23/01/2015 11:27 GMT+7

​Rắc rối với bảo hiểm y tế gia đình

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG
LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG

TT - Những ngày gần đây, người dân liên tục than phiền về việc mua bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình rất khó khăn.

Người dân đăng ký mua bảo hiểm y tế hộ gia đình tại phường Hiệp Phú, Q.9 (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân đăng ký mua bảo hiểm y tế hộ gia đình tại phường Hiệp Phú, Q.9 (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Sáng 22-1, bà P.T.T. (53 tuổi, P.5, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mở túi nilông lấy ba tấm thẻ BHYT cũ đã được gói cẩn thận ra phân trần nếu bán BHYT cho cả hộ gia đình thì không biết đến bao giờ bà mới có thể mua được.

Bao giờ mới mua được?

Nỗi lòng của một bệnh nhân ung thư 

Cán bộ bán BHYT hộ gia đình của UBND P.9, Q.Phú Nhuận kể mới đây một phụ nữ trẻ đến phường mua BHYT vì thẻ BHYT cũ sắp hết hạn.

Khi biết phải mua BHYT cả hộ gia đình người phụ nữ này buồn lắm. Cô kể đang bị bệnh ung thư và mới ly dị chồng.

Hiện hộ khẩu của cô vẫn ở gia đình nhà chồng nhưng cô không dám đến nhà chồng để hỏi những thành viên trong gia đình chồng đã mua BHYT hay chưa.

Nếu họ đã mua rồi, cô cũng không dám mượn sổ hộ khẩu hay thẻ BHYT của các thành viên trong gia đình để mua BHYT.

Cán bộ phường này đành hướng dẫn cô lên Bảo hiểm xã hội Q.Phú Nhuận trình bày lý do xem có cách nào giải quyết không.

Bà T. kể năm anh chị em bà sống trong ngôi nhà thừa kế của cha mẹ. Nhà có năm người chung hộ khẩu nhưng đến bốn người không lập gia đình và chỉ có bà và cô em út có thẻ BHYT.

Khi phường nói chỉ bán BHYT theo hộ gia đình, bà về hỏi những thành viên còn lại có mua BHYT không thì được trả lời: “Từ trước không mua nên đến giờ cũng không mua”. Bà T. kể trừ cô út ra, anh chị em bà đều không có công việc, lo bữa ăn chẳng đủ nên bỏ hàng trăm ngàn ra mua BHYT là rất khó.

Trong sổ khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán bà mắc nhiều bệnh mãn tính như đau khớp, thoái hóa khớp gối, giãn tĩnh mạch chân, thiếu máu cơ tim, tăng men gan, tăng huyết áp... Bà T. lo lắng nếu không mua được BHYT chắc bà chết vì hiện cơm cũng chẳng đủ ăn lấy đâu tiền để chữa bệnh!

Ghi nhận của Tuổi Trẻ và phản ảnh của nhiều người dân cho thấy khi mua BHYT hộ gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối. Trong đó người dân than phiền nhiều nhất là không đủ tiền mua BHYT cho cả hộ cùng lúc như trường hợp bà P.T.T. nói trên.

Có người chỉ vì một hai thành viên trong nhà không chịu mua nên họ không thể mua BHYT được. “Một người không chịu mua BHYT thì những người còn lại phải “chết theo” hoặc phải tự bỏ tiền túi ra mua cho người đó hay sao?” - bạn đọc Nguyễn Giang phản ảnh.

Có hộ do vợ chồng đã ly dị không còn ở chung hoặc vẫn ở chung một nhà, còn chung hộ khẩu nhưng người chồng hoặc vợ không chịu mua BHYT nên người còn lại cũng “bó tay”, không mua được.

Ngoài ra, có trường hợp các thành viên trong gia đình tuy tên còn trong hộ khẩu nhưng lại không ở cùng một nơi mà đi địa phương khác làm ăn, đi du học nước ngoài hoặc đã lập gia đình và theo chồng hoặc vợ về nơi khác sinh sống... thì đại lý bán BHYT yêu cầu phải có giấy xác nhận tạm vắng của cơ quan công an hoặc chứng minh bằng visa, giấy chứng nhận ở trường đang học ở nước ngoài nộp vào mới bán.

Nhưng để xin được các giấy tờ này rất nhiêu khê và không biết có được xác nhận, chứng nhận hay không. Thậm chí có chủ nhà trọ vì đăng ký tạm trú cho 30-40 người là lao động tự do hay sinh viên trọ học vào cùng một sổ KT3 nhưng sau đó có người đi nơi khác ở thì những người còn lại cũng không thể mua được.

Một cán bộ phụ trách bán BHYT hộ gia đình của UBND P.9, Q.Phú Nhuận cho biết quy định bán BHYT theo hộ gia đình rất có lợi cho những hộ có nhiều người đồng lòng mua BHYT vì được giảm giá kể từ người mua thứ hai, thứ ba trở đi... Song quy định này cũng gây khó khăn cho một số trường hợp như trên.

Tìm cách tháo gỡ

Được giảm giá từ người thứ hai

Theo ông Sang, năm 2014 tại TP.HCM có 909.000 người tham gia BHYT tự nguyện và đa số người tham gia BHYT tự nguyện đều có bệnh mãn tính hoặc bệnh nặng. Vì thế, nhóm BHYT tự nguyện đã sử dụng hết quỹ họ đóng và còn âm gần 1.500 tỉ đồng.

Nhờ có quỹ BHYT của những người đang làm việc đóng cao nhưng chưa sử dụng tới nên mới dư hơn 2.000 tỉ đồng để bù lại 1.500 tỉ đồng bị bội chi của nhóm này.

Về thủ tục mua BHYT hộ gia đình, ông Sang cho biết đã có mẫu hướng dẫn. Người dân chỉ cần liệt kê hết tên những người trong hộ vào mẫu. Ai có thẻ BHYT rồi thì đánh dấu vào và photo thẻ BHYT của người đó kèm theo để kiểm soát. Còn lại bao nhiêu người chưa tham gia BHYT sẽ phải mua hết và sẽ được giảm giá kể từ người thứ hai trở đi theo quy định.

Theo ông Cao Văn Sang - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - những ngày qua Bảo hiểm xã hội TP cũng nhận được nhiều thắc mắc của người dân xung quanh việc mua BHYT hộ gia đình.

Chia sẻ với những khó khăn của người dân nhưng ông Sang khẳng định từ ngày 1-1-2015 không còn BHYT tự nguyện mà Luật BHYT sửa đổi quy định bắt buộc phải tham gia BHYT.

“Luật quy định như vậy là vì muốn các thành viên trong gia đình cùng có trách nhiệm tương trợ lẫn nhau. Một người cần mua BHYT có nghĩa là người đó đang có bệnh. Vậy thì những người khác cũng phải giúp đỡ người thân của mình bằng việc tham gia BHYT.

Cùng trong một hộ mà không tương trợ nhau được thì đòi hỏi xã hội tương trợ là rất khó. Vì lý do này Quốc hội mới quyết thông qua việc mua BHYT theo hộ gia đình. Thẩm quyền của Bảo hiểm xã hội TP không thể giải quyết được mà chúng tôi chỉ cố gắng giải thích dần dần cho dân hiểu” - ông Sang giải thích.

Về những rắc rối phát sinh nói trên, ông Sang nói Bảo hiểm xã hội TP đang cố gắng xem xét giải quyết và đã có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các đại lý bán BHYT để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tế, giúp người dân được thuận lợi trong việc tham gia BHYT hộ gia đình.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội TP cũng đã có văn bản gửi Công an TP.HCM đề nghị chỉ đạo thống nhất cơ quan công an quận huyện, phường xã cấp giấy xác nhận tạm trú, tạm vắng cho những người đến ở hộ gia đình nào đó hoặc đã đi nơi khác ở, học tập... để tạo thuận lợi cho những thành viên còn lại trong gia đình mua BHYT.

Trường hợp chưa chứng minh được tạm vắng dài hạn hoặc đã tham gia BHYT tại nơi khác, diện khác, trước mắt người dân cứ tham gia theo hộ gia đình cho tất cả các thành viên. Khi có giấy tờ chứng minh được, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ trả lại tiền.

Với những rắc rối do vợ chồng ly thân, ly dị, thành viên trong nhà không thống nhất mua, chủ nhà trọ đăng ký tạm trú KT3 cho nhiều người cùng một sổ... ông Sang đề nghị người dân liên hệ cơ quan công an xin chuyển hộ khẩu, xin giấy tạm vắng hoặc tách hộ khẩu, sổ tạm trú ra thành nhiều hộ, nhiều sổ để không bị vướng khi trong gia đình có những khúc mắc chưa giải quyết được.

LÊ THANH HÀ - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp