Phóng to |
TP Tam Kỳ hiện có bốn khu chợ lớn, trong đó chợ Tam Kỳ (phường Phước Hòa) và chợ Vườn Lài (phường An Sơn) là hai chợ trọng điểm, đồng thời cũng là hai tụ điểm tập trung nhiều rác thải nhất thành phố. Mỗi ngày hai chợ này thải ra khoảng 14 tấn rác (chợ Tam Kỳ gấp đôi chợ Vườn Lài). Đó là chưa kể lượng chất thải từ các hộ dân xung quanh chợ.
Lượng rác này không được dọn sạch mỗi ngày nên khu vực quanh chợ rác thải vẫn chất thành từng ụ lớn, lâu ngày phân hủy bốc mùi hôi thối. Mỗi khi trời mưa, nước do rác thải phân hủy chảy theo nước mưa tràn đi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường rồi ngấm xuống lòng đất, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh và các hộ kinh doanh trong chợ.
Ông Nguyễn Thành Nhơn - trưởng ban quản lý chợ Vườn Lài - cho biết: “Theo cam kết, chúng tôi phải trả phí cho Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam. Ban quản lý chợ có thuê một lao công để dọn vệ sinh và thu gom rác về vị trí tập kết, sau đó xe công ty chở đi xử lý. Hằng ngày, công ty đều đến thu gom rác thải, còn thu gom đến đâu là trách nhiệm của công ty”.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân - trưởng ban quản lý chợ Tam Kỳ, đã nhiều lần ban quản lý trình bày với lãnh đạo UBND phường Phước Hòa và TP Tam Kỳ về hiện trạng quá tải rác thải ở chợ Tam Kỳ. Hằng ngày, chợ thải ra gần 10 tấn rác nhưng không tập trung. Diện tích chợ lại quá rộng (8.000m2) nên có gây khó khăn cho Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam trong quá trình thu gom, còn vương vãi rác là điều dễ hiểu.
Mặt khác, rác thải còn có nguồn từ người dân sống quanh chợ. Theo thống kê, hiện nay phường Phước Hòa có đến 1.250 hộ nhưng chỉ có chừng 800 hộ tham gia đóng phí vệ sinh môi trường. Riêng khối phố 4 và khu phố 6 gần chợ với gần 500 hộ nhưng chỉ có 200 hộ tham gia đóng lệ phí.
Ông Nguyễn Ngọ - phó giám đốc Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam - giải thích do kinh phí eo hẹp nên công ty không thể sắm sửa xe xử lý rác chuyên dụng công suất lớn mà đành mua xe đã qua sử dụng để thu gom, vận chuyển rác. Vì vậy quá trình thu gom vận chuyển thường không đảm bảo tại các khu tập kết rác.
Bên cạnh đó, các khu chợ có địa bàn khá rộng mà nhân công của công ty lại ít nên nhiều khi xử lý không kịp thời, để xảy ra trường hợp rác tồn đọng nhiều nơi gây phiền lòng người dân. “Chúng tôi đang kiến nghị UBND TP Tam Kỳ và UBND tỉnh có sự hỗ trợ để nâng năng lực xử lý rác, sớm chấm dứt tình trạng rác tồn đọng” - ông Ngọ cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận