Công trình tuyến metro số 2 trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.Tân Bình, TP.HCM được người dân ủng hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng - Ảnh: TỰ TRUNG
Việc xây dựng luật này phải bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định lại là đúng.
Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
Một trong những điểm mới tại điều 70 của dự thảo luật nêu cụ thể trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác, được trên 80% người có đất đồng ý.
Tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo
Thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng quy định Nhà nước thu hồi đất với dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất.
Theo quy định của Hiến pháp, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nội dung tại điều 70, 71 của dự thảo luật cơ bản kế thừa quy định Luật đất đai năm 2013 theo hướng liệt kê cụ thể từng loại dự án cần thu hồi mà chưa thể hiện rõ mục đích, điều kiện, tiêu chí cụ thể.
Ông Thanh chỉ rõ đây là vấn đề phải hết sức thận trọng vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây khiếu nại, tố cáo, bất ổn xã hội. Việc đưa dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thuộc nhóm thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là không phù hợp.
Cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi. Ngoài ra cân nhắc trường hợp các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề việc mở rộng phạm vi thu hồi đất chưa đúng với tinh thần trung ương. Nhất là những dự án thương mại bất kể lý do 80% người dân có đất thu hồi đồng ý thì Nhà nước thu hồi đất vẫn phải giải thích rõ.
Ông Tùng nói phần lớn các khiếu kiện của người dân liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường. "Nếu chúng ta giải quyết như thế này thì tôi nghĩ không phải 70% như hiện nay mà tổng kết có khi lên 80% khiếu nại, tố cáo hằng năm liên quan đất đai", ông Tùng nêu và cho rằng phải đánh giá rất kỹ vấn đề này.
Không thể dân sự lại áp dụng hành chính để thu hồi
Nêu ý kiến sau đó về tỉ lệ 80%, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng "80% người dân có đất thu hồi đồng ý còn 20% chưa đồng ý rồi áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất là không được".
Ông nêu rõ dân sự là dân sự, hành chính là hành chính. Không thể dân sự lại áp dụng hành chính để thu hồi bởi không đúng tinh thần Hiến pháp và chủ trương của trung ương. Do đó cần tách bạch quan hệ dân sự - hành chính.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết việc đưa ra điều kiện, tiêu chí cho từng trường hợp thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là rất khó nên tạm thời liệt kê.
Với dự án khu đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp thu hồi đất, ông Hà cho rằng có thể dự thảo chưa rõ ràng trong thể hiện bằng câu chữ, dẫn đến còn ý kiến khác nhau.
"Nhà ở thương mại và khu đô thị được nêu ở đây là dự án trọng điểm của quốc gia, phục vụ đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước...", ông Hà giải thích và khẳng định dự án như vậy chắc chắn phục vụ cho lợi ích quốc gia, công cộng...
Ông Hà nói sẽ tiếp thu các ý kiến và rà soát, nghiên cứu lại nội hàm, tiêu chí tiêu chuẩn của trường hợp thu hồi đất, nhất là dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Tuyệt đối không hợp thức hóa các vi phạm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh dự thảo luật cần tuyệt đối tránh những vướng mắc có tính chất vi phạm hiện nay lại đưa vào dự án luật để hợp thức hóa. Đồng thời cần đánh giá kỹ lưỡng trên tinh thần quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Bên cạnh đó, với những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đủ rõ và có quyết sách của trung ương. Ông Huệ đề nghị quá trình làm tách bạch rõ, tường minh quan hệ đất đai mang tính chất công với tư.
Dân khó chuyển mục đích sử dụng đất
Ông Hoàng Tùng, chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TP.HCM), kiến nghị bỏ việc đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ dân hằng năm tại buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM đối với UBND TP Thủ Đức hôm 22-9 về thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có nghị quyết của HĐND TP.HCM trên địa bàn TP Thủ Đức.
Theo quy định hiện nay, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất phải đăng ký với UBND phường từ cuối năm trước. Người nào không đăng ký không đủ điều kiện chuyển mục đích.
"Có cần thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất cho từng người dân hay không? Việc đăng ký kế hoạch sử dụng đất của người dân nên chăng đơn giản lại, các địa phương có thể dựa vào diện tích đất mà người dân chuyển mục đích năm trước để đăng ký nhu cầu dự kiến cho năm sau", ông Tùng kiến nghị.
Đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết trước đây một số quận, huyện ở TP.HCM cũng đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất theo diện tích ước lượng và bị cơ quan thanh tra "bắt giò", yêu cầu các địa phương phải có đơn đăng ký của người dân.
D.N.HÀ - T.LONG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận