Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ 2 bên phải) đang cùng các họa sĩ giao lưu với bạn đọc tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từ Hà Nội vào TP.HCM sáng 25-12 dự buổi ra mắt sách đặc biệt này. Ông bảo từ lúc Góc sân và khoảng trời in lần đầu tiên khi ông hãy còn học phổ thông, đến nay dễ chừng cũng in đi in lại hàng trăm lần rồi, nhưng đây là lần “đặc biệt nhất”.
Ý tưởng đặc biệt này được Công ty sách Huy Hoàng bắt tay thực hiện từ cuối năm 2015. Từ một quyển Góc sân và khoảng trời, nhóm thực hiện chia thành 5 tập theo từng tuyến nội dung, mỗi bài thơ đều được vẽ tranh minh họa.
Như một dự án phim, mỗi tập thơ cũng trải qua quá trình “casting” tìm kiếm đội ngũ họa sĩ vẽ minh họa, với yêu cầu là hình ảnh phải tương xứng với những câu chữ của một “thần đồng thơ”.
Và đến nay, sau gần một năm thực hiện, 5 tập thơ - tranh ra mắt là sản phẩm của 5 nhóm họa sĩ: Khi mẹ vắng nhà (Wazza Pink và NOH.A), Trăng sáng sân nhà em (Vườn Studio), Mang biển về quê (Phạm Quang Phúc), Hạt gạo làng ta (Killien Huynh và Phùng Nguyên Quang), Com bướm vàng (Nho Huy).
Theo anh Quang Vinh - phụ trách mỹ thuật của Huy Hoàng, đội ngũ họa sĩ này bao gồm các bạn từng đoạt giải quốc tế bên cạnh những họa sĩ mới, bởi loạt sách tranh Góc sân và khoảng trời vừa cần những họa sĩ lành nghề để am hiểu thơ Trần Đăng Khoa theo năng lực thẩm mỹ của họ, vừa cần những họa sĩ mới để có những cảm nhận tinh khôi mới mẻ. Và tất cả đều trẻ, 5 nhóm họa sĩ này đều là những tay cọ tuổi 9X.
“Tất cả họa sĩ đều được khuyến khích tự do thể hiện cái tôi cá nhân khi cảm nhận thơ Trần Đăng Khoa và vẽ minh họa. Tiêu chí để duyệt chọn căn cứ vào hai yếu tố: kỹ thuật thể hiện và mức độ cảm xúc trong từng tác phẩm tranh” - Quang Vinh nói.
Nhiều bạn trẻ đến Hội sách Giáng sinh giao lưu cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhóm họa sĩ - Ảnh: L.Điền |
Buổi ra mắt sách được tổ chức trong khuôn khổ Hội sách Giáng sinh tại Nhà triển lãm TP. Nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ niềm cảm phục các họa sĩ trẻ đã minh họa cho thơ của “bác Khoa”. Bởi theo ông, một số hình ảnh trong thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa khi xưa nay đã không còn hiện diện trong đời sống của người dân Bắc bộ.
“Tôi có câu thơ tả mưa “ù ù như xay lúa”, nhưng giờ đây các bạn trẻ không còn biết cái tiếng xay lúa ù ù ấy như thế nào. Cũng như cái quạt hòm, con cá cờ sống ở vùng nước nông... giờ chắc các em không còn thấy nữa” - Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Chính điều này là thử thách cho các họa sĩ trẻ với vốn sống và kiến thức dân tộc học vùng miền chưa tích lũy nhiều. Phần lớncác họa sĩ người miền Nam và miền Trung, nên việc tìm hiểu hình ảnh trong thơ Trần Đăng Khoa cũng có chỗ vất vả. Họa sĩ Nành trong nhóm Vườn Studio cho biết khi gặp câu thơ “Em bắt cái vòi cau/ Chảy vào giữa chum sâu” cả nhóm không hiểu đây là cách thức thế nào, nên vẽ “bay bổng” thành các em trượt máng nước, và đã bị người phụ trách phê bình là vẽ không đúng, phải vẽ lại.
Tuy nhiên, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ niềm thích thú khi nhận thấy các tranh minh họa là một sự sáng tạo khởi đi từ việc cảm nhận thơ của ông. “Có khi các bạn vẽ khi chưa qua thực tế lại là một cái hay. Bởi thông thường các bạn ở miền Nam sẽ vẽ thơ Trần Đăng Khoa không giống các bạn miền Bắc; ở đây các bạn vẽ không giống cả Nam lẫn Bắc, thế là bạn đọc cả Nam lẫn Bắc đều thấy nó là của mình” - ông vui vẻ nhận định.
Ông cũng cho rằng một khi đã vẽ minh họa thơ, mỗi bức tranh là một tác phẩm độc lập, các em đã sáng tạo ra thế giới của mình, và tạo ra một sức sống mới cho Góc sân và khoảng trời: “Tôi không biết là các bạn vẽ minh họa cho thơ tôi, hay chính thơ tôi minh họa cho tranh của các bạn”.
Loạt 5 tập Góc sân và khoảng trời phiên bản sách tranh được Huy Hoàng liên kết với NXB Mỹ Thuật ấn hành - Ảnh: L.Điền |
Nhưng ít ra, dự án này tạo được sự kết nối giữa nhà thơ và các nhóm họa sĩ trẻ. Họa sĩ Phùng Nguyên Quang cho rằng thơ Trần Đăng Khoa nhiều hình ảnh, anh ấn tượng nhất câu “Đất trời cách một gang mây/ Và tôi cùng với luống cày tỏa hương”. Trong khi đó nhà thơ Trần Đăng Khoa ấn tượng bức tranh vẽ bài Tiếng võng kêu với hình ảnh “Cánh cò trắng muốt/ bay bay bay bay...” và nhận xét bằng mấy chữ: Vẽ rất tài!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận