Rào cản đối với hàng thủy sản VN khi vào Nhật không phải do thuế suất, mà là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Ngày 21-7, tại buổi tọa đàm “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của VN để thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế VN - Nhật Bản giai đoạn 2015 - 2019: Cơ hội cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Sơn - phó văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - khẳng định rào cản xuất hàng vào Nhật là tiêu chuẩn chất lượng.
Theo ông Sơn, đó là lý do khiến các mặt hàng thủy sản - nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của VN vào Nhật - không thể tăng trưởng kim ngạch dù thuế xuất khẩu giảm mạnh.
Ông Đỗ Văn Dũng, chủ tịch CLB Doanh nghiệp VN - Nhật Bản, dẫn trường hợp phía Nhật kiểm tra, phát hiện con tôm của VN có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép nên đã áp tỉ lệ kiểm tra lên tới 30% tổng số lô tôm từ VN, có thời điểm 100% lô tôm bị kiểm tra và khẳng định rào cản đối với hàng thủy sản VN khi vào Nhật không phải do thuế suất, mà là tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Hà Duy Tùng - phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) - cho biết không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nắm được lộ trình cam kết về thuế. Do đó khi nhập hàng từ Nhật, dù thuế nhập khẩu đã về 0% nhưng doanh nghiệp không cung cấp được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, vẫn khai và nộp thuế 10%.
Ông Tùng khuyến cáo các doanh nghiệp cần theo dõi lộ trình giảm thuế để đảm bảo lợi ích bởi VN đã và sẽ ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương tới đây, với thuế suất xuất nhập khẩu giảm mạnh. Riêng lĩnh vực thủy sản, VN sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định thương mại tự do VN - Nhật Bản.
Cụ thể, Nhật giảm thuế mức bình quân 5,4% từ năm 2008 xuống 1,31% vào năm 2019. Đặc biệt, tôm, cua, ghẹ và một số sản phẩm cá sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận