15/06/2013 04:34 GMT+7

Rắc rối "bác sĩ hệ 5 năm ở Trung Quốc"

LAN ANH - NGỌC HÀ
LAN ANH - NGỌC HÀ

TT - Rắc rối ở chỗ các trường hợp học bác sĩ ở Trung Quốc có thời gian học chỉ năm năm (chưa bao gồm một năm học tiếng), trong khi đào tạo bác sĩ ở VN kéo dài sáu năm.

Bên cạnh đó, nhóm trường ĐH y dược ở VN luôn thuộc nhóm trường có điểm đầu vào thuộc tốp đầu, như ĐH Y Hà Nội thông thường phải đạt từ 25 điểm/3 môn trở lên mới đậu, thì nhiều ĐH ở Trung Quốc không cần điểm đầu vào với sinh viên VN, kể cả với sinh viên y khoa. Sự dễ dàng này dẫn đến lo ngại không công bằng: người có điểm thi đầu vào ĐH y cao chót vót cũng là bác sĩ, tương đương người không cần điểm thi đầu vào và chỉ học năm năm.

Năm 2009, Bộ GD-ĐT VN đã ký với Bộ Giáo dục Trung Quốc hiệp định công nhận tương đương văn bằng giáo dục ĐH, trong đó công nhận cử nhân sau khi hoàn thành chương trình ĐH năm năm với ngành y. Thời điểm đó VN chưa có Luật khám bệnh, chữa bệnh, do đó tốt nghiệp ĐH ngành y đương nhiên được gọi là bác sĩ và được quyền khám chữa bệnh ngay. Việc công nhận bằng cấp cũng cho phép bác sĩ hệ năm năm ở Trung Quốc được vào học lấy bằng thạc sĩ ở VN.

Tuy nhiên ngay từ năm 2009, khi lứa sinh viên y tốt nghiệp ở Trung Quốc đầu tiên về nước, Bộ Y tế đã rất băn khoăn khi các bệnh viện đề nghị phê chuẩn kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó có các hồ sơ bác sĩ tốt nghiệp ở Trung Quốc. Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư thông báo tạm thời chưa thi tuyển đối với bác sĩ đa khoa hệ năm năm học tại Trung Quốc, do cần phải đào tạo thêm để chuẩn hóa theo hệ sáu năm của VN. Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cũng có văn bản gửi Vụ Khoa học đào tạo lúc đó (nay là Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo) cho biết đã có đơn thư gửi về Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ nếu để bác sĩ tốt nghiệp hệ năm năm ở Trung Quốc vào trực tiếp khám chữa bệnh ngay sau khi tốt nghiệp có thể ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và sự an toàn của người bệnh.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho hay hiệp định công nhận lẫn nhau về văn bằng giữa hai nước chỉ đề cập tới việc người VN tốt nghiệp ĐH ở Trung Quốc có thể được học tiếp bậc thạc sĩ tại VN và ngược lại. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào yêu cầu cụ thể của từng trường ĐH VN. Các trường ĐH căn cứ vào chương trình đào tạo của mình và bảng điểm kèm theo văn bằng do cơ sở giáo dục Trung Quốc cấp để quy định khối lượng kiến thức cần bổ sung (nếu cần), trước khi học chương trình đào tạo thạc sĩ hay tiến sĩ.

Theo ông Trần Quốc Kham - phó cục trưởng Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), VN và Trung Quốc công nhận tương đương văn bằng nhưng không tương đương về chứng chỉ hành nghề. “Không bàn về chất lượng, nhưng đi học và học xong là một chặng, học xong rồi hành nghề là một chặng mới, Bộ Y tế đang chuẩn hóa chặng này. Hiện nay đã có Luật khám bệnh chữa bệnh, ngành y tế sẽ kiểm soát năng lực thông qua chứng chỉ hành nghề” - ông Kham cho biết.

Ông Kham cũng cho biết việc bác sĩ tốt nghiệp hệ năm năm ở Trung Quốc có thể học tiếp lên thạc sĩ theo quy định về công nhận văn bằng, nhưng việc hành nghề thì Bộ Y tế đang họp bàn để có một khung chương trình hỗ trợ, giúp các bác sĩ hệ năm năm có thêm điều kiện và tiêu chuẩn để hành nghề. “Chúng tôi sẽ so khung chương trình của hai bên, xem các môn học của họ, khảo sát kiến thức các bác sĩ hệ năm năm đã có, nhưng chắc chắn sẽ phải đào tạo thêm, chuẩn hóa thêm về kỹ năng, thuật ngữ... Phải vì quyền lợi của người bệnh” - ông Kham khẳng định.

LAN ANH - NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp