Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) nhận giấy báo dự thi THPT - Ảnh: N.HÙNG
Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 27-6 (thí sinh làm thủ tục trong buổi chiều 24-6).
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho kỳ thi với báo chí, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết tới thời điểm này 63 tỉnh, thành đều đã thành lập ban chỉ đạo thi THPT quốc gia và có các cuộc họp liên ngành để thống nhất nhiệm vụ phối hợp giữa ngành GD-ĐT với các đơn vị liên quan như công an, điện lực, giao thông vận tải, y tế, ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, các đoàn thể xã hội…
Hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia tổ chức thi
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tiếp tục giao cho các sở GD-ĐT chủ trì, nhưng để phối hợp thực hiện sẽ có hơn 45.000 cán bộ, giảng viên tham gia.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải bố trí cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm và đặc biệt phải được tập huấn kỹ về quy chế thi.
"Các trường cử cán bộ, giảng viên tham gia phải xây dựng phương án cụ thể về việc di chuyển, nơi ăn ở, đảm bảo công tác an ninh trong thời gian diễn ra kỳ thi" - lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu.
Công việc quan trọng số 1 được Bộ GD-ĐT lưu ý với ban chỉ đạo thi các địa phương là việc bảo mật đề thi ở các khâu in sao, vận chuyển đề thi để tránh tình trạng lộ hay lọt đề trước và trong thời gian diễn ra thi.
Phương án di chuyển, ăn ở cho thí sinh, các điều kiện để hỗ trợ đảm bảo sức khỏe, an toàn cho thí sinh trong thời gian thi… cũng đã được 63 tỉnh, thành báo cáo về bộ.
"Một số địa phương có thí sinh ở vùng khó khăn, thí sinh là con em dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo, thí sinh khuyết tật... đã có phương án hỗ trợ về vật chất cũng như hỗ trợ về việc di chuyển, ăn ở để đảm bảo không có thí sinh vì gặp khó khăn mà không thể đi thi" - ông Nam Nhật Minh, Cục Đảm bảo chất lượng, Bộ GD-ĐT, chia sẻ.
Mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt
Theo ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, Bộ GD-ĐT quy định 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát do điểm trưởng chỉ đạo. "Họ có quyền giám sát việc làm của giám thị và các lực lượng khác, có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu không thực hiện đúng quy định.
Thanh tra sở GD-ĐT sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, từ điểm trưởng, giám thị đến giám sát và các đối tượng liên quan" - ông Bằng giải thích.
Theo ông Bằng, ở mỗi điểm thi sẽ có 2 thanh tra cắm chốt. Các thanh tra này do giám đốc sở GD-ĐT trưng tập (1 của địa phương, 1 của trường ĐH phối hợp). Như vậy cả nước có hơn 4.000 cán bộ thanh tra cắm chốt tại tất cả các điểm thi.
Bên cạnh thanh tra cắm chốt, sở GD-ĐT các tỉnh thành lập các đoàn thanh tra lưu động. Đồng thời mỗi sở GD-ĐT thành lập các đường dây nóng, tiếp nhận thông tin phản ảnh về kỳ thi để kịp thời xử lý.
"Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn cho 63 sở GD-ĐT, thành lập các đoàn thanh tra của bộ ở cả 3 khâu: chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi. Riêng chấm thi, mỗi hội đồng chấm thi sẽ có hai cán bộ thanh tra được trưng tập từ các trường ĐH" - ông Bằng chia sẻ.
Trao đổi về kết quả kiểm tra chuẩn bị thi ở một số địa phương của thanh tra Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết một số địa phương vẫn còn bộc lộ sai sót như có các điểm thi sát nhà dân hay như khu vực in sao đề thi dùng nhiều năm;
Phương tiện ngăn cách không đảm bảo, thậm chí có nơi phát hiện cán bộ được bố trí làm việc tại điểm thi có con thi ở ngay điểm thi đó… Những việc này đã được nhắc nhở, yêu cầu các địa phương điều chỉnh.
Hà Nội: Rà soát thiết bị gian lận
Với gần 80.000 thí sinh dự thi, Hà Nội là địa phương tập trung đông thí sinh nhất cả nước.
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội thông báo quá trình rà soát đã phát hiện một số đối tượng mua bán, tàng trữ thiết bị gian lận công nghệ cao.
Vì thế Công an Hà Nội đề nghị các cán bộ, giảng viên, giáo viên tham gia công tác coi thi phải quan tâm đến vấn đề này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận.
Cũng theo Sở GD-ĐT Hà Nội, các điểm thi ở khu vực dễ xảy ra úng ngập khi có mưa lớn, các điểm nóng ùn tắc giao thông đã có phương án để kịp thời giải quyết, hạn chế các sự cố ảnh hưởng đến sự an toàn, quyền lợi của thí sinh.
Một số điểm thi sau khi đoàn kiểm tra của Hà Nội phát hiện không an toàn đã được thay thế.
TP.HCM: Ôn luyện đến ngày cuối
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi THPT quốc gia năm nay TP.HCM có 78.332 thí sinh dự thi.
Ghi nhận của PV Tuổi Trẻ cho thấy thời điểm này đa số các trường THPT công lập đều đã ngưng giảng dạy và ôn tập cho học sinh khối 12 để các em nghỉ ngơi và tự ôn tập.
"Trường chúng tôi đã ngưng giảng dạy từ ngày 15-6. Tuy nhiên, trong quá trình ôn tập cho học sinh, một số giáo viên cảm thấy chưa yên tâm về một học sinh nào đó thì hẹn em ấy tiếp tục đến trường để thầy cô giúp củng cố kiến thức.
Tuy vậy, số học sinh này không nhiều, chủ yếu tập trung ở môn toán và ngoại ngữ" - ông Trần Hữu Hòa, phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, cho biết.
Khác với các trường công, hầu hết trường THPT tư thục vẫn tiếp tục kèm học sinh cho đến ngày thi.
"Đây là thời điểm giảng dạy không nằm trong chương trình nên học sinh được quyền chọn lựa: cảm thấy cần thiết thì tiếp tục đến lớp ôn tập; không thì thôi. Thực tế thì gần 100% học sinh khối 12 vẫn lên lớp học. Nhà trường cũng không thu phí thêm trong giai đoạn này.
Dự kiến chúng tôi sẽ ôn cho học sinh đến hết ngày 22-6 mới nghỉ. Sau ngày 22-6, nếu giáo viên bộ môn chưa yên tâm về học sinh của mình hoặc học sinh chưa tự tin với vốn kiến thức mình có thì tiếp tục đăng ký với giáo viên chủ nhiệm lớp để dạy và học tiếp tục" - ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức, chia sẻ.
Thế nhưng, đối với nhiều sĩ tử ở TP.HCM thì: "Em sẽ học với giáo viên dạy toán đến sát ngày thi vì đây là môn em yếu nhất" - N.H.T., học sinh ở quận 3, tâm sự.
Bạn của T. là N.P.D. cũng bộc bạch: "Em sẽ đến trung tâm luyện thi học hết ngày 23-6 mới chính thức nghỉ".
H.HG.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận