Lê Văn Cầm chuẩn bị xuống biển săn cá - Ảnh: B.D.
"Alô, anh ơi tối qua tụi em vừa bắn được con cá chim vàng hơn 12kg, đã lắm. Mời anh lên xem" - Lê Văn Cầm, biệt danh "Cầm sỉn", giọng như reo khi gọi điện cho chúng tôi lúc tờ mờ sáng.
Chiến tích từ biển cả
Chú cá mà Cầm vừa bắt được trong đêm ngụp lặn dưới các ghềnh đá là cá chim vàng, bề ngang hơn một gang tay rưỡi, dài chừng 4 gang.
Trời tờ mờ sáng, biển Nam Ô náo động bởi tàu lớn, tàu nhỏ từ ngoài hướng mặt trời mọc đi về bờ đổ cá. Mẩu tin Sỉn gặp mánh trúng cá quý thức giấc bạn nghề câu.
Nhiều người đã đợi sẵn trên bờ để tận mắt chứng kiến con cá lớn, loại ngon mà đã lâu rồi họ thỉnh thoảng mới gặp. Một thương lái sau khi nhìn chú cá mắt trong như viên bi thủy tinh, béo tròn ục thì quyết định trả gần 3 triệu đồng để về bán lại cho nhà hàng.
Chúng tôi ngồi trước ghềnh Nam Ô. Ngôi làng huyền sử bên chân sóng này vẫn giữ nét cổ xưa, trầm lặng và có phần như huyền bí.
Câu chuyện được nghe nhiều nhất ở các bàn cà phê của ngư dân - đa số là thanh niên trẻ và giới trung niên là chuyện đi câu, bắn cá. Với dân Nam Ô, săn cá là một nghề không chỉ mưu sinh mà là một nghệ thuật.
Nhiều người từng gác thúng chai, bán ngư cụ lên bờ đi làm công nhân, làm công việc ở thành phố nhưng rồi họ vẫn quay về cầm ống hơi lặn biển.
Một nhóm bốn người đàn ông kể cho nhau đêm hôm kia họ đã cùng ra một hòn đảo nổi và mất cả buổi tối để đuổi theo con cá mú lớn nhưng cuộc chơi phải dừng lại khi đáy biển bỗng nhiên đục ngầu.
Tiếng vỗ đùi đen đét thỉnh thoảng lại vang lên, những tiếng chậc lưỡi chép miệng đầy sinh động khi họ kể cho nhau chuyện về một người bạn nào đó câu được con cá lớn.
Nguyễn Văn Thức - một người đi câu ở Nam Ô - kể rằng cách đây chưa lâu ông cũng săn được con cá mú nặng gần 8kg. Với người sành ăn, cá mú tự nhiên được săn từ đáy biển là một "sản vật", giá lên tới hàng trăm ngàn đồng mỗi ký.
"Cá mú rất nhiều ở quanh biển Đà Nẵng nhưng rất khó săn. Tụi tui phải lặn cả đêm rồi gặp may khi thấy nó lướt qua trước mặt. Mình đuổi theo, lựa thế để giương ná mà bắn", ông Thức nói.
Cá chim vàng nặng 12kg được Lê Văn Cầm bắn từ biển Nam Ô - Ảnh: V.TÀI
Độc đáo mồi cá từ... người
Lê Văn Cầm cho biết trong đời đi biển của mình, có chú cá mà Cầm bắt được nặng hơn 30kg. Đó là con cá đuối khổng lồ đang bơi từ đại dương vào gành đá để sinh sản.
Mới đây nhất là xế chiều 20-9, trong lúc dìu ghe từ khơi vào bờ, Cầm và cha của mình là Lê Văn Tài ú tim khi chú cá đuối khổng lồ đuổi theo ghe rồi vung đuôi lên ngay trước mặt.
"Con cá này thậm chí to hơn con mà em từng bắn được", Cầm kể trong tiếc nuối.
Cha Cầm tiến sát mũi ghe, nhìn xuống mặt nước đã quá đục, nếu nước còn trong thì cuộc rượt đuổi giữa cá và người sẽ diễn ra và khả năng chú cá đuối sẽ dính mũi tên của người thợ săn tài ba.
Sau nhiều lần hẹn ra biển không thành vì thời tiết xấu, chúng tôi được theo chiếc thuyền câu của Lê Văn Cầm và cha anh. Ông Tài cho biết trước đây từng đi tàu lớn theo bạn ra khơi đánh xa bờ nhưng trải nhiều lần thập tử nhất sinh giữa biển cả, ông quyết định lùi về bờ đi làm công nhân.
Mấy năm trước, vì thấy cậu con trai ghiền đi biển tới nỗi bỏ cả việc quản đốc phân xưởng với lương 20 triệu đồng/tháng để về ôm câu ra biển, ông cũng quyết định đồng hành với con.
Tờ mờ sáng, ông Tài và con trai ôm mớ đồ nghề từ làng cá Nam Ô hướng ra gành. Tiếng động cơ ghe nổ lạch bạch đưa chúng tôi rời xa bờ, nhiều bạn nghề câu của ông Tài cũng thẳng lái hướng ra gành.
Sau khoảng hai tiếng lênh đênh trên sóng, ghe cập vào một gành đá hình vòng cung để bắt đầu cuộc rượt đuổi kỳ thú. Những ghe khác cũng cập vào từng vị trí như đã phân chia "lãnh địa". Mỗi ghe đều có ít nhất hai người, loại ghe nghề lặn và tay lưới nhỏ.
Nắng táp vào da rát như xát muối ướt. Ông Tài úp mặt vào mặt nước sau đuôi ghe để quan sát cá rồi tắt máy, ra hiệu cậu con trai thả neo.
Đồ nghề lặn được soạn ra trong lúc ông Tài mở chiếc thùng xốp để chuẩn bị bủa lưới. Ông nói trước đây ông sẽ lặn thay Cầm, nhưng sau mấy năm theo cha đi biển, Cầm giờ đã thành thục như con rái cá trưởng thành nên cậu sẽ trực tiếp xuống biển.
Cha, con và nghề săn cá truyền đời - Ảnh: B.D.
Bộ đồ nghề của thợ lặn Nam Ô khá đơn giản: tất cả đều không có bình dưỡng khí mà lấy hơi thủ công thông qua ống ngậm thò lên mặt nước, một bộ chân vịt, găng tay và tất chân tránh rách xước khi va vào đá, bộ quần áo lặn, túi dắt dao và không thể thiếu một bộ chì quấn quanh bụng để đưa cơ thể xuống nước. Dụng cụ săn cá của Cầm là một khẩu súng (ná) với mũi tên nối dây dù.
Sau khi đeo đồ trùm kín cơ thể, Cầm nhảy tõm xuống nước rồi mất hút. Từ trên ghe nhìn xuống, chàng thợ lặn này chẳng khác nào con rái cá đang quần đảo quanh các mép đá để tìm con mồi. Thỉnh thoảng cái đầu lại trồi lên nhưng lại mất hút ngay khi phát hiện luồng cá.
Trong lúc cậu con trai ngụp lặn dưới đáy biển, ông Tài đứng trên ghe bủa lưới để bắt cá nhỏ. Ông cho biết loại lưới này chủ yếu đánh cá dìa, cá dò và nếu gặp may thì sẽ có cá mú nhỏ. Tấm lưới đang bủa dở thì cách ghe chừng 200m, Cầm nổi lên khỏi mặt nước và giơ mũi khẩu súng lên với chú cá dìa nhỏ bị bắn vào đuôi.
Hai cha con ngư dân bảo rằng nhìn trên bờ có thể không thấy gì nhưng khi đeo kính lặn xuống mặt nước thì sẽ thấy cả một thế giới mênh mông kỳ thú. Để "rượt" được cá thì người đi lặn cũng có một bí quyết hết sức thú vị: lấy cơ thể chính mình để làm "mồi" dụ cá.
"Bộ đồ bơi của thợ lặn màu đen nên thu hút các loài cá. Khi nhảy xuống nước, việc của mình là dò tìm nơi có cá rồi tiến tới càng gần càng tốt. Khi đó nhiệm vụ còn lại là... nằm im bất động, cá tự khắc sẽ tò mò tìm tới rỉa, vây quanh. Lúc này thợ lặn sẽ chọn cá ưng ý rồi hướng mũi tên, bóp cò", Cầm hào hứng nói.
Những rái cá giữa biển khơi
Những thợ lặn ở làng cá Nam Ô cho biết mỗi ngày ra biển nếu may mắn họ có thể bắt được những chú cá mú, cá hanh, cá dìa... loại lớn và bán cả chục triệu đồng, những chuyến đi đạt 1,5 - 2 triệu đồng là chuyện bình thường. Dù vậy, cũng có những ngày gặp nước đục thì xách đồ về không.
Với khoản đầu tư không quá lớn, lặn biển là một nghề đầy hấp dẫn với những người đàn ông khỏe mạnh, họ được sống với biển, sống với nghề tiền hiền để lại. Mỗi ngày ra biển họ sẽ chia nhau công việc, trưa hoặc giữa đêm thì tấp vào gành đá nhóm củi, nấu cơm với đồ ăn là chú cá tươi rói được thả vào nồi nước sôi.
Cách săn chọn lọc, không tận diệt cá
Hiện ở Nam Ô có khoảng 100 chiếc ghe lặn như thế này còn duy trì, có đội thì chọn lặn đêm, người thì đi ngày. Cách đánh bắt này vui thú và cũng được bà con lựa chọn bởi đánh bắt có chọn lọc, không tận diệt và ảnh hưởng môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận