Anh Diệu bắn được con cá nhồng "khủng" - Ảnh: NVCC
Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Diệu (sinh năm 1981) ở huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), người được ví von như rái cá ở vùng biển này.
Điểm huyệt "lá vàng rơi" và "quái vật" 150kg
Diệu kể mình chuyên dùng súng tên bắn cá dưới đáy biển, từng bị cá lớn kéo ra vùng nước sâu mấy chục mét và phải lấy dao cắt đứt sợi dây để bơi vào bờ. "Hôm tôi bắn được con cá đuối nặng 150kg vào đúng điểm huyệt, phải hai người cùng kéo nó từ ngoài chỗ nước sâu vào đến bờ mà mệt lả luôn. Mọi người xúm lại khiêng cá vào sân nhà, ai muốn ăn bao nhiêu tự xẻ lấy. Có cả mấy chú bộ đội xẻ 5-7kg đưa vào đơn vị ăn. Tôi không lấy ai đồng nào", Diệu kể lại chuyến săn "quái thú" đại dương.
Đối với cá đuối lớn cực kỳ nguy hiểm bởi sức mạnh của nó và cái đuôi dài có chất độc đập vào người đau nhức tột cùng, thậm chí phải đi cấp cứu. "Lần đầu tiên tôi bắn được con nặng 150kg. Hôm đó lặn xuống sát đáy thì gặp, nó phóng lên phía trên, cả thân hình xòe ra giống như mái nhà phủ lên đầu tôi.
Hết hơi nên tôi phải trồi lên mặt nước, gọi ông bạn tới phụ đề phòng nguy hiểm xảy ra. Mắt cá đuối chỉ nhìn xuống, tôi bơi lên phía trên nó, đưa súng tên ngắm đúng vào điểm huyệt "lá vàng rơi" trên đầu, bóp cò, hắn đơ ra không còn bơi được nữa. Nếu bắn không trúng huyệt, nó kéo cả ba người to khỏe như tôi chạy ro ro", anh Diệu hào hứng kể.
Mỗi con cá có vị trí điểm huyệt, mà rái cá Diệu gọi "lá vàng rơi", nghĩa là tấn công đúng điểm huyệt cá thì lập tức nó bất động hoàn toàn, giống như lá vàng rơi từ trên cây xuống đất.
Biển Cồn Cỏ luôn có dòng chảy mạnh, cá luôn di chuyển nhanh, điểm huyệt "lá vàng rơi" chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. "Lần tôi tấn công con cá nhồng nặng 30kg, tôi với hắn đối mặt nhau, điểm "lá vàng rơi" nằm sát mang không thể bắn trúng được. Hắn "mê" mùi tanh mấy con cá nhỏ tôi đeo sau lưng, nên tôi ép người nấp vào hòn đá, chĩa mũi tên chờ sẵn. Hắn thấy mất bóng tôi, lập tức lao đến cục đá, trong chớp mắt hắn cua đầu, tôi bóp cò và mũi tên cắm đúng điểm huyệt "lá vàng rơi". Tôi đưa con cá nhồng vào bờ đo chiều dài gần bằng chiều dài cơ thể mình", Diệu múa tay chân diễn đạt.
Khi tấn công cá nhồng lớn, Diệu lúc nào cũng thủ sẵn con dao, nếu bắn không trúng điểm huyệt "lá vàng rơi" thì lập tức cắt dây cước thả cho cá chạy thoát (sợi dây nối từ mũi tên với khẩu súng). Nếu không cắt dây kịp thời, theo phản xạ và sức mạnh của cá nhồng bị trúng tên nó sẽ lao cực mạnh, trong cơn hoảng loạn rất có thể nó lao trúng vào thợ săn, vô cùng nguy hiểm.
Vùng biển đảo Cồn Cỏ cũng có nhiều cá mập. Rái cá Diệu cũng mò mẫm ở đây. Hai đối thủ thường gặp nhau ở cự ly gần. Người Diệu lúc nào cũng có cá nhỏ đeo bên người, mùi quyến rũ cá mập: "Nhiều lần gặp mấy con cá mập trắng lớn cứ bơi bên mình, thi thoảng nó lướt qua trước mặt. Tốt nhất không đối đầu với tụi nó, tôi bơi nhanh vào bờ", Diệu kể.
Đặc tính mỗi loại cá có trí khôn khác nhau, cá càng lớn "kinh nghiệm" càng cao, thợ săn khó tấn công được nó. Anh Diệu kể: "Có một con cá mú nặng khoảng 30kg, mỗi lần thấy bóng tôi lặn xuống là nó quay đầu vào hang đá liền, tôi lặn vào hang đuổi theo nó, bị mắc kẹt xém chết ngạt, cũng may thoát ra được. Mấy lần sau phục ở cửa hang vẫn không được. Khoảng 20 ngày tôi không đến hang để cho nó "quên" tôi. Rồi tôi lặn xuống ẩn nấp ở hố vực, phát âm thanh "gọi" nó ra khỏi hang, hắn mới ra ngoài cửa hang tôi bắn đúng huyệt "lá vàng rơi", kéo được nó lên bờ quá mệt".
Con cá bè to lớn đã bị Diệu bắn đúng huyệt “lá vàng rơi”
"Xạ thủ" dưới đáy biển
"Cá tôi bắn ở đảo Cồn Cỏ xếp vào hạng ngon nhất, thường có người đặt hàng trước để tôi xuống biển lựa chọn bắt đúng kích cỡ. Hôm qua, tôi lặn 2 giờ, bán được 4 triệu đồng. Có nhiều hôm trời yên biển lặng, ra nhặt cá đeo nặng trĩu cả người rồi bơi vào bờ", Diệu chứng tỏ mình là cao thủ dưới đáy biển. Và thợ săn đại dương này khẳng định anh chỉ giương tên bắn cá trong quy định pháp luật cho phép. Thậm chí, anh còn rất tích cực bảo vệ hệ sinh thái biển cả, bởi ngày ngày bơi lặn dưới biển, anh rất hiểu giá trị của biển đối với con người.
Thợ săn đại dương này sinh ra và lớn lên ở xã Cam Thành (huyện Cam Lộ), là vùng đất ruộng lúa, chưa hề biết lặn biển. Năm 2000, anh đi nghĩa vụ quân sự thuộc tiểu đoàn đảo Cồn Cỏ và gặp cô thanh niên xung phong xây dựng đảo Nguyễn Hạnh Nhân. Diệu xuất ngũ, hai người nên duyên vợ chồng, trở thành công dân huyện đảo Cồn Cỏ.
Vợ chồng trẻ ở đảo gặp nhiều khó khăn. "Ông công nhân nạo vét cảng Cồn Cỏ chỉ tôi cách lặn biển bắt cá, rồi tôi về nhà mày mò độ chế khẩu súng bắn cá dưới biển. Mũi tên đập từ thanh sắt 6 li và tháo cái cò quả lựu đạn diễn tập cũ làm cò súng. Ngày đầu tiên lặn biển "mở hàng", khẩu súng bắn trúng con tôm hùm to 4 lạng, tôi mừng lắm, thả rớt cả súng dưới đáy biển", Diệu nhớ như in.
Vừa kiếm cá ăn hằng ngày vừa thỏa sức đam mê lặn bắn cá, Diệu vẫn sử dụng khẩu súng do mình sáng chế. Anh lặn lúc đầu chỉ 2m nước trở lại, chỉ bắt cá dò, dìa, cỡ 3-4 ngón tay khép lại. Lân la kết bạn với dân lặn ở đất liền, họ gợi ý sắm loại súng bắn tên chuyên nghiệp. Sức nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày đè lên đôi vai Diệu, buộc anh phải tăng khả năng lặn biển nhiều hơn.
Suốt 20 năm qua, Diệu đã bắn rất nhiều cá, biết chính xác điểm huyệt "lá vàng rơi" từng loại cá, đây là điểm cốt lõi nhất trong bắn cá cỡ lớn. Diệu cũng đã dạy cách bắn cá cho mấy người ở đảo Cồn Cỏ, nhưng hầu hết họ chưa đủ "trình" đối mặt với cá từ 30 - 50kg/con. Họ cần luyện bắt cá nhỏ trước để thành thạo kỹ năng xử lý sự cố dưới đáy biển, không nên nóng vội nguy hiểm tính mạng mình.
Trò chuyện về "người rái cá" độc đáo này, thiếu tá Ngô Xuân Phương, Đồn biên phòng Cồn Cỏ, vui vẻ nói: "Tôi đã công tác ở nhiều đồn biên phòng ven biển Quảng Trị, chưa thấy ai lặn bắn cá dưới đáy biển được xếp vào hạng xạ thủ như anh Diệu, bắn được cá lớn cả tạ, là quá độc đáo. Ham mê lặn biển đã chảy vào máu tim của anh ta rồi, lần nào đi lặn cũng có cá mang về nhà".
Giờ rái cá Diệu đang truyền nghề thợ săn đại dương lại cho người khác
150kg
Đó là con cá đuối khổng lồ mà anh Diệu đã săn được.
Đóng góp phát triển du lịch
"Năm 2017, Chính phủ đã cho phép đảo Cồn Cỏ đón khách du lịch ra tham quan. Ngoài những câu chuyện lịch sử anh hùng của hòn đảo tiền tiêu, du khách còn được thưởng thức thủy sản tươi sống ở vùng biển khơi. Anh Nguyễn Văn Diệu có biệt tài lặn bắn cá dưới đáy biển phục vụ du khách, đóng góp phát triển du lịch cho đảo Cồn Cỏ" - ông Võ Viết Cường - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ - cho biết.
Được phép săn bắn cá
"Câu cá, săn bắn cá, lặn ngắm sinh vật cảnh dưới đáy biển là một ngành giải trí phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, có doanh thu hàng tỉ USD. Ở nước ta, gần như tỉnh thành ven biển nào cũng có những câu lạc bộ nhỏ về săn bắn cá dưới biển. Ngày xưa chưa có phương tiện đánh bắt như bây giờ, người dân cũng lặn bắn cá bằng tên" - PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận