Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại buổi làm việc ở cảng Tân Cảng Cát Lái sáng 18-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Đây là thông tin được nêu ra tại buổi kiểm tra hoạt động KTCN, thông quan hàng hóa của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với DN, hiệp hội và cơ quan hải quan TP.HCM tại cảng Cát Lái ngày 18-8.
Ông Đinh Ngọc Thắng, phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết tổng hợp phiếu khảo sát gửi đến 240 DN và 20 hiệp hội cho thấy các quy định về KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang gây nhiều khó khăn cho DN bởi thủ tục giấy tờ nhiều, thời gian thông quan hàng hóa kéo dài làm tăng chi phí của DN.
Thế nhưng trong năm 2015, kết quả KTCN chỉ phát hiện 76 vụ vi phạm, chiếm 0,019% trên tổng số tờ khai, thậm chí trong quý 1-2016 chỉ có 11 vụ vi phạm, chiếm 0,0089% tổng tờ khai. “Cần đánh giá việc KTCN có thật sự hiệu quả hay không” - ông Thắng nói.
Theo ông Đặng Vũ Thành - phó chủ tịch đại diện Hiệp hội Logistics VN, nhiều mặt hàng được nhập từ các nước phát triển, được chứng thực chất lượng sản phẩm nhưng vào VN vẫn phải KTCN. Chưa kể, DN đã khai thủ tục KTCN trực tuyến nhưng vẫn phải nộp văn bản giấy để hoàn thành thủ tục.
Thậm chí nhiều cơ quan thực hiện KTCN bằng phương thức thủ công, chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro. “Tại sao chúng ta không thừa nhận kết quả lẫn nhau của các nước có trình độ phát triển hơn?” - ông Thành nói.
Ông Đỗ Phước Tống, chủ tịch Hội DN cơ khí, bức xúc cho rằng việc kiểm tra máy móc khiến DN vừa tốn thời gian vừa tốn kém chi phí. Chẳng hạn, sản phẩm nhập khẩu là máy motor server - được thiết kế bằng thiết bị tối ưu hóa năng lượng nhưng vẫn phải kiểm tra yếu tố tiết kiệm năng lượng.
“Tôi không hiểu vậy kiểm tra tiết kiệm năng lượng làm gì, hơn nữa VN cũng không đủ thiết bị, điều kiện để kiểm tra nhưng vẫn bắt DN làm thủ tục một cách tốn kém rồi chỉ biết dán tem cho qua” - ông Tống nói.
Theo ông Phan Thanh Bình - chuyên gia hải quan, dù đã có nhiều kiến nghị nhưng đến nay thủ tục quản lý chuyên ngành chưa có chuyển biến đáng kể, trừ quy định về hồ sơ kiểm dịch thực vật đã đơn giản hơn trước khá nhiều, giảm khoảng 2/3.
Kết quả khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành cao, chiếm 30-35% tổng số lô hàng nhập khẩu. Đặc biệt, theo ông Bình, có tình trạng một mặt hàng nhập khẩu phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan chuyên ngành một cách chồng chéo, điển hình là lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xu hướng quốc tế là triển khai quản lý theo rủi ro, hay công nhận kết quả chứng nhận chất lượng sản phẩm ở các nước phát triển hơn.
Theo ông Đam, các nước đã ký hợp tác mà còn thương hiệu toàn cầu nổi tiếng đều có thể áp dụng, nhưng làm mà không máy móc, đồng thời yêu cầu phải giảm số lượng các mặt hàng bắt buộc KTCN, với thời gian kiểm tra nhanh nhất, tần suất giảm ít nhất 15% vào quý 4-2016.
“Chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2017 phải đạt chuẩn ASEAN và đến năm 2020 phải đạt chuẩn ASEAN-3, vậy phải làm sao để DN không chỉ hi vọng mà còn tin tưởng. DN trông đợi những thứ rất cụ thể, còn phân công phối hợp thế nào là công việc của các bộ ngành” - ông Đam nói.
Theo ông Ngô Minh Thuấn - phó tổng giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn, vào đầu năm 2016 điểm KTCN tập trung đã được khai trương tại cảng Cát Lái với sự hiện diện của sáu cơ quan KTCN. Nhờ đó, thời gian cảng chuyển container từ bãi hàng nhập sang bãi kiểm hóa lấy mẫu nhanh hơn ba giờ, thời gian khách hàng lấy hàng sau kiểm hóa nhanh hơn 0,8 ngày... Tuy nhiên, theo ông Thuấn, có thể thành lập bộ phận hoặc văn phòng một cửa ngay tại cảng để rút ngắn thời gian cho DN lấy mẫu kiểm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận