19/08/2015 08:39 GMT+7

Ra quyết định sai nhưng khỏi bồi thường

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Một tổ hợp tác nông nghiệp ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang) đang hoạt động bỗng dưng bị xã ra quyết định giải thể, ép buộc giao tài sản cho đơn vị khác sử dụng.

Trạm bơm điện do UBND huyện giao và cơ sở vật chất của tổ hợp tác nông nghiệp Phú Điền đầu tư từ mấy năm nay do đơn vị khác khai thác sử dụng - Ảnh: Đ.VỊNH
Trạm bơm điện do UBND huyện giao và cơ sở vật chất của tổ hợp tác nông nghiệp Phú Điền đầu tư từ mấy năm nay do đơn vị khác khai thác sử dụng - Ảnh: Đ.VỊNH

 Ra tòa, xã nhận sai, rút lại quyết định đó nhưng không phải bồi thường thiệt hại.

Tổ hợp tác dịch vụ nông nghiệp Phú Điền (THT Phú Điền) thành lập và được UBND xã Bình Phú có quyết định công nhận vào ngày 8-5-2009.

Sau đó UBND huyện Châu Phú ra quyết định giao THT này quản lý sử dụng trạm bơm điện trong thời hạn tối đa 12 năm để khai thác làm dịch vụ tưới tiêu 240ha nông nghiệp ở xã Bình Phú.

Các nông dân thành viên đã góp vốn 700 triệu đồng kéo thêm đường dây điện, sắm máy móc, đầu tư làm bể đập, ống bọng, kênh mương nội đồng... để có hệ thống bơm tưới hoàn chỉnh phục vụ việc sản xuất lâu dài.

Bỗng dưng... bị xóa sổ

Sau một năm đi vào hoạt động, ngày 23-7-2011 UBND xã Bình Phú tổ chức họp dân, theo biên bản cuộc họp thì chủ tịch UBND xã và đa số các hộ đều thống nhất để THT tiếp tục phục vụ bơm tưới đến cuối năm 2012 rồi sẽ tổ chức hiệp thương lại về mức thu phí.

Tuy nhiên ngày 11-8-2011, phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Phi Hùng mời THT đến yêu cầu thỏa thuận về giá trị tài sản đã đầu tư để bàn giao lại cơ sở vật chất cho đơn vị khác.

Dù THT Phú Điền không thống nhất việc giao tài sản nhưng hôm sau ông Hùng vẫn ra văn bản buộc phải di dời môtơ, máy bơm ra khỏi trạm bơm điện, nếu không thực hiện xã sẽ tiến hành tháo dỡ.

Sau đó một THT mới khác do UBND xã thành lập được giao sử dụng trạm bơm cùng cơ sở vật chất của THT Phú Điền đã đầu tư để hoạt động bơm tưới.

“Họ loại bỏ, tước đoạt tài sản của chúng tôi trắng trợn. Chúng tôi khiếu nại mà không được giải quyết, mãi tới hơn một năm sau, vào ngày 18-10-2012 mới nhận được quyết định 276 của UBND xã giải thể THT Phú Điền, do ông Hùng ký... từ ngày 23-8-2011” - ông Trần Văn Chí, tổ trưởng THT, bức xúc.

Có được quyết định 276 trong tay, THT Phú Điền liền khởi kiện UBND xã Bình Phú ra tòa với yêu cầu hủy quyết định, đòi bồi thường thiệt hại hơn 772 triệu đồng, bao gồm giá trị đầu tư 395 triệu đồng, thủy lợi phí phải thu 165 triệu đồng, các khoản mất thu nhập 212 triệu đồng.

Theo đơn kiện, THT Phú Điền cho rằng quyết định 276 vi phạm về hình thức lẫn nội dụng, không có tính hợp pháp do ông Hùng ký sai thẩm quyền (lẽ ra phải do chủ tịch UBND xã ký hoặc ủy quyền ký).

Việc giải thể THT căn cứ vào đề nghị của nông dân và căn cứ khả năng phục vụ của THT là không có cơ sở, bởi lâu nay chưa hề có phản ảnh nào, chưa từng có biên bản nào ghi nhận về nội dung này.

Không phải bồi thường thiệt hại

Bốn năm sau, tháng 7-2015, Tòa án nhân dân huyện Châu Phú mới đưa vụ kiện ra xử. Tại tòa, ông Hùng nhận sai và đồng ý hủy bỏ quyết định 276, nhận thấy đối tượng khởi kiện trong vụ án không còn nên hội đồng xét xử bác yêu cầu của THT Phú Điền về việc hủy quyết định 276.

Nguyên đơn chấp nhận rút yêu cầu khởi kiện về bồi thường khoản thu thủy lợi phí và bồi thường về tài sản, chỉ đòi bồi thường khoản thu nhập bị mất do không còn hoạt động 212 triệu đồng với cơ sở chứng minh thiệt hại dựa vào phương án sản xuất kinh doanh của THT.

Tòa cho rằng UBND xã Bình Phú ban hành quyết định giải thể THT Phú Điền, chứ... không đình chỉ hoạt động của THT.

Ngày 12-8-2011 tuy UBND xã có thông báo di dời nhưng THT này đồng ý di dời máy bơm, phương tiện chứ không bị cưỡng chế. Mặt khác, qua xét các biên bản như THT Phú Điền thỏa thuận kê khai tài sản, bàn bạc thỏa thuận giá bán và nhờ định giá tài sản, tòa đưa ra nhận định THT Phú Điền tự nguyện thỏa thuận bán tài sản, tự di dời máy bơm, tự ngưng hoạt động.

Như vậy thiệt hại không phát sinh từ quyết định giải thể của xã nên việc yêu cầu bồi thường thiệt hại mất thu nhập 212 triệu đồng là không phù hợp, không có cơ sở, do đó tòa bác các yêu cầu khởi kiện.

“Ngày 11-8-2009 ông Hùng mời đến họp bàn chuyển giao tài sản, chúng tôi không chịu nên ngày hôm sau ổng ký văn bản buộc THT di dời máy móc, nếu không xã sẽ thực hiện. Các văn bản còn sờ sờ đây, xã ép buộc chứ không phải chúng tôi tự ý di dời, tự ngừng hoạt động. Chúng tôi đã đầu tư tiền của vô đó mà tự ý bỏ là quá vô lý!” - nhiều tổ viên phản bác. THT Phú Điền đã kháng cáo bản án sơ thẩm.

Tiếp tục khiếu nại hoặc kiện ra tòa

Luật sư Huỳnh Hồng Dân, trưởng văn phòng luật sư Huỳnh Hồng Dân (Đoàn luật sư An Giang), cho rằng quyết định 276 và việc UBND xã Bình Phú buộc giao lại cơ sở vật chất cho đơn vị khác sử dụng đã gây ra thiệt hại cho THT Phú Điền, bởi mấy năm qua không còn hoạt động đã bị mất thu nhập đáng kể, cơ sở vật chất đã đầu tư không được THT khai thác để sinh lợi, bị hư hao.

Tuy nhiên việc chứng minh thiệt hại cụ thể để đòi bồi thường thiệt hại là điều không dễ đối với một THT nông nghiệp.

Tại tòa, UBND xã Bình Phú đã hủy bỏ quyết định 276 thì THT Phú Điền được... sống lại, được tiếp tục hoạt động bởi tư cách pháp nhân đã phục hồi, quyết định giao trạm bơm cho THT quản lý sử dụng của UBND huyện vẫn còn giá trị.

Trong khi trạm bơm đang do đơn vị khác sử dụng thì THT có thể khiếu nại hành chính, hoặc khởi kiện đòi lại quyền khai thác, đòi trả lại giá trị tài sản mà mình đã đầu tư.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp