Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại dọc bờ biển xã Giao Hải, rác thải chất thành từng đống lớn, dồn đọng, phủ kín hơn chục km đường biển và bốc mùi hôi thối.
Rác thải ngập bãi biển
Rác thải chủ yếu là quần áo cũ, vỏ chai, vỏ bao bì, khẩu trang, rác thải sinh hoạt… thậm chí còn có cả kim truyền, mảnh sành, sứ.
Theo đó, từng cuộn rác lớn dính chặt vào nhau, nằm ngổn ngang khắp nơi và bốc mùi hôi thối khó chịu, khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều đáng nói, nhiều ngư dân phải lội qua "con đường rác" quá nửa đầu gối dọc khu vực bờ biển mới ra được nơi để thuyền. Những hộ dân quanh đây ngày qua ngày cũng phải chấp nhận "sống chung" với mùi hôi thối, tanh tưởi của rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa, xác động vật đang phân hủy.
Chứng kiến cảnh tượng ngập ngụa rác tại bãi biển kể trên, Nguyễn Lan Phương (Hà Nội) thất vọng nói: "Đây gần như là một khu tập kết rác với tầng tầng lớp rác xếp chồng lên nhau, chứ không còn là bãi biển nữa".
Ông Hoàng Văn Cường (64 tuổi, sống tại xã Giao Hải) cho biết tình trạng bờ biển tràn ngập rác đã tồn tại gần 10 năm qua, cứ đến giờ ăn cơm rác thải lại "dậy" mùi.
“Khoảng 6h đến 7h, khoảng giờ mình ăn cơm, gió biển thổi vào là bắt đầu nó đổ cái mùi chua. Cực kỳ khó chịu” - ông Cường nói.
Không chỉ là chuyện của những người dân sinh sống dọc bờ biển, rác thải còn là nỗi lo của những ngư dân đánh bắt cá. Rác thải tấp dày đặc vào mái kè, thậm chí nhiều chỗ rác dồn thành đống.
Ông Nguyễn Văn Tiến (45 tuổi, ngư dân tại xã Giao Hải) cho biết có những tháng không có cá, kéo lưới lên đa phần là rác.
Rác thải lẫn với hải sản
"50% rác, 50% cá, những chuyến ra khơi giờ không còn có cá, có hải sản mà còn có cả rác thải" - ông Tiến nói thêm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trịnh Văn Đoàn - phó chủ tịch UBND xã Giao Hải - cho biết dọc bờ biển của xã có bến cá là nơi tập hợp các tàu bè từ nhiều nơi về neo đậu, đi lại tấp nập. Điều đáng nói, các tàu cá trên lại thường xả thẳng rác xuống biển.
"Chính vì vậy khi thủy triều lên thì các nguồn rác dạt vào bờ biển khu vực này" - ông Đoàn cho hay.
Về giải pháp trước mắt, ông Đoàn cho biết đa số rác thải nhựa đổ về sẽ được người dân thu gom để bán đồng nát. Đồng thời, rác ở biển thì hằng năm định kỳ sẽ có 3 đợt tổ chức ra quân làm sạch bờ biển gồm Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, công an, cùng với sự kết hợp của các trường đại học …
"Hiện rác thải công cộng, rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để đến 95%. Trên địa bàn hiện tại nhà nào cũng có 2 thùng rác: vô cơ và hữu cơ. Sau khi áp dụng chính sách chung, người dân thực hiện triệt để 100%, vì là xã ban hành nên ai vi phạm đều có camera an ninh ghi lại và sẽ bị xử phạt” - ông Đoàn nói thêm.
Ngoài ra, bờ biển Giao Hải nằm ở hạ lưu sông Hồng, vì vậy nơi đây không chỉ nhận được rất nhiều phù sa mà mỗi năm còn phải hứng chịu rất nhiều rác thải từ đầu nguồn chảy về.
Ông Vũ Đại An - chánh văn phòng Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Nam Định - cho biết vùng biển Giao Thủy là vùng cửa sông, rác thải không chỉ riêng ở huyện này vào mà còn từ các nơi khác. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề trên, ông An cho rằng phải phân loại được rác thải nguồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận