01/04/2024 09:20 GMT+7

Rắc rối phân chia nhà ở cũ sở hữu nhà nước

Không ít nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước tại TP.HCM được bố trí cho nhiều hộ dân vào ở và trải qua thời gian dài phát sinh nhiều rắc rối về phân chia quyền sở hữu, sử dụng nhà.

Khu nhà 555 Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM), nơi đang có khiếu nại quyền sở hữu từ năm 2011 đến nay - Ảnh: ÁI NHÂN

Khu nhà 555 Hồng Bàng (quận 5, TP.HCM), nơi đang có khiếu nại quyền sở hữu từ năm 2011 đến nay - Ảnh: ÁI NHÂN

Một số trường hợp đã phát sinh các tranh chấp kéo dài giữa các hộ dân với nhau về quyền sở hữu hoặc do quyền quản lý, sử dụng các phần diện tích trong căn nhà.

Phân chia tới lui nhiều lần

Căn nhà 76 Nguyễn Tri Phương (quận 5) được Nhà nước quản lý từ năm 1981 do chủ nhà đi nước ngoài. Tại căn nhà này có người (có mối quan hệ với chủ nhà) cư ngụ từ trước năm 1981 là ông P.K.H. và ông L.H.N.. Hai ông này tranh chấp về việc sử dụng căn nhà.

Tháng 4-1997, UBND quận 5 ban hành quyết định phân chia quyền sử dụng căn nhà trên. Theo đó, ông L.H.N. sử dụng một phần tầng trệt, hộ ông P.K.H. sử dụng một phần diện tích gác và lối lên gác. Ông P.K.H. khiếu nại. Đến tháng 9-1997, Thanh tra TP giải quyết cho ông P.K.H. được sử dụng toàn bộ diện tích căn nhà. Lần này đến ông L.H.N. không đồng ý, khiếu nại xin sử dụng căn nhà.

Năm 1998, UBND TP ra quyết định giải quyết khiếu nại của ông L.H.N. theo hướng giao quận 5 giải quyết chỗ ở ổn định cho hai ông này để thu hồi lại căn nhà. Năm 2001, UBND TP lại điều chỉnh quyết định năm 1998, lại công nhận phương án ngăn chia diện tích sử dụng căn nhà của quận 5 trước đó.

Đến năm 2007, sau khi cùng Bộ Xây dựng giải quyết tranh chấp căn nhà, UBND TP có quyết định giải quyết cho hai ông này được hưởng số tiền bằng một nửa giá trị căn nhà (bằng giá trị chênh lệch giữa giá thị trường của căn nhà trừ giá bán nhà theo nghị định 61). UBND TP giao quận 5 bố trí hai căn hộ nơi khác, hai ông sẽ thanh toán tiền mua căn hộ. Hộ ông L.H.N. đồng ý nhận tiền (gần 2 tỉ đồng) và căn hộ. Ông P.K.H. tiếp tục khiếu nại.

Năm 2014, UBND TP lại ra quyết định mới đồng ý cho hộ ông P.K.H. được thuê căn nhà 76 Nguyễn Tri Phương để ở và xem xét bán nhà này theo tỉ lệ 50% diện tích bán hóa giá theo nghị định 61 và 50% diện tích còn lại bán theo giá thị trường. Đến nay, ông P.K.H. đã mất, vợ ông nộp đơn xin mua căn nhà. Sở Xây dựng nhận đơn và tham mưu cho UBND TP tiếp tục xin ý kiến giải quyết vướng mắc pháp lý liên quan nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước để có thể bán căn nhà trên.

Khiếu nại chưa có hồi kết

Ông T.B. là người được ủy quyền thừa kế hợp pháp đối với khu nhà 555 Hồng Bàng (phường 14, quận 5, TP.HCM). Khu nhà này gồm ba tầng do ông bà nội của ông T.B. sở hữu từ trước 1975. Sau năm 1975, khu nhà này được xác lập sở hữu nhà nước một phần và tách ra thêm các căn có địa chỉ 553 Hồng Bàng, 557 Hồng Bàng và 1028 Nguyễn Trãi.

Các căn tách ra đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận cho các hộ khác. Phần còn lại căn nhà địa chỉ 555 Hồng Bàng (gồm phần trệt và các tầng lầu) chưa cấp giấy chứng nhận. Vợ chồng ông T.B. khiếu nại từ 2011 đến nay.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, phó chủ tịch UBND quận 5, rắc rối trong việc giải quyết khiếu nại cho ông T.B. là tại căn nhà 555 Hồng Bàng ngoài ông T.B. và một số hộ có liên quan thừa kế còn có bốn hộ dân khác được UBND quận 5 bố trí vào ở từ năm 1985. Bốn hộ này có nhà đất riêng nhưng đã bị giải tỏa để xây dựng trường học từ năm 1985 và chưa đền bù gì.

"Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP để giải quyết cấp giấy chứng nhận cho hộ ông T.B. và các thừa kế có liên quan thì phải bố trí căn hộ, giải quyết quyền lợi của bốn hộ dân đang ở chung tại nhà 555 Hồng Bàng. Qua rà soát pháp lý, cũng đang còn vướng mắc trong việc bố trí nhà cho bốn hộ nên quận 5 đang tiếp tục trao đổi với các sở ngành...", ông Trung cho hay.

Một trường hợp khác là tranh chấp ở căn nhà 126 Ngô Gia Tự, quận 10 (xác lập sở hữu nhà nước năm 1994) bao gồm năm tầng với bảy hộ dân được Nhà nước bố trí và bán nhà cho các hộ. Dù được phân chia rồi nhưng quá trình sử dụng nhà giữa một số hộ dân cũng xảy ra việc "va chạm" đối với việc sử dụng diện tích chung và riêng.

Hài hòa quyền lợi người dân và Nhà nước

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước đan xen sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, một số nhà còn đan xen diện tích cơ quan và diện tích ở... Qua thời gian dài, với nguồn gốc và pháp lý quản lý, sử dụng nhà đất khác nhau đã dẫn đến các rắc rối.

Nhu cầu hợp thức hóa (thuê, mua) đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước rất lớn và theo quy định phải xác định đối tượng, xác định thời điểm bố trí sử dụng, điều kiện thuê, mua... Cơ quan chức năng của TP cần có các biện pháp tháo gỡ để giải quyết hợp thức hóa, phân xử bảo đảm hài hòa quyền lợi người dân và Nhà nước.

Tân Bình: Quận bán rẻ nhà sở hữu nhà nước, 10 năm không thu hồiTân Bình: Quận bán rẻ nhà sở hữu nhà nước, 10 năm không thu hồi

Năm 2012 Thanh tra TP.HCM kết luận quận Tân Bình bán rẻ nhà sở hữu nhà nước và đề nghị thu hồi nhưng quận không thu hồi, ngăn chặn, khiến nhà được bán cho nhiều chủ khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp