04/12/2020 19:00 GMT+7

Rác thải nhựa tăng lên đáng kể, cần chung tay giảm thiểu ngay lúc này

NHÓM PV
NHÓM PV

Khoảng 2.500 tấn là số lượng rác nhựa ước tính thải ra môi trường mỗi ngày ở Việt Nam. Từ đường sá, kênh rạch đến cả trước nhà dân. Và đại dịch COVID-19 kéo đến, tưởng chừng chẳng liên quan nhưng đã khiến số lượng rác thải nhựa tăng lên từng ngày.

Rác thải nhựa tăng lên đáng kể, cần chung tay giảm thiểu ngay lúc này - Ảnh 1.

Rác thải nhựa gia tăng sau đại dịch COVID-19 là điều rất đáng lo - Ảnh: LÊ PHAN

COVID-19 - một tác nhân của sự gia tăng rác thải nhựa

Cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới lại có 1 triệu chai nhựa được bán ra và mỗi năm có khoảng 5.000 tỉ túi nilông được tiêu thụ. Còn ở Việt Nam, lượng rác nhựa thải ra môi trường mỗi ngày là hơn 2.500 tấn. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, lượng rác thải nhựa thải ra lên tới 80 tấn mỗi ngày. Đây là con số đáng báo động và đang là vấn đề quan tâm hàng đầu.

Để phần nào giải quyết vấn đề trên, từ năm 2019, phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần được Chính phủ phát động đã ghi nhận được nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Anh Truyện Duy Ngọc, người dân ở quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết: "Mùa dịch này thay đổi rất lớn. Nếu như bình thường mình sẽ đến các quán ăn nhưng giờ mình ngồi nhà đặt Grab và người ta giao hàng tới. Và tất nhiên họ chỉ sử dụng bao bì nhựa thôi. Rác thải nhựa trong nhà mình cứ thế tăng và tăng lên rất nhiều".

Còn theo chị Anh Thư tại quận Gò Vấp, TP.HCM, việc đặt hàng và dùng đồ nhựa một lần đối với chị là bất khả kháng. "Vì để đến tay khách hàng thì phải cho vô hộp nhựa và như vậy là bình thường", chị Anh Thư cho biết.

Có thể nói đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi rất lớn hành vi tiêu dùng của người dân. Các nghị định cách ly xã hội đã làm bùng nổ mua sắm online. Theo một khảo sát, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, có đến 75% người dân sống ở TP.HCM và Hà Nội sử dụng dịch vụ mua đồ ăn trực tuyến. Việc đặt món và giao đồ ăn tận nơi nở rộ đã phần nào khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể.

Về vấn đề này, ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết: "COVID-19 không làm cho tổng số lượng rác thải của TP tăng lên bởi sự giãn cách xã hội, tuy nhiên việc người dân quay lại thói quen sử dụng đồ dùng một lần đã khiến lượng rác thải nhựa tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây".

Tại Hà Nội và TP.HCM, số lượng rác thải nhựa thải ra lên tới 80 tấn mỗi ngày - Video: TVO

Bên cạnh đó, đại dịch cũng kéo theo sự tăng lên chóng mặt của một loại rác thải, đó chính là rác thải y tế. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện đến nay, số lượng vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ được sử dụng tăng vọt. Có dùng chắc chắn sẽ có thải. Điều này tạo nên một áp lực không hề nhỏ đối với môi trường.

Đại dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều thứ và làm cho nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa dường như bị dập tắt. Thói quen tiêu dùng thay đổi khiến nỗi lo bùng nổ rác thải nhựa chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Giải quyết vấn đề rác thải nhựa - một bài toán cũ nay lại càng khó hơn bởi sự ảnh hưởng của COVID-19 là không hề nhỏ.

Sự chung tay của cộng đồng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa

Trước thực trạng rác thải nhựa ngày càng tăng sau mùa dịch COVID-19, đã có nhiều hoạt động nhằm chung tay giảm thiểu nguồn rác thải này.

Là chủ một cửa hàng bán những sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, chị Phạm Thị Kim Hằng (chủ cửa hàng sản phẩm hữu cơ ở quận Tân Phú, TP.HCM) luôn cố gắng tìm ra những giải pháp để tận dụng các đồ dùng khó phân hủy thành những sản phẩm có giá trị sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

"Dựa vào tính chất của nilông thì Hằng mới tìm hiểu, nghĩ ra một cách tại sao không tạo thành dạng sợi vải để làm túi cho mọi người, vì nilông nó không thấm nước, giặt cũng nhanh khô, bền", chị Hằng chia sẻ về ý tưởng làm nên những chiếc túi từ nilông độc đáo.

Cũng vì đau đáu nỗi niềm bảo vệ môi trường sống, dự án EcoBrick hay còn được gọi là gạch sinh thái của vợ chồng anh anh Tuấn và chị Bình Minh cũng ra đời. EcoBricks đã trở thành một phương pháp khá phổ biến để tái sử dụng rác thải nhựa ở các quốc gia khác nhưng đến năm 2017, Việt Nam mới chính thức có mặt trên bản đồ EcoBricks quốc tế nhờ dự án này.

Rác thải nhựa tăng lên đáng kể, cần chung tay giảm thiểu ngay lúc này - Ảnh 3.

Hình ảnh này sẽ ngày càng ít xuất hiện nếu chúng ta cùng chung tay sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường - Ảnh: LÊ PHAN

Bên cạnh những mô hình cá nhân, các doanh nghiệp lớn cũng góp tay chống rác thải nhựa. Trong đó có thể kể đến hệ thống siêu thị Saigon Co.op, một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc kinh doanh đi liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường sống; hay Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - một doanh nghiệp trực tiếp xử lý rác thải của thành phố cũng đang đề xuất ra nhiều giải pháp hữu ích. 

Ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM, cho biết công ty đang xin phép TP để trở thành một trong những đơn vị thu hồi hết rác thải tái chế sau khi được người dân phân loại ra. 

"Và chúng tôi đưa về để chuyển hóa, đưa ra các giải pháp công nghệ để tái chế, tái sử dụng nguồn rác thải này. Sau đó chuyển đổi thành các sản phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân, qua đó góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM", ông Tuấn nêu ý tưởng.

Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường là một trong những giải pháp tối ưu giảm rác thải nhựa - Video: TVO

Ngày nay, thuật ngữ "tái chế" đã trở thành khái niệm quen thuộc với người dân. Thật không khó để thực hiện, chúng ta ai cũng đều có thể làm bằng những việc đơn giản nhất trong sinh hoạt hằng ngày. Thay vì kết thúc vòng đời của các chai nhựa, hay những túi nilông… tại các bãi rác thì hãy để chính rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh.

Kéo giảm tác hại của rác thải nhựa: Chuyện không của riêng ai Kéo giảm tác hại của rác thải nhựa: Chuyện không của riêng ai

Sau đợt đại dịch COVID-19 vừa qua, rác thải nhựa tồn đọng tại TP.HCM tăng 25 % gây những hệ lụy cho môi trường và cuộc sống của người dân TP. Việc kéo giảm sử dụng các sản phẩm này cũng như tìm giải pháp hữu hiệu để xử lý là vấn đề hết sức nan giải.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp