Không lo sao được khi vài ngày trước, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã công bố nho, mận nhập từ Trung Quốc có dư lượng hóa chất vượt mức cho phép và có thể gây ung thư cho người sử dụng. Trước đó là thông tin sữa, quần áo... nhập từ Trung Quốc có chất độc hại.
Thật ra, thông tin đồ chơi trẻ em có xuất xứ Trung Quốc bị nhiễm chất độc hại không phải lần đầu tiên xuất hiện. Trước đây, mặt hàng này xuất khẩu vào Mỹ, EU... cũng bị phát hiện có hại cho sức khỏe. Giữa năm 2011, chính cơ quan kiểm tra an toàn Trung Quốc thừa nhận gần 10% đồ chơi sản xuất thị trường nội địa không an toàn, có ảnh hưởng độc hại cho sức khỏe.
Tại VN, đồ chơi trẻ em từ tháng 4-2010 đã có quy định các sản phẩm khi lưu thông ngoài thị trường phải dán tem hợp quy (CR). Tức là đồ chơi khi bán cho người tiêu dùng phải đảm bảo chất lượng, được kiểm soát chặt chẽ về độ an toàn phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Với đồ chơi nhập khẩu, sản phẩm phải được kiểm định, gắn dấu hợp quy và có phụ đề hướng dẫn bằng tiếng Việt.
Quy định là như vậy, thế nhưng theo ghi nhận tại thị trường TP.HCM và các tỉnh thành khác, không chỉ có lồng đèn, nhiều loại đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc không hề có tem hợp quy, tem “tự in”, không ghi nguồn gốc nhà nhập khẩu... vẫn đang được bày bán nhan nhản.
Người tiêu dùng phải tự hỏi vì sao có quy định nhưng hàng độc hại vẫn được bày bán? Không quá khó để có câu trả lời: đó là tình trạng buông lỏng hậu kiểm từ các cơ quan chức năng. Trả lời Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho rằng lỗi đầu tiên để lọt hàng độc hại vào thị trường VN thuộc về các trung tâm kiểm định. Cũng không hẳn thế.
Trên thực tế, đồ chơi Trung Quốc đang bán phổ biến trên thị trường, đặc biệt là các vùng quê, nông thôn... chủ yếu vào VN qua đường tiểu ngạch, buôn lậu nên không hề có tên nhà nhập khẩu, phụ đề tiếng Việt, dán tem hợp quy... Nếu cơ quan hải quan quản lý chặt hàng nhập khẩu qua biên giới, cơ quan quản lý thị trường làm tốt việc kiểm tra sản phẩm bán trên thị trường có đáp ứng các tiêu chí về an toàn cũng giúp ngăn một lượng lớn hàng trôi nổi, “hàng chợ”, hàng độc hại... trôi dạt từ Trung Quốc sang.
Với cơ quan kiểm định, cũng cần xem lại khâu đánh giá sản phẩm nhập khẩu trước khi cấp tem kiểm định. Vì sao sản phẩm có dán tem kiểm định khi kiểm tra vẫn phát hiện có hàm lượng chất độc hại? Phải chăng việc cấp phép tem quá dễ dãi hay đang bị nhiều đối tượng xấu lợi dụng để làm tem giả nhằm qua mặt các cơ quan chức năng và lừa người tiêu dùng?
Xét ở góc độ pháp luật, Nhà nước đã ban hành khá nhiều quy định nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn đối mặt với sản phẩm độc hại.
Tình trạng “rào cao vẫn lọt hàng độc hại” này không được nhìn nhận nghiêm túc để chấn chỉnh, thì mùa trung thu tới con em chúng ta lại phải chơi đèn trung thu có chất độc. Và chuyện kinh doanh những sản phẩm độc hại, kém chất lượng sẽ trở thành một việc bình thường như từng xảy ra với mũ bảo hiểm và nhiều sản phẩm khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận