29/12/2012 07:01 GMT+7

Rắc rối chuyện "tiền anh, tiền em, tiền của chúng ta"

CÔNG NHẬT ghi
CÔNG NHẬT ghi

TT - Chuyện “quỹ chung”, “quỹ riêng” trong thời buổi kinh tế khó khăn đang ngày một khiến nhiều cặp vợ chồng đau đầu. Làm sao để vợ chồng cùng thống nhất và không bất đồng khi quản lý tiền bạc - vốn dĩ là chuyện nhạy cảm với nhiều gia đình?

Dưới đây là chia sẻ, góc nhìn hai chiều của các giáo sư người Mỹ từng nghiên cứu, làm việc tại VN dành cho bạn đọc Tuổi Trẻ.

Bất đồng trong cách dùng tiền

Giáo sư Neal Newfield và Susan Newfield (ĐH West Virginia) kể chuyện một cặp vợ chồng tìm đến phòng tham vấn tâm lý để hóa giải những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. “Họ chia sẻ thoải mái về những vấn đề liên quan đến chuyện gối chăn (điều được cho là rất tế nhị) nhưng lại tỏ vẻ ngạc nhiên lẫn miễn cưỡng trước câu hỏi về chuyện tiền bạc. Điều này cho thấy đối với một số cá nhân, chuyện tiền bạc mang tính nhạy cảm hàng đầu trong đời sống vợ chồng”, các giáo sư cho biết. Chính vì được xem là nhạy cảm nên nhiều vấn đề theo đó đã phát sinh.

Cụ thể, trong một cuộc nghiên cứu online được thực hiện bởi tạp chí Self Magazine và Today.com năm 2012 tại Mỹ, 37% nam giới và 56% nữ giới trong tổng số 23.230 người được hỏi thừa nhận từng không thành thật về mặt tài chính trong gia đình. 13% cho biết mối quan hệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc thậm chí đã ly dị chỉ vì vấn đề trên. Với câu hỏi “vì sao bạn giữ bí mật về chuyện tiền bạc với bạn đời?”, gần 30% cho rằng điều này phát sinh từ việc họ không tìm thấy điểm chung trong cách dùng tiền.

70% nữ giới và 63% nam giới thừa nhận rằng sự trung thực trong vấn đề tài chính quan trọng ngang với sự chung thủy, và cả hai điều này đều có khả năng tác động qua lại.

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện trên gần 3.000 cặp vợ chồng được cho là thường xuyên bất đồng với nhau, giáo sư Jeffrey Dew (ĐH Utah State) chỉ ra rằng những cặp vợ chồng hay tranh cãi về tiền bạc hằng ngày sẽ có tỉ lệ ly dị cao gấp hai lần so với những cặp cãi nhau vài lần mỗi tháng. Tiền cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự căng thẳng.

Điều gì dẫn đến những mâu thuẫn trên? Theo tiến sĩ giáo dục học Patricia Chase (ĐH West Virginia), việc số lượng nữ giới đi làm ngày một tăng đáng kể đã thay đổi nhận thức ở họ, phụ nữ cho rằng họ có quyền được biết về thu nhập của cả hai bên. Điều này, ngược lại, khiến người chồng tò mò về cách dùng tiền lẫn thu nhập của vợ. Đó là hệ quả của việc xã hội phát triển và trở thành xu hướng chung của cả phương đông lẫn phương Tây.

Và ở xứ ta...

Theo giáo sư Neal, việc quản lý tài chính giữa vợ chồng ở phương Tây sẽ dễ dàng hơn so với VN bởi mọi người đều phải báo cáo thuế, thu nhập và khoản nợ thường niên với chính quyền. Tất cả hồ sơ này đều được các cặp vợ chồng nắm kỹ bởi cần chữ ký thông qua của hai bên. Ông cho rằng VN có thể thực hiện điều tương tự như một giải pháp nhằm hóa giải các vấn đề liên quan đến sự riêng tư tài chính giữa các cặp vợ chồng.

Không thể phủ nhận rằng phụ nữ ở nơi đâu cũng kỹ tính, thường phải gồng gánh nhiều việc trong gia đình hơn nam giới, vì thế người đàn ông cần “nhịn một bước” và lắng nghe, đồng cảm cùng vợ trong việc chi tiêu.

Ai là người nắm hầu bao sẽ nắm quyền chi phối mọi hoạt động khác trong gia đình, hãy thay đổi quan điểm sống này. Cần thiết chia sẻ quyền lực trong gia đình bằng những buổi nói chuyện thân mật nhưng thẳng thắn. Tôn trọng nhau và luôn bàn bạc kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến tiền bạc trong gia đình.

Cần chấp nhận việc người kia có nguồn “quỹ đen” bởi ai cũng cần có những khoản chi tiêu riêng, miễn “quỹ đen” chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng thu nhập của cả gia đình.

ThS tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM):

Cần thẳng thắn

Tôi cho rằng những giải pháp mà giáo sư Mỹ gợi ý hoàn toàn có thể áp dụng tại VN. Vấn đề tiền bạc được xem là một trong những điều nhạy cảm trong đời sống gia đình nhưng nhất thiết phải rõ ràng. Khi đã tin, yêu và đi đến kết hôn thì việc vợ chồng thông tin cho nhau về vấn đề tài chính vừa là trách nhiệm vừa góp phần vun vén hạnh phúc lứa đôi.

Vợ chồng nên ngồi lại, đưa ra mức thu nhập thực tế và liệt kê, tính toán thống nhất tổng khoản chi theo từng giai đoạn và đưa người vợ quản lý phần này (trong đó cần dành 20% tổng thu nhập cho những khoản rủi ro hoặc vấn đề đột xuất như bệnh tật, đám cưới...). Sau khi trừ các khoản trên, mỗi bên dành một ít để chi cho mục tiêu cá nhân. Nhất thiết không ngại nêu ra những thắc mắc để cả hai tránh hiểu lầm hoặc kịp thời điều chỉnh. Điều này rất quan trọng bởi một số câu chuyện liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng chỉ vì lý do ngại nói thẳng về chuyện chi tiêu. Đơn cử một ví dụ, theo thỏa thuận ban đầu thì hai bên không góp tiền chung mà người chồng sẽ lo những thứ có giá trị lớn như mua tivi, tủ lạnh, điện thoại... trong khi vợ sẽ lo những khoản nhỏ như cơm nước, áo quần... Những tháng đầu thì hai vế luôn ở trạng thái cân bằng, nhưng do giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm ngày càng tăng nên số tiền người vợ phải chi dần cao hơn chồng dẫn đến xung đột. Sau khi trò chuyện với chuyên viên tư vấn mọi chuyện đã được giải quyết rất đơn giản, hai bên chỉ cần lắng nghe và tự hiểu vấn đề. Nếu không chịu chia sẻ cùng nhau thì hậu quả biết đâu khó lường.

CÔNG NHẬT ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp