Nhiều mặt bằng kinh doanh trên những tuyến đường sầm uất nhất ở quận 1, TP.HCM đóng cửa - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một người có cửa hàng bán quần áo thời trang kể rằng COVID-19 hoành hành, chỉ có hai lựa chọn: đóng cửa hoặc bán đi cửa hàng của mình. Vị này kiên trì với phương án bán, kết quả đã có người mua.
Theo người bán, người mua không "điên", họ có ý tưởng kinh doanh phù hợp với "trạng thái bình thường mới" mà người bán không nghĩ ra. Tiếc nhưng bên bán cửa hàng tự an ủi, đó cũng là một vòng tái sinh cho doanh nghiệp.
COVID-19 hoành hành, nhiều khách sạn lao đao vì vắng khách. Họ sẽ rơi vào nợ nần, thậm chí mất khả năng trả nợ... Lúc này, thông tin cho biết một số quỹ đầu tư rủng rỉnh vốn đang chờ, sẵn sàng mua lại doanh nghiệp với giá phải chăng.
Rồi đây sẽ có ông chủ phải bán doanh nghiệp cho người khác vì quyền lợi của khách hàng, người lao động, đặc biệt là để trả nợ. Chuyện xảy ra, thường là bên bán xót xa vì giá rẻ quá, nhưng đành chấp nhận, còn hơn mất tất cả.
Một lãnh đạo tập đoàn có kinh doanh du lịch - khách sạn cho biết đã bàn với ngân hàng, sẵn sàng vay để mua lại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng không trụ lại trong đại dịch.
Vị này phân tích thay vì xây mới, mất thời gian xây dựng, đào tạo nhân viên, tìm nguồn khách mới..., chỉ cần mua lại khách sạn đang hoạt động, khai thác được ngay, có doanh thu... Dù trước mắt bên mua phải gánh nợ nần mà bên bán đã vay, tiếp tục cầm cự cho qua đại dịch nhưng tính ra chi phí vẫn rẻ hơn rất nhiều so với làm từ đầu.
Đó là chuyện trong nước. Trên thế giới, Tập đoàn Boeing của Mỹ từng không nhận cứu trợ tài chính từ chính phủ mà họ tự xoay trở bằng cách bán trái phiếu dài hạn cho nhà đầu tư để lấy tiền duy trì qua mùa COVID-19. Như vậy, có nhiều người tin rằng hàng không sẽ có đất sống khi đại dịch qua đi, từ đó họ mở hầu bao để cho Boeing vay.
Chuyện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, kể cả tự cứu kiểu này thường diễn ra sôi động sau những cơn sang chấn về kinh tế, như đại dịch COVID.
Còn nhớ khi xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997, nhiều tập đoàn phương Tây, các quỹ đầu tư đã lượn lờ qua châu Á để tìm mua lại các doanh nghiệp phá sản do nợ nần. Khi đó, nhiều tập đoàn có tiếng của Hàn Quốc đã phải bán đi các mảng kinh doanh, nhà máy của mình.
Có người gọi bên đi mua lại doanh nghiệp khó khăn là những "con kền kền" săn mồi. Nhưng đôi khi các "xác chết" lại vui vẻ bán mình để gỡ gạc, còn hơn mất tất cả. Các tập đoàn này có nguồn lực, kinh nghiệm quản trị, họ hồi sinh "xác chết", gọi là "cơ cấu lại" cho lành mạnh, giảm bớt nợ rồi bán đi hoặc sáp nhập vào doanh nghiệp của mình.
Như vậy, dù đại dịch nhưng hoạt động kinh tế vẫn vận động mạnh mẽ, như với mua bán doanh nghiệp.
Vì vậy, các bộ ngành dù đang tập trung xây dựng gói hỗ trợ đợt 2 để cứu doanh nghiệp cũng đừng lơ là đơn giản thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để người mua lại thuận lợi khởi động vòng quay tái sinh doanh nghiệp. Chuyện này quan trọng chẳng kém như gói hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại trong đại dịch.
Cũng cần cảnh giác với nạn chèn ép khi thâu tóm doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chủ lực, quốc kế dân sinh. Đặc biệt giám sát hoạt động mua bán phải tuân thủ luật lệ, bởi doanh nghiệp càng khó càng dễ bị ép, kể cả lách luật, có thể gây ra nhiều hệ lụy sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận