01/04/2011 08:08 GMT+7

Ra mắt bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến

L.ĐIỀN
L.ĐIỀN

TT - Ngày 31-3, tại hội trường Thống Nhất (TP.HCM) đã diễn ra lễ tổng kết công trình biên soạn và công bố bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến.

M0cXVUOv.jpgPhóng to
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (trái) và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (phải) tại lễ ra mắt bộ sách - Ảnh: MINH ĐỨC
Công trình biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến vừa được NXB Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật xuất bản thành bộ sách bốn cuốn, dày 4.969 trang.
ndCI0RPY.jpgPhóng to
Các vị khách mời tham quan xem bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến vừa được công bố sáng 31-3 - Ảnh: MINH ĐỨC
ZG6LYB1L.jpgPhóng to
Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - Ảnh: MINH ĐỨC.

Sách được xuất bản theo hai phần nội dung: phần chính sử và phần bổ sung. Chính sử của thời kỳ Nam bộ kháng chiến được trình bày trong hai thời kỳ (hai cuốn): Lịch sử Nam bộ kháng chiến (1945-1954) và Lịch sử Nam bộ kháng chiến (1954-1975).

Phần bổ sung gồm cuốn Biên niên sự kiện lịch sử Nam bộ kháng chiến 1945-1954 và Những vấn đề chính yếu trong lịch sử Nam bộ kháng chiến.

Phát biểu tại lễ tổng kết và công bố sách, ông Trương Tấn Sang - ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư - ghi nhận: “Bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến của tập thể tác giả, trong đó hầu hết là các đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cấp ủy đảng và các tướng lĩnh, những người lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia trực tiếp trong hai cuộc kháng chiến là một công trình đồ sộ, chứa đựng nhiều tư liệu quý, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về hai cuộc kháng chiến anh hùng, kiên cường, thông minh, sáng tạo của nhân dân Nam bộ. Qua bộ sách, chúng ta vui mừng thấy không một chiến công nào, một sự hi sinh nào, một sự kiện lịch sử nào ở Nam bộ bị lãng quên”.

Ngay tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM, cũng cho biết TP.HCM sẽ mua ngay 200 bộ sách để cung cấp cho các cấp ủy và cán bộ lãnh đạo.

Biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến là ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ năm 2001. Lúc đó, hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam bộ kháng chiến được thành lập gồm 32 thành viên, do Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt làm chủ tịch hội đồng. Sau đó, ban biên soạn được thành lập gồm 14 thành viên do nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng làm chủ biên.

Công trình biên soạn trong thời gian dài, lần lượt chứng kiến sự ra đi của cả chủ tịch hội đồng chỉ đạo biên soạn Võ Văn Kiệt và chủ biên Trần Bạch Đằng.

Trong mười năm biên soạn, công trình này nhận được nhiều ý kiến, tài liệu góp ý, bổ sung từ các ban tuyên giáo của 19 tỉnh thành, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Quân khu 9.

Ngoài ra, để phục vụ công tác biên soạn, hội đồng chỉ đạo và ban biên soạn đã tổ chức cuộc tọa đàm vào ngày 30-10-2006 với những người thuộc lực lượng thứ ba và cán bộ liên quan tổ chức hội thảo quốc tế về “Những khía cạnh chọn lọc trong lịch sử và nhận thức về phong trào kháng chiến 1954-1975 ở Nam Việt Nam”, có 40 nhà nghiên cứu, khoa học trong nước và 13 nhà nghiên cứu, khoa học nước ngoài tham dự.

Công trình đã được Hội đồng khoa học cấp nhà nước nghiệm thu và bỏ phiếu cho điểm ở mức xuất sắc. Công trình đã hai lần nhận Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu về lịch sử Nam bộ (năm 2006: tập 1 và năm 2010: tập 2).

Sách in 1.800 bản, lưu hành trên toàn quốc.

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng: Hi vọng giới sử học sẽ tiếp tục thêm vào

Có mặt trong hội đồng chỉ đạo biên soạn bộ sách Lịch sử Nam bộ kháng chiến ngay từ đầu khi Bộ Chính trị vừa có quyết định thực hiện công trình này, trung tướng Nguyễn Thới Bưng giữ vị trí ủy viên thường trực, lúc đó ông 73 tuổi. Nay tuổi đời ông vừa bước sang năm thứ 83, công trình mới hoàn thành.

Trung tướng Nguyễn Thới Bưng ngồi trên chiếc ghế trong phòng khách nhà riêng, bồi hồi nhớ lại công trình biên soạn lịch sử trải ngót mười năm, và điều đầu tiên ông tâm đắc chính là những dòng di bút của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt:

“Nỗ lực chủ quan của hội đồng chỉ đạo công trình dù sao cũng có giới hạn. Khả năng của ban biên soạn nhất định thấp hơn hiện thực quá lớn lao của một giai đoạn lịch sử cô đặc vấn đề, sự kiện, con người... đánh dấu một giai đoạn rất đậm nét và cực kỳ phong phú của lịch sử Việt Nam và của cả thế giới đương đại”.

* Thưa ông, được biết khi hoàn tất bản thảo và chuyển đến nhà xuất bản, vẫn còn 12 vấn đề được hội đồng biên tập - xuất bản bộ sử này nêu ra đề nghị làm rõ chứ chưa đồng ý đưa vô sách. Như vậy, với những chỗ nội dung về lịch sử “chưa gặp nhau” giữa những người biên soạn và phía xuất bản, cách thức giải quyết là như thế nào?

- Chúng tôi phải ngồi lại họp để trả lời các vấn đề nêu ra của hội đồng biên tập - xuất bản, thảo luận về các vấn đề đều khách quan, dân chủ. Với từng sự kiện lịch sử, nếu có cách nhận thức khác nhau chủ yếu là do chưa hiểu nhau thôi. Chúng tôi chấp nhận cách đặt vấn đề và giải quyết bằng cách sửa lại một số câu chữ cho phù hợp.

Ví dụ những người biên soạn đã có những tranh luận rất dài về giai đoạn 1956-1959 ở Nam bộ. Lâu nay khi viết về cách mạng trong giai đoạn này người ta dùng chữ “thoái trào”, nay chữ đó không được đồng ý và chúng tôi chuyển sang dùng chữ “thời kỳ khó khăn”.

Sở dĩ chữ “thoái trào” không được đồng ý vì trong nội bộ những người lãnh đạo kháng chiến còn ý kiến khác nhau. Có người lập luận giai đoạn này chúng ta vẫn còn tỉnh ủy, liên tỉnh ủy nên không dùng chữ “thoái trào”.

* Theo ông, từ vị trí một người trực tiếp tham gia chiến trường Nam bộ, đến vai trò một thành viên trong ban soạn thảo Lịch sử Nam bộ kháng chiến, có vấn đề nào của Nam bộ trong thời kỳ kháng chiến lâu nay còn lấn cấn nhưng đến giờ đã được giải quyết “một cách ưng ý” trong bộ sử này?

- Đó là cách ghi nhận phong trào kháng chiến Nam bộ giai đoạn trước Đồng khởi. Lâu nay, mọi người viết về giai đoạn này đều cho rằng cách mạng miền Nam chậm chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang.

Sự thật trong giai đoạn này phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp, thiệt hại lớn. Khoảng cuối năm 1960, Xứ ủy Nam bộ đã có kiểm điểm về việc chậm chuyển hướng sang đấu tranh vũ trang. Nhưng điều này có lý do là vì lúc đó ta phải nghe ngóng tình hình thế giới xung quanh.

Dù vậy trước năm 1960 khi chưa có nghị quyết 15 về Đồng khởi, Nam bộ vẫn lâm râm vũ trang: như trận đánh giồng Thị Đam, gò Quảng Cung diệt cả tiểu đoàn địch. Rồi khắp nơi từ Kiên Giang, Cà Mau cũng có vũ trang. Tuy nhiên, phong trào kháng chiến Nam bộ lúc này cũng giống như đang “tức nước”, và khi có nghị quyết 15 thì Nam bộ “vỡ bờ” - vũ trang được ngay.

Do vậy, trong bộ sử này chúng tôi ghi nhận Nam bộ giai đoạn trước đồng khởi có cả nguyên nhân vì sao chậm đấu tranh vũ trang, và cũng khắc họa được cái thế “tức nước vỡ bờ” của cách mạng miền nam giai đoạn trước và sau Đồng khởi là như vậy.

* Lịch sử luôn có những vấn đề tế nhị, và với bộ sử này có vấn đề nào trong dòng lịch sử kháng chiến của Nam bộ phải để lại, chưa nói được?

- Đó là khi biên soạn về chiến tranh biên giới Tây Nam. Cách xử lý của chúng tôi là dẫn lại từ nguồn các báo quốc tế viết về sự kiện đó. Lúc đó báo chí các nước có nói, nhà báo Wilfred Burchett cũng có nói, mình dẫn lại các ý kiến đó để cho thấy ai đã đứng sau lưng Khmer Đỏ. Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói, chúng tôi cũng không dám nói là mình đã nói đầy đủ.

Chỉ hi vọng nhân dân trong và ngoài nước góp ý, phản biện để chúng tôi ghi nhận lịch sử được chất lượng hơn. Hi vọng giới nghiên cứu sử học sẽ tiếp tục thêm vào cho những lần in ấn sau.

L.ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp