Chính quyền TP Phan Thiết (Bình Thuận) vận động doanh nghiệp du lịch, đoàn thể, người dân phường Hàm Tiến dọn nhựa trên bờ biển - Ảnh: T.T.D.
Vấn nạn “ô nhiễm trắng” không chỉ tàn phá môi trường, mà còn hủy hoại sinh kế của nhiều người dân.
Đề nghị tăng thuế túi nilông
Bộ Tài nguyên - Môi trường cho biết trước nguy cơ lớn về ô nhiễm rác thải nhựa, dự kiến ngày 12-10 bộ sẽ chủ trì lễ phát động phong trào chống rác thải nhựa, nhằm khởi động chiến dịch quy mô toàn quốc kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa và ra môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Võ Tuấn Nhân, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay "rất kinh khủng", lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt.
"Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm" - ông Nhân cho hay.
Thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Bộ nhận định đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".
Trước thực tế trên, ông Nhân khẳng định cần có giải pháp đồng bộ từ truyền thông thay đổi nhận thức đến các chính sách, biện pháp quản lý. Ông Nhân cho rằng để hạn chế núi nilon không thân thiện với môi trường, cần phải có sự tham gia của toàn xã hội và cần phải có các loại túi thay thế.
Theo ông, về mặt quản lý nhà nước, tới đây cần đẩy mạnh chính sách khuyến khích các sản phẩm tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường, hỗ trợ để sử dụng phổ biến hơn các sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
"Về chính sách, quan điểm của chúng tôi là cần nâng ngay thuế môi trường với túi nilon. Mức thuế 40.000 đồng/kg túi là thấp, túi rẻ, xin bao nhiêu cũng được, không hạn chế được túi không thân thiện với môi trường" - ông Nhân nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Sĩ Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, nói thế giới đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa khi mỗi năm có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn từ lục địa đổ vào các đại dương.
Còn theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa ra biển, với 0,28 - 0,73 triệu tấn mỗi năm (tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Rác thải nhựa, bèo theo sóng biển dạt vào dọc bãi tắm khu 2 Đồ Sơn, Hải Phòng khiến công nhân vất vả thu gom - Ảnh: TIẾN THẮNG
Hải Phòng: rác thải nhựa bủa vây biển
Tại Hải Phòng, ghi nhận của Tuổi Trẻ ở các khu vực biển thuộc Cát Bà, Đồ Sơn, Tiên Lãng..., mỗi ngày công nhân lại phải tổ chức thu gom lượng lớn rác thải trôi nổi khắp mặt vịnh, các bãi tắm.
Tại bãi biển thuộc quận Đồ Sơn, những chai nhựa, túi nilon... theo sóng trôi dạt dọc bãi cát vàng, làm mất mỹ quan khu du lịch. Chính quyền địa phương liên tục phải bố trí lực lượng vệ sinh tổ chức thu gom.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, công nhân thu gom rác tại khu vực Đồ Sơn, cho biết vùng biển này nằm gần cửa sông, cửa biển, nên bèo và rác thải nhựa liên tục trôi dạt vào các bãi tắm theo thủy triều lên xuống.
"Chúng tôi liên tục thu gom cả chục tấn rác thải đủ loại, từ vỏ chai, vỏ bánh kẹo, túi nilon, tấm xốp..." - ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, tại khu vực biển Cát Bà thuộc huyện đảo Cát Hải, có những ngày ở ngay tại khu vực âu tàu trung tâm huyện, không khó để thấy những túi nilon, chai nhựa trôi nổi khắp mặt vịnh, xung quanh các nhà hàng nổi...
Ông Nguyễn Công Hòa - giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà - cho biết mỗi ngày riêng lực lượng vệ sinh của ban thu gom 8-10m3 rác thải nhựa trên mặt các vịnh.
Theo ông Hoàng Văn Thập - giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, để giải quyết được tình trạng rác thải nhựa trên mặt biển đòi hỏi sự phối hợp, nâng cao ý thức của tất cả cộng đồng, dân cư các tỉnh ven biển.
"Tôi thấy cần phải có kế hoạch để thay đổi mạnh mẽ ý thức của người dân trong việc sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa" - ông Thập nêu.
Tại khu vực Cát Hải, đồn biên phòng Cát Bà đã xây dựng mô hình tổ đò Đoàn Kết với hơn 70 tàu vừa vận chuyển khách du lịch vừa sẵn sàng thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên mặt biển.
Quảng Nam: hướng dẫn ngư dân thu gom rác
Xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên) là một trong những vùng có lượng ngư dân nhiều tại tỉnh Quảng Nam. Vùng biển ở thôn An Lương tại vị trí cửa biển đang ngập ngụa trong rác.
Trên chiều dài từ cầu Cửa Đại nối TP Hội An qua huyện Duy Xuyên kéo về đến cửa biển một lượng lớn rác thải tấp vào hai bên bờ sông. Tàu thuyền của ngư dân neo đậu ở cửa sông và những quán nhậu, nhà hàng nằm sát bờ bên những lớp rác trôi lập lờ trên mặt nước.
Một lãnh đạo UBND TP Hội An thông tin: "Rác quá nhiều và chủ yếu về từ thượng nguồn khiến cửa biển như mỗi ngày một bít kín hơn. Chai nhựa, túi nilon, cây cối khi trôi ra đến cửa biển bị sóng đánh dạt ngược lại và nằm rải hai bên bờ".
Thôn An Lương hiện có hàng chục hộ gia đình làm nghề biển. Nhiều tàu thuyền tại các vùng ngư dân lớn của Quảng Nam cũng neo đậu tại đây và mỗi ngày lượng rác sinh hoạt xả thải ra môi trường đã góp phần làm cửa biển thêm ngột ngạt. Rác từ ngoài biển tấp về cũng bồi đắp thêm khiến cả doi cát luôn nặng nề.
Ông Lê Trung Cường - phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - nói rác thải biển đang ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm của từng ngư dân.
"Chúng tôi tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp bãi biển, các làng nghề cá tập trung ngư dân. Đặc biệt là hướng dẫn bà con thu gom rác, không xả thải trực tiếp ra đại dương, hỗ trợ bà con các vật dụng chứa rác khi đi biển, cách tiêu hủy và đặt các điểm thu gom rác tại các khu dân cư nghề biển" - ông Cường cho hay.
Chủ tịch Hội Nghề cá Đà Nẵng Trần Văn Lĩnh khẳng định: "Ngư dân chỉ xả ra một lượng rác rất nhỏ, đó là túi nilông, chai nhựa... của những vật dụng sinh hoạt thường ngày trên biển. Lượng rác hiện nay trôi nổi trên biển, tấp vào bờ chủ yếu xuất phát từ đất liền".
Bà Rịa - Vũng Tàu: tàu ra khơi phải có... thùng rác
Chai nhựa, phao nhựa, xốp tấp vào rừng ngập mặn ở hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo. Hằng năm, Côn Đảo phải huy động hàng trăm người để dọn dẹp rác thải này - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), tại hầu hết các hòn đảo nhỏ như hòn Bảy Cạnh, hòn Tre, vịnh Đầm Tre, bãi Dong đều có sự hiện diện của rác thải, nhiều nhất vẫn là rác thải nhựa, nilon; những vật chất khó phân hủy như lưới rách, chai nhựa, phao nhựa, chai thủy tinh, túi nilon.
Tại khu vực rừng đước ngập mặn của hòn Bảy Cạnh, chúng tôi từng ghi nhận lớp lớp rác thải tấp vào, mắc vướng trên những cành cây. Một cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết hòn Bảy Cạnh có nhiều bãi cát, một khu rừng ngập mặn và tất cả đều có rác thải là nhựa, túi nilon.
Tại bãi Dong (khu vực Cỏ Ống) trước đây cũng tràn ngập rác thải liên quan nhựa như phao, xốp, giày dép, dây lưới, dây dù. Nguy hiểm hơn, chúng tôi từng ghi nhận ở Côn Đảo còn có những rác nhiễm dầu đen ngòm chứa trong những can nhựa bị vứt bỏ hay túi nilon, nhiều sợi dây dù bị dầu nhuộm đen.
Mấy năm trở lại đây, chính quyền Côn Đảo thường xuyên tổ chức lực lượng đến các hòn đảo, các bãi để thu gom rác. Vườn quốc gia Côn Đảo cho biết trong ba đợt gom rác ở các hòn đảo nhỏ trong năm 2018 đã thu được lượng rác thải lên tới 600m3.
Rác tấp vào các bãi biển, các hòn đảo ở Côn Đảo có nhiều nguồn. Hai năm trở lại đây, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trích ngân sách để hỗ trợ, trả chi phí thuê ghe tàu khi tổ chức dọn rác ở các hòn đảo, các bãi thuộc quản lý của Vườn quốc gia Côn Đảo.
Tại TP Vũng Tàu, đi dọc bờ kè biển trên đường Trần Phú (đoạn bãi Trước), chúng tôi ghi nhận có nhiều rác thải nhựa, khó phân hủy tấp vào bãi đá, nằm trong các hốc đá.
Đỉnh điểm của rác thải khó phân hủy là kênh Bến Đình (phường 5 và phường Thắng Nhì). Dòng kênh này vốn đã đen ngòm vì nước thải không được nạo vét cộng với túi nilông, bịch xốp, hộp xốp nổi lềnh bềnh càng làm cho môi trường ô nhiễm trầm trọng.
Ông Võ Văn Quyền - bí thư, chủ tịch UBND phường Thắng Nhì - cho biết từ nhiều tháng qua, chính quyền đã vận động người dân sống dọc kênh Bến Đình cũng như ngư dân có tàu cá về đây neo đậu không xả rác ra kênh.
Đồng thời vận động mỗi tàu cá phải trang bị một thùng đựng rác trên ghe để bỏ rác thải trong quá trình đi đánh bắt. Khi về cảng, cập bờ đưa rác lên các thùng lớn đặt ở cảng cá.
Hiện nay, Thành ủy - UBND TP Vũng Tàu đang lên kế hoạch để triển khai triệt để việc này. "Khi tàu cá về bờ, nếu không có rác thì bộ đội biên phòng sẽ xử phạt" - ông Quyền cho biết.
Thanh Hóa: ô nhiễm nhất ở vùng biển
Xung quanh bảng cấm đổ rác ở cạnh chợ Diêm Phố (Hậu Lộc, Thanh Hóa) vẫn... đầy rác - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Tại tỉnh Thanh Hóa, 6 xã vùng biển của huyện Hậu Lộc là nơi môi trường ven biển ô nhiễm nhất xứ Thanh.
Ngày 8-10, PV Tuổi Trẻ đi dọc gần 4km đường đê ven biển từ xã Hải Lộc qua Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc đến Đa Lộc, nơi đâu cũng thấy rác thải rắn (gồm túi nion, chai nhựa, bao bì...) và chất thải sinh hoạt trong các khu dân cư đổ ra mái đê phía biển.
Nhiều khu vực có dân cư đông đúc như chợ Diêm Phố (xã Minh Lộc), vùng giáp ranh giữa xã Minh Lộc và Ngư Lộc, rác thải các loại chất thành đống. Nước biển khu vực này chuyển sang màu đen, đục ngầu, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Các tiểu thương tại chợ Diêm Phố (chợ lớn nhất 6 xã ven biển Hậu Lộc) cho biết chợ chủ yếu họp đông đúc vào buổi chiều, khi các tàu thuyền đánh bắt hải sản đi trong ngày trở về bến cá Ngư Lộc.
Sau mỗi phiên chợ, một phần rác thải các loại được đội vệ sinh môi trường của xã thu gom đem đi xử lý tại nhà máy xử lý rác tập trung, rác còn lại người dân ném xuống mái đê ven biển.
Nước thủy triều lên xuống kéo rác thải ra biển, đến khi sóng vỗ vào lại đưa rác thải vào bờ chất thành đống bốc mùi hôi. Hàng chục năm nay, người dân sống quanh khu vực chợ Diêm Phố chịu cảnh nghiêm trọng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngữ - chủ tịch UBND xã Ngư Lộc - cho hay toàn xã có trên 80% người dân sống bằng nghề đi biển, nhiều người dân sống ven đê biển và ngư dân đi biển khi vào bờ vẫn có thói quen xả rác ra biển.
Hậu quả trực tiếp là gây nhiễm độc các loại thủy hải sản nuôi trồng, đánh bắt khu vực ven bờ, sẽ làm suy thoái tới các hệ sinh thái ven biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, các động vật biển quý hiếm, mất bãi đẻ của các loài rùa biển...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận