23/05/2024 10:07 GMT+7

Rác ngập ngụa khắp nơi ở TP.HCM: Ai xả rác đấy?

Từ các dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, 19-5, Ông Bàu, Miếu Nổi... ngập ngụa ùn ứ hàng trăm tấn rác đặt ra một câu hỏi: Ai xả rác? Và dưới đây là ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ.

'Mật phục' xả rác bậy: Người dân vô tư vứt rác xuống kênh, đẩy rác ra đường

Người này đã thản nhiên vứt rác ở khu vực phía sau Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - Ảnh: Nhóm phóng viên

Người này đã thản nhiên vứt rác ở khu vực phía sau Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM - Ảnh: Nhóm phóng viên

Và theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rác không chỉ xuất hiện ở các dòng kênh này. Ở nhiều nơi từ nội thành ra ngoại thành của TP.HCM, rác còn được tích tụ tập kết thành núi lộ thiên trên đường, trong cả các khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

"Bãi rác" lộ thiên, mạnh ai nấy xả

Tại TP Thủ Đức lâu nay có một "điểm hẹn" xả rác nổi tiếng nằm trên các trục đường Trần Đại Nghĩa, Lương Văn Can, Hồ Xuân Hương vây quanh khuôn viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (giáp ranh phường Linh Xuân). 

Rác ở khu vực này đủ loại, bao gồm quần áo, chăn drap gối nệm cũ, bịch ni lông, vỏ dừa, vỏ ốc, bã mía, xác động vật, thạch cao, kính và các loại đồ ăn dư thừa.

Việc vứt rác chưa bị xử lý khiến khu vực này trở thành điểm tập kết quen thuộc, đặc biệt khu vực đường Lương Văn Can. 

Theo tìm hiểu, ngoài những đối tượng vứt "chuyên nghiệp" (chủ yếu rác thải từ việc kinh doanh buôn bán ở chợ hoặc quán ăn), còn có nhiều người dân gần đó lén lút "lâu lâu vứt rác một lần", thời gian thường từ 11h-13h hoặc tối từ 19h-21h.

Nhiều ngày theo dõi, trưa 25-3 chúng tôi phát hiện một người đàn ông chạy xe tay ga chở theo hai bịch đựng quần áo cũ từ đường số 8 (phường Linh Xuân) đến "điểm hẹn" vứt rác. 

Đến nơi, người này ngoái đầu nhìn xung quanh một lượt rồi nhanh tay ném bịch ni lông xuống lề đường. Tiếp tục theo dõi, chỉ 10 phút sau, người này tiếp tục chở thêm một tấm nệm cũ ngang nhiên hất xuống bãi tập kết rồi phóng về nhà ngồi khoanh chân uống nước.

Người dân vứt thẳng rác xuống kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn cầu Trường Đai, quận Gò Vấp) - Ảnh: Nhóm phóng viên

Người dân vứt thẳng rác xuống kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn cầu Trường Đai, quận Gò Vấp) - Ảnh: Nhóm phóng viên

Cũng quanh khu vực này, tối 29-3 chúng tôi tiếp tục mật phục phát hiện thêm một người khoác áo và đội nón xe ôm công nghệ cố sức "tẩu tán" một xe gỗ ván ép vào đám lửa đang cháy rực. 

Khi bị truy vấn tại sao đốt rác bừa bãi, người này thản nhiên nói: "Tôi thấy người ta đổ, đốt nên tôi cũng đổ thôi". Phân bua cho hành vi xả rác của mình, người này nói "đây mới chỉ là lần đầu", rác chủ yếu là gỗ ván ép từ việc thiết kế nội thất ở chung cư. 

"Tôi có đưa tiền nhờ bên công ty môi trường thu gom dịch vụ, nhưng họ không chịu, nên mới phải chở đi đổ bậy" - người này nói.

Một lần khác chúng tôi tiếp tục ghi hình được người đàn ông vận chuyển một bao đựng túi ni lông và vỏ trái dừa khô đến xả tại khu vực này. 

Sau khi dừng xe bên đường quan sát không thấy người qua lại, người đàn ông liền nhanh tay hất bao rác xuống ven đường. Người này nói lý do chở rác ra điểm này vứt là để "tiết kiệm chi phí xử lý rác". "Các loại rác như vỏ trái dừa, đồ đạc bỏ đi lỉnh kỉnh gặp khó trong việc xử lý lắm nên phải vứt tại đây, chờ khô rồi ra đốt" - người này thản nhiên nói.

Cũng bởi "hết chịu nổi" với việc rác ngập ngụa bốc mùi hôi thối bay vào nhà, từ nhiều năm qua, ông C. (ngoài 60 tuổi, cư ngụ sát bãi rác trên đường Lương Văn Can) phải "tự cứu mình" bằng cách mỗi tuần vài lần đi đốt rác. 

Một ngày cuối tháng 4-2023, chúng tôi bắt gặp ông dáng người nhỏ bé ngồi lọt thỏm giữa bãi rác hì hục châm lửa đốt đống bao bì cao ngất. Đứng chống tay nhìn đám cháy cuộn từng cột khói đen kịt, ông lắc đầu bất lực: "Cứ đi ngang là họ vứt, riết rồi rác rến ùn ứ hôi thối quá chịu không nổi. Tôi đốt chỗ này họ vứt chỗ kia, không sao hết rác được".

Tình hình rác tồn đọng ở TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Tình hình rác tồn đọng ở TP.HCM - Đồ họa: TUẤN ANH

Rác ngập ngụa từ nội thành ra ngoại thành

Ngoài điểm nóng về xả rác nêu trên, phóng viên Tuổi Trẻ có nhiều ngày khảo sát tại nhiều nơi khắp TP.HCM và xác định thực trạng xả thải xuất hiện mọi lúc mọi nơi và đủ loại từ rác thải sinh hoạt đến rác thải công nghiệp.

Chẳng hạn như khu vực đường vận hành Suối Nhum (thuộc phường Linh Trung, TP Thủ Đức) đang là bãi xả rác lâu nay với chủ yếu xà bần, vải vụn, xơ dừa, xơ mía. Một đêm cuối tháng 3, chúng tôi ghi hình chủ quán nước mía trên đường Lê Văn Chí (đối diện Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức) phóng xe gắn máy chở theo nhiều bịch rác chạy lòng vòng tìm chỗ "xả".

Đầu tiên, người này chọn "xả" tại điểm trên đường Lê Văn Chí nhưng liền bị một người dân phản đối yêu cầu mang rác đi chỗ khác xử lý. Khoảng 10 phút "nói chuyện", chủ quán nước mía này bốc từng bịch rác lên xe phóng đi và cuối cùng điểm "dừng chân" là ngay bãi xả rác trên đường vận hành Suối Nhum. 

Trong bóng tối chập choạng, người này chỉ mất 3 giây để vứt 4 bịch rác khỏi xe và rồ ga bỏ chạy. Phóng viên Tuổi Trẻ đuổi theo, người này đánh lạc hướng bằng cách chạy xe ra quốc lộ 1 dừng tầm 5 phút, sau đó quay về tiệm đẩy xe vào khóa cửa.

Người dân vứt rác ven kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn đường CN1, Khu công nghiệp Tân Bình) - Ảnh: Nhóm phóng viên

Người dân vứt rác ven kênh Tham Lương - Bến Cát (đoạn đường CN1, Khu công nghiệp Tân Bình) - Ảnh: Nhóm phóng viên

Tại khu vực quận Tân Phú, đi dọc đường CN1 (Khu công nghiệp Tân Bình, phường Tây Thạnh), nhiều người không tránh khỏi ngộp thở bởi nơi đây có hàng tấn rác nằm chất đống, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục ra quân dọn dẹp nhưng chỉ thời gian ngắn là đâu lại vào đó.

Khoảng 20h30 ngày 19-3, chúng tôi phát hiện hai người đàn ông chạy chiếc xe ba gác, trên xe chở nhiều gạch men vỡ kèm theo đó là một số đồ gia dụng cũ... chạy trên đường CN1 (hướng Lê Trọng Tấn) đi Khu công nghiệp Tân Bình. Khi còn cách ngã tư M1, chiếc xe này bất ngờ giảm tốc độ. 

Hai người trên xe đảo mắt nhìn trước ngó sau rồi bất ngờ tấp vào lề đường, bên cạnh kênh Tham Lương - Bến Cát. Họ nhanh chóng vứt tất cả những thứ có trên xe xuống lề đường rất thuần thục. 

Bám theo chiếc xe này, chúng tôi phát hiện về một cơ sở làm đá hoa cương, gạch men trên hương lộ 3, quận Tân Phú - cách địa điểm vứt rác bậy khoảng 3km.

Đi dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát, chúng tôi còn phát hiện hàng trăm đống rác xuất hiện dọc bờ kênh. Ở một số vị trí, rác tràn hẳn xuống kênh, bốc mùi hôi nồng nặc. 

Còn tại khu vực cầu Trường Đai (nối quận Gò Vấp và quận 12), chúng tôi ghi được hình ảnh một người phụ nữ và một người đàn ông thản nhiên ném thẳng bịch rác xuống dòng kênh.

Ông C. (ngoài 60 tuổi, cư ngụ sát bãi rác sau Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) phải “tự cứu” bằng cách mỗi tuần vài lần đi đốt rác- Ảnh: Nhóm phóng viên

Ông C. (ngoài 60 tuổi, cư ngụ sát bãi rác sau Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) phải “tự cứu” bằng cách mỗi tuần vài lần đi đốt rác- Ảnh: Nhóm phóng viên

Đây đang là điểm phát sinh rác. Ngoài ném rác xuống sông, nhiều người buôn bán hàng rong gần đó thường xuyên đem rác tập kết dưới gầm cầu lâu dần chất thành đống bốc mùi hôi thối. 

"Nhiều người ý thức quá kém, mang rác vứt ngay xuống dòng chảy của sông Vàm Thuật. Nhiều lần tôi bắt gặp họ làm vậy nhưng cũng chỉ đành nhắm mắt đi qua vì các đối tượng này có thái độ rất hung hăng khi người khác can thiệp" - chị H. (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bức xúc.

Càng ra các huyện ngoại thành, rác càng trở nên ngập ngụa, đặc biệt quanh các khu có xưởng sản xuất vừa và nhỏ. Điển hình con đường nhỏ ven rừng ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) từ lâu trở thành điểm tập kết số lượng lớn bịch ni lông bốc mùi tanh hôi nồng nặc. 

Từ trên cao nhìn xuống, điểm này không khác gì "đại công trường" tập kết rác.

Ép phóng viên xóa hình quay xả rác

Khoảng 19h30 ngày 5-4, chúng tôi ghi hình được người đàn ông vận chuyển một thùng xốp chứa đầy ắp túi ni lông đựng các loại rau củ bỏ đi vứt lăn lóc bên lề đường vành đai 3 qua Thủ Đức.

Khi phát hiện hành động thiếu ý thức của mình "lọt" vào ống kính của phóng viên, người đàn ông liền nhanh chóng tiếp cận phóng viên và tỏ thái độ hung hăng, đe dọa buộc phóng viên phải xóa những hình ảnh, video vừa quay.

(còn tiếp)

Rác thải và 101 kiểu Rác thải và 101 kiểu 'bức tử' miệng cống khắp phố phường

Nhiều miệng cống thoát nước đang bị bao vây bởi rác thải. Có chỗ còn bị "bức tử" để dễ kinh doanh, buôn bán. "Bao vây" kiểu này, nước mưa thoát đường nào?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp