Sáng 17-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Theo đó, Quốc hội đã chọn giám sát tối cao 2 chuyên đề gồm:
Thứ nhất là việc thực hiện nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7).
Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 (sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết và chọn 2 chuyên đề giám sát gồm việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.
Và chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra hạn chế, vướng mắc
Về chương trình giám sát năm 2024, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chuẩn bị "từ sớm, từ xa" cho các hoạt động giám sát năm 2024.
Về hoạt động chất vấn, theo ông Cường, Quốc hội sẽ tổ chức 2 phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp tháng 3 và tháng 8-2024, trong đó phiên họp tháng 3 sẽ chất vấn các vấn đề "nóng", nổi lên và phiên họp tháng 8 sẽ giám sát lại.
Về giám sát văn bản quy phạm pháp luật, ông Cường nêu trên cơ sở báo cáo, các cơ quan của Quốc hội sẽ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2024 và gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Trong đó, cần tập trung giám sát các nội dung gồm văn bản dưới luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; đấu thầu, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế.
Xử lý các vướng mắc trong các quy định phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, quy hoạch.
Các văn bản quy định về thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện đầu tư kinh doanh có nội dung bất hợp lý, gây khó khăn, phiền hà đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Các văn bản có nội dung phân cấp, ủy quyền nhưng thiếu rành mạch và không rõ trách nhiệm.
Tiếp tục rà soát các văn bản phát hiện những nội dung còn sơ hở, chưa chặt chẽ, bất cập, có thể làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...
Kết quả giám sát, ông Cường nêu rõ phải làm rõ các nội dung có hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân.
Trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra hạn chế, vướng mắc. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản để khắc phục, đề xuất giải pháp.
Tham luận sau đó, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ quan điểm thống nhất không "giám sát chay" mà cần kết hợp giám sát qua báo cáo và giám sát thực tế tại địa phương.
Bà chỉ rõ thực tế có nhiều nội dung qua giám sát trực tiếp đã phát hiện nhiều vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách.
Bà Hà đề nghị xử lý nghiêm với các cơ quan, đơn vị, cá nhân cố tình gây cản trở, làm chậm trễ hoặc thiếu nghiêm túc trong việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát, thực hiện các kết luận giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận