21/02/2017 23:30 GMT+7

​Ra mắt sách Nghệ thuật xứ An Nam

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Tối 21-2, tại Trung tâm văn hoá Pháp (Hà Nội, đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam của tác giả người Pháp Henri Gourdon (Trương Quốc Toàn dịch).

Dịch giả Trương Quốc Toàn ký sách tặng độc giả - Ảnh: V.V.TUÂN
Dịch giả Trương Quốc Toàn ký sách tặng độc giả - Ảnh: V.V.TUÂN

Cuốn sách là cái nhìn của một người Pháp từng sinh sống và gắn bó với xứ An Nam một thời gian dài về bối cảnh xã hội, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thủ công mỹ nghệ...của nước ta đầu thế kỷ 20.

Năm 1918 Henri Gourdon làm giám đốc đầu tiên của Nha học chính Đông Dương, đồng thời giảng dạy tại trường thuộc địa và đại học Bordeaux. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm chức vụ giám đốc kỹ thuật của Ban Đông Dương tại Triển lãm thuộc địa tổ chức tại Marseille vào năm 1922 và tại Paris vào năm 1931.

Henri Gourdon đã có đóng góp to lớn vào việc xúc tiến chương trình cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương, đồng thời có hiểu biết sâu sắc về An Nam.

Ông cũng là tác giả của cuốn Indochine (Đông Dương) xuất bản tại NXB Larousse vào năm 1931, được biết đến với rất nhiều bức ảnh chụp VN vào thời gian này.

Trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân, Henri Gourdon ̉ đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật xứ An Nam đã đạt được tính đến năm 1930.

Sách được chia làm năm phần, phần mở đầu mô tả khái quát các đặc điểm xã hội, dân tộc, lịch sử chung của đất nước An Nam, ba phần tiếp theo mô tả các ngành nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc và hội họa, thủ công mỹ nghệ, và cuối cùng là xu hướng vận động của các lĩnh vực này trong bối cảnh An Nam là thuộc địa của Pháp.

Nhà phê bình Mai Anh Tuấn cho rằng, trong công cuộc tiếp xúc với người Pháp đầu thế kỷ 20 thì ngoài những tiếp xúc bằng súng ống, chiến tranh thì còn có một cuộc tiếp xúc đáng kể nữa đó là tiếp xúc bằng văn hoá.

“Việc tác giả viết về nghệ thuật xứ An Nam là một trong những bổ sung đầy thú vị, đầy hấp dẫn để chúng ta có thể suy nghĩ, nhận thức thêm về VN truyền thống, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Tôi nghĩ đó chính là một trong những điểm cởi mở thú vị của cuốn sách xuất bản từ cách đây 80 năm”.

Chia sẻ lý do thôi thúc ông bắt tay dịch tác phẩm này, dịch giả Trương Quốc Toàn không cởi mở rằng: “Quả thực trong quá trình đọc bản gốc tiếng Pháp cuốn sách, đôi lúc tôi cảm thấy hơi gai người bởi vì không hiểu sao tác giả lại viết đúng như vậy…

Tôi khẳng định rằng có những nội dung tôi ít tìm thấy trong những cuốn  sách do các tác giả VN viết. Vì vậy, tôi quyết định nhận lời dịch cuốn sách này để có thể truyền tải đến độc giả, công chúng và những người đam mê tìm hiểu về nghệ thuật, di sản của VN. Những người thích quan tâm đến những góc nhìn đa chiều, sống động cũng có thể tìm thấy những giá trị nằm trong cuốn sách này”.

Sách do Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành - Ảnh: V.V.TUÂN 

Theo dịch giả Trương Quốc Toàn, cuốn sách có nhiều điểm thú vị với những quan điểm của tác giả về nghệ thuật xứ An Nam có thể trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi.

Tác giả khẳng định khi người Pháp tới và áp đặt bộ máy thực dân lên Đông Dương đã tạo ra những thay đổi trong hệ thống giáo dục An Nam thời bấy giờ. Trước đó thì từ bộ máy hành chính đến mô hình giáo dục của An Nam bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mô hình của Trung Hoa, nên chỉ khi người Pháp xuất hiện thì mới có hệ thống giảng dạy bằng tiếng An Nam, có hệ thống trường từ cơ sở lên đào tạo đại học.

Nhờ có người Pháp mà thợ thủ công được giải phóng để hành nghề một cách độc lập và họ có được những địa vị xã hội hơn hẳn. Trước đó tác giả cho rằng, người nghệ sĩ, thợ thủ công An Nam ít tính sáng tạo, chủ yếu đi theo khuôn mẫu. Khi người Pháp sang thì họ muốn các nghệ sĩ đẩy mạnh sáng tạo theo hướng cái tôi cá nhân nhiều hơn.

Nhưng tác giả cũng phê phán người Pháp tác động vào nghệ thuật An Nam khi nhận định không chỉ người An Nam mà cả người Viễn Đông khi tiếp xúc với người phương Tây thì đều có xu hướng làm cho giá trị tác phẩm nghệ thuật của mình bị giảm sút.

Nhiều ví dụ cụ thể được Henri Gourdon đưa ra như: khi người Pháp sang thì hướng thợ thủ công đi theo mô hình kinh tế thị trường, nên các đơn đặt hàng của người Pháp đưa sang đã làm cho các thợ thủ công An Nam chạy theo số lượng, tiến độ giao hàng mà bỏ qua những khâu trau truốt, tỉ mỉ trong tác phẩm nghệ thuật của mình.

Thậm chí họ còn dùng các nguyên liệu rất kém. Trước đây họ nhuộm vải bằng màu thực vật thì nay được thay hết bằng hoá chất; trong nghề chế tác ngà voi thì bổ sung cả xương cá vào; trong nghề khảm trai thì trước đây chỉ khai thác ở vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ thì bây giờ sẵn sàng dùng cả vỏ trai song ở Bắc Kỳ; các sản phẩm gỗ mỹ nghệ trước đây phơi rất lâu năm nhưng bây giờ sẵn sang dung cả gỗ tươi…

Henri Gourdon còn nhận định, đầu thế kỷ 20 người phụ nữ An Nam có đời sống cao hơn hẳn một số nước trong khu vực. Nhưng khi người phụ nữ An Nam về nhà chồng thì từ thời điểm đó, coi như họ đã từ bỏ Tổ tiên của gia đình mình.

“Tất cả những điều đó cho chúng ta thấy, đó không chỉ là vấn đề của cách đây 100 năm mà đến bây giờ nó vẫn ít nhiều có tính thời sự” - dịch giả Trương Quốc Toàn chia sẻ.

“Sáng tạo nghệ thuật chỉ nở rộ trong một xã hội hưng thịnh, trong một giai đoạn phồn vinh, dưới sự cai trị của những ông hoàng có lối sống xa hoa và nhờ vào một chế độ bảo trợ sáng suốt. Tất cả những điều đó đều thiếu vắng trên mảnh đất An Nam, cũng giống như thiếu vắng những thú vui của cuộc sống thái bình”.

Trích sách Nghệ thuật xứ An Nam

 

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp