rạp phim đặc biệt Xin Mu - nơi các tình nguyện viên tường thuật sống động đến từng chi tiết trên phim cho những người khiếm thị như ông.

Các buổi chiếu phim cuối tuần - chính xác hơn là buổi nghe phim - của rạp Xin Mu luôn chật kín người khiếm thị. Ông Zhang, người mất thị lực cách đây hơn 30 năm khi đang là chàng trai đôi mươi, cảm thấy cuộc đời bước sang trang mới khi tìm được rạp Xin Mu.

"Lần đầu tiên tôi đến một rạp nghe phim là năm 2014. Cảm giác lúc đó như một thế giới mới vừa mở ra với mình. Tôi thấy mình vẫn hiểu được nội dung phim dù mù. Trong đầu tôi hiện ra các hình ảnh khi người kể mô tả cảnh khóc cười trong phim", ông Zhang bộc bạch với Hãng tin AFP.

Theo AFP, các tình nguyện viên của rạp Xin Mu có thể là những người đầu tiên tổ chức chiếu phim cho người mù ở Trung Quốc.

"Phương pháp của họ thô sơ đến mức đáng ngạc nhiên. Sẽ có một người mô tả tất cả những gì đang diễn ra trên màn hình, từ nét mặt biểu cảm của nhân vật đến những cử chỉ, bối cảnh, trang phục và những thứ khác không phát ra âm thanh", AFP mô tả.

Các tình nguyện viên không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào. Chẳng hạn khi bộ phim chuyển từ cảnh lá rơi sang tuyết dày đặc để diễn tả thời gian thoi đưa, họ cũng mô tả để các khán giả đặc biệt hình dung được sự trôi đi của thời gian.

A Street Cat Named Bob - bộ phim về một người vô gia cư và nghiện ma túy làm lại cuộc đời sau khi vô tình gặp một chú mèo hoang - đã được chiếu tại rạp Xin Mu hồi tháng trước.

"Tuyết đang rơi khắp London, một thành phố ở Anh. Nó hơi giống Bắc Kinh nhưng không có nhiều tòa nhà cao tầng.

Một người đàn ông dùng ống nhòm - một vật có 2 hình trụ và tròn có thể quan sát được những thứ ở xa - đang nhìn James ca hát cùng với chú mèo Bob", người kể chuyện Wang Weili mô tả một cảnh trong bộ phim.

Wang, người đã mở rạp Xin Mu bằng tiền tiết kiệm cá nhân vào năm 2005, kể lại việc ông đã tìm được cảm hứng cho việc làm hiện tại nhờ vào một người bạn khiếm thị.

Rạp Xin Mu khi đó chỉ là một căn phòng nhỏ rộng khoảng 20m có khoảng 20 ghế, một chiếc tivi màn hình phẳng cỡ nhỏ và một đầu DVD cũ.

Rạp phim đặc biệt cho người khiếm thị - Ảnh 2.

Ông Wang Weili ngồi một góc trong rạp chiếu phim, cặm cụi theo dõi kịch bản và các cảnh trong phim để mô tả cho các khán giả đặc biệt từng diễn biến của phim - Ảnh: AFP

Đừng nghĩ bằng đầu của người sáng mắt

Chiếu phim cho người khiếm thị không chỉ đơn giản là mô tả lại những gì người kể thấy. Theo ông Wang, những bộ phim viễn tưởng hoặc lịch sử thường đặt ra nhiều thách thức vì nhiều người chưa từng gặp thứ gì như vậy.

Chẳng hạn như phim Công viên kỷ Jura nói về loài khủng long. Để giúp các khán giả đặc biệt hình dung tốt hơn, trước buổi chiếu ông Wang sẽ cho họ cảm nhận một số mô hình khủng long.

"Tôi xem một bộ phim khoảng 6, 7 lần rồi viết kịch bản mô tả chi tiết", ông Wang giải thích thêm.

Theo Hiệp hội người khiếm thị Trung Quốc, nước này có khoảng 17 triệu người khiếm thị, trong đó khoảng 8 triệu người là mù hoàn toàn. Chính quyền các thành phố lớn ở Trung Quốc đã nỗ lực tạo điều kiện tốt hơn cho những người này nhưng các hoạt động văn hóa vẫn còn bị giới hạn.

Cô Dawning Leung, người sáng lập Hiệp hội mô tả âm thanh Hong Kong, cho biết phần lớn các chỉ dẫn hoặc mô tả âm thanh dành cho người khiếm thị đang được viết bởi người sáng mắt.

"Tôi lấy ví dụ như âm thanh mô tả trong viện bảo tàng đang được viết bằng cách nghĩ của người bình thường. Họ chỉ nói về nơi tìm thấy hiện vật và lịch sử của nó, hiếm khi mô tả hiện vật đó trông như thế nào", Leung nêu thực trạng.

Trong nhiều năm qua, các nhà hoạt động vì người khiếm thị đã kêu gọi ban hành các luật bắt buộc mô tả âm thanh cho các bộ phim, chương trình truyền hình hoặc tác phẩm nghệ thuật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, những tiến bộ là rất ít và chậm chạp.

Xin Mu hiện hợp tác với các rạp chiếu phim chuyên nghiệp để có được màn hình và điều kiện thoải mái hơn. Do đại dịch hạn chế tập trung đông người nên nhóm đã thử một hình thức mới là ghi âm sẵn các đoạn mô tả phim và đăng tải lên các nền tảng trực tuyến.

Người khiếm thị đầu tiên ở châu Á chinh phục thành công đỉnh Everest Người khiếm thị đầu tiên ở châu Á chinh phục thành công đỉnh Everest

TTO - Zhang Hong, 46 tuổi, trở thành người khiếm thị đầu tiên ở châu Á và thứ 3 trên thế giới chinh phục thành công “nóc nhà thế giới” Everest.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp