Buổi giao lưu còn là nơi để những người tham dự tưởng nhớ giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam với những đóng góp cho ngành giáo dục nước nhà.
Tình yêu nghề và trí tuệ của giáo sư Trần Hồng Quân
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - chia sẻ: "Sau khi giáo sư Trần Hồng Quân đi xa, gia đình giáo sư có chuyển cho tôi tập bản thảo. Cầm tập bản thảo tôi nghĩ mãi tên sách "Đã là thuyền phải đi xa", càng nghĩ càng thấy sâu sắc.
Tựa đề quyển hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi như một lẽ tự nhiên. Tựa đề quyển sách được lẩy ra từ câu thơ Đã là thuyền anh phải ra khơi/Là chim phải sống với bầu trời trong di cảo của giáo sư Trần Hồng Quân".
Nội dung quyển sách là những câu chuyện của quê hương, con người giáo sư từ những ngày thơ ấu gian khó - một cậu bé mới 4 tuổi đã mồ côi cha.
Cuốn sách hơn 500 trang là những bài viết trong mấy chục năm đời giáo sư, đặc biệt là những bài viết trong hoạt động giáo dục của ông.
GS.TS Trình Quang Phú, một trong những người thực hiện cuốn hồi ký của giáo sư Trần Hồng Quân, cho biết quyển sách được gia đình và đồng nghiệp thân thích sưu tầm, tổng hợp từ những bài viết của giáo sư từ những năm 1980 ở Vũng Tàu, Nha Trang… Sau này khi sức yếu, giáo sư vẫn tiếp tục viết nhờ có gia đình và đồng nghiệp động viên.
PGS.TS Trần Mai Đông - con trai đầu của giáo sư Trần Hồng Quân, bày tỏ tâm tư: "Ngày nhỏ cha hỏi tôi sông và biển có gì khác nhau. Câu hỏi khiến tôi ngẫm nghĩ, cố đi tìm câu trả lời. Sau này khi lớn lên, tôi thấy câu hỏi đã gợi mở cho tôi rất nhiều trong đường đời".
"Những bài học về tình yêu nghề, sự kiên nhẫn và trí tuệ của cha đã thấm sâu vào trái tim và tâm hồn chúng tôi... Con đường giáo dục, cách sống cha không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn truyền cảm hứng và truyền lửa cho tôi", ông Trần Mai Đông bộc bạch.
Có giá trị lịch sử và văn học
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo - chia sẻ những câu chuyện về giáo sư Trần Hồng Quân tại buổi giao lưu - Ảnh: MINH TÂN
PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo - bày tỏ sự vui mừng khi quyển sách được ra mắt.
Vì với ông khi đọc hồi ký của giáo sư Trần Hồng Quân, người ta có thể thấy giáo sư đã làm việc cả đời, để lại những giá trị lớn trong ngành giáo dục. "Ông là người chuyên tâm cho giáo dục, được nhiều đồng nghiệp ghi nhận là một nhà giáo uyên thâm, khả tín", ông nói.
Giáo sư Trần Hồng Quân là người làm giáo dục lão thành, khả kính. Các trang hồi ký của giáo sư đã cho thấy nỗi niềm và sự đau đáu của thầy khi nhiều ý tưởng đổi mới giáo dục đã không triển khai hoặc phải dừng lại giữa chừng như tự chủ tài chính cho các trường đại học thời không thực hiện được…
Nhà văn, nhà báo Trần Quốc Toàn (trái) đọc những trang hồi ký xúc động của giáo sư Trần Hồng Quân - Ảnh: MINH TÂN
Nhà văn, nhà báo Trần Quốc Toàn - phó ban văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn TP.HCM, đánh giá tác phẩm: "Tôi là người được nhận sách khá sớm. Nếu đọc kỹ quyển hồi ký, một mặt ta thấy nó có giá trị lịch sử vì những ghi chép các sự kiện trong quá khứ. Nó còn gắn liền với những bước chuyển của giáo dục nước nhà. Mặt khác, quyển sách còn có giá trị văn học cao, có những đoạn sách như những trang thơ trữ tình".
Ông Trần Quốc Toàn cho rằng cần thiết lan tỏa tác phẩm trong cộng đồng để nhiều người được học hỏi. Ông nhấn mạnh: "Trong cộng đồng những người làm giáo dục, quyển sách đem lại nhiều gợi mở cho các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo và cả học sinh, sinh viên những bài học quý giá".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận