Có lẽ không chỉ ông Thắng mà nhiều người dân VN giờ đây cũng đang nóng lòng chờ đợi một sự “lột xác” thật sự từ ngành kinh tế biển.
Đánh cá kiểu “may rủi”
Hơn 20 năm qua (tính từ năm 1990), lượng tàu cá cả nước đã tăng hơn gấp ba lần, thế nhưng điều đáng buồn là hầu hết các tàu đều có công suất rất nhỏ, trang bị thô sơ, chủ yếu đánh cá ở vùng nước nông. Và ngư dân ra biển đánh bắt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm...
Phóng to |
Hầu hết các tàu đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam đều có công suất nhỏ, thô sơ. Trong ảnh: ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đánh bắt cá - Ảnh: V.HÙNG |
Trong khi đó đội tàu cá của các nước lân cận được trang bị tàu sắt, công suất lớn, đầu tư hiện đại...đang thật sự là mối đe dọa cho nhiều ngư dân trong nước.
Ra khơi bằng tàu gỗ
Chiều 18-7, ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) có hàng chục tàu cập bến sau cả tháng trời đánh bắt xa khơi. Thọ Quang là cảng cá lớn nhất miền Trung, là nơi cập bến bán hàng sau chuyến đi dài ngày của ngư dân các tỉnh miền Trung.
Ông Nguyễn Hoàng, một ngư dân đi trên tàu cá thuộc xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nói: “Càng ngày việc đánh bắt của ngư dân mình càng khó hơn. Tàu bè của ngư dân mình nhỏ, quá cũ lại đi đơn lẻ nên thường bị tàu Trung Quốc lấn ngư trường, khu vực nào nhiều cá mà tàu Trung Quốc phát hiện được là họ dùng sức mạnh bằng cách xua cả đoàn tàu tới uy hiếp, gây sự, xem như vùng biển đó là của mình”.
"Ngư dân ra khơi vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Chúng tôi phải dựa vào thủy triều, con nước, hướng gió và thời gian đoán hướng cá ở đâu để vây bắt |
Tương tự, ngư dân Lê Thành Bi (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết nhiều ngư dân mình rất muốn đánh bắt ở khu vực Hoàng Sa vì cá rất nhiều. Tuy nhiên, việc đánh bắt ngày càng trở nên khó khăn hơn khi liên tục thời gian gần đây tàu cá Trung Quốc xuất hiện quá nhiều, họ đi thành từng đoàn, và khi thấy tàu của ta thì chạy theo ép, đuổi. “Dù anh em ngư dân chúng tôi thấy vậy rất bức xúc, nhưng trên biển tàu mình nhỏ hơn mà xảy ra va chạm thì chắc chắn mình sẽ thiệt” - ông Bi cho hay.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, hiện đội tàu của tỉnh lên đến 5.700 chiếc, thế nhưng trong đó chỉ có trên 1.700 chiếc công suất máy trên 90CV có khả năng đánh bắt xa bờ.
Cụ thể tại huyện đảo Lý Sơn, nơi nghề đánh bắt có bề dày hàng trăm năm nhưng đến nay đảo vẫn chưa có một cơ sở chế biến thủy sản, đầu ra thủy sản không ổn định, hạ tầng nghề cá lại không đồng bộ, mua phuy dầu, cây đá cũng đắt đỏ.
Riêng đội tàu tại đảo này chỉ có 120 chiếc có công suất trên 90CV. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Nguyên - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - thừa nhận mặc dù nghề cá là chính yếu của người dân nhưng đội tàu Lý Sơn vẫn còn quá nhỏ, manh mún, phần lớn các tàu thiếu trang thiết bị (máy tầm ngư, định vị, dàn lưới...), ngư dân chỉ quen đánh bắt theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế chưa cao.
Ngư dân Dương Tân (47 tuổi), xã An Hải, huyện Lý Sơn, cho biết cuộc sống ngư dân hiện rất bấp bênh. Khi đánh bắt trên biển được sản lượng thì khi vào bờ giá hải sản đã giảm, thiếu công nghệ nên chất lượng thủy sản giảm, lại không có cơ sở chế biến thủy sản nên luôn bị đầu nậu ép giá.
Phóng to |
Hoạt động cầm cự
Bắt đầu với nghề đánh bắt cá từ năm 1990, ông Nguyễn Văn Hưng (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết so với hồi mới bắt đầu thì tàu cá của ngư dân đi biển đã tăng gần 10 lần về công suất (từ 60CV lên 400-500CV hiện nay), thế nhưng về phương thức đánh bắt cá thì hầu như không có gì thay đổi so với trước. Nhiều ngư dân ra khơi vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thủy triều, con nước, hướng gió để đánh bắt.
Còn theo ông Trà Văn Bé (Phước Tỉnh, Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) so với cách đây hơn chục năm thì ngư dân có hiện đại hơn vì có thêm chiếc máy bộ đàm để liên hệ với gia đình thường xuyên hơn, còn lại mọi thứ không có gì thay đổi.
“Công suất tàu lớn hơn trước nhưng đổi lại sản lượng cá đánh bắt được ngày một ít đi. Chúng tôi đã đến tận vùng biển giáp ranh với biển của Indonesia, Malaysia rồi mà chuyến được chuyến mất, sản lượng chỉ bằng cách đây năm năm. Bây giờ đi biển giống như đánh bài, bỏ ra một đống tiền mua nguyên nhiên liệu và lương bạn (công nhân) nhưng thu về thì hên xui” - ông Bé nói.
Cũng theo ông Bé, từ đầu năm đến nay các tàu cá tại cảng cá Phước Tỉnh chỉ hoạt động cầm cự. Dù sản lượng không giảm so với năm ngoái nhưng giá cá lại giảm mạnh. Trong đó giá cá mực, nguồn thu chủ yếu của các tàu đánh bắt xa bờ tại đây, đã giảm tới 60.000-70.000 đồng/kg. “Đã thế các chủ vựa mua cá thường chiếm dụng vốn của ngư dân. Họ thường giữ tiền của các chủ tàu ít nhất một tháng mới trả” - ông Bé than thở.
Hao hụt sản phẩm tới 30% Theo Bộ NN&PTNT, việc bảo quản sau thu hoạch trên tàu chủ yếu bằng nước đá và ướp muối theo phương pháp truyền thống, nên chất lượng đạt thấp và giá bán không cao. Tính trung bình sản phẩm khai thác được đến người tiêu thụ cuối cùng thường bị hao hụt 25-30%. Một số tàu câu cá ngừ hiện nay sử dụng công nghệ xốp thổi đối với hầm bảo quản, bảo quản bằng công nghệ nước biển nhưng còn ít và đang thử nghiệm. Nhiều chuyên gia về thủy sản cho rằng mức độ trang bị thiết bị hiện đại và đổi mới thiết bị còn khá thấp và chậm, chỉ đạt 1,09-3,98%. Mức độ công nghiệp hóa chưa cao, sự đổi mới chậm, đó là các thách thức của nghề cá nước ta trong thời gian tới. |
Cấp thiết tổ chức lại
Theo dự thảo đề án tổ chức lại khai thác hải sản của Bộ NN&PTNT, trong hơn 10 năm qua tổng số tàu thuyền máy khai thác hải sản đã tăng từ hơn 74.000 chiếc lên trên 128.000 chiếc (thời điểm năm 2010). Tuy nhiên, tỉ lệ tàu cá có công suất máy nhỏ (dưới 90CV) chiếm đa số với 80,3%.
Số liệu của Tổng cục Thủy sản cho hay cả nước có trên 4.200 tổ, đội sản xuất trên các vùng biển xa bờ với trên 25.200 tàu thuyền tham gia, chủ yếu là các tàu cá làm nghề câu, rê, vây, kéo... Thế nhưng mô hình quốc doanh đánh cá tỏ ra kém hiệu quả, dẫn đến hầu hết các đội tàu của doanh nghiệp nhà nước sản xuất không hiệu quả phải giải thể hoặc chuyển mục đích sản xuất kinh doanh.
Cả nước có trên 700 cơ sở đóng, sửa tàu cá với khả năng đóng mới 4.000 chiếc/năm và sửa chữa 8.000 chiếc/năm. Tuy nhiên, các cơ sở đóng, sửa tàu cá ở các địa phương chưa được quy hoạch, manh mún, quy mô cơ sở nhỏ, chủ yếu đóng tàu nhỏ vỏ gỗ theo mẫu và kinh nghiệm dân gian.
Những năm qua, tương ứng với tăng số lượng tàu cá, lao động trực tiếp khai thác thủy sản cũng tăng theo, từ hơn 270.000 người vào năm 1990 lên khoảng 850.000 người vào cuối năm 2011. Tuy nhiên theo Bộ NN&PTNT, trình độ lao động phần lớn được đào tạo qua phương thức cha truyền con nối. Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng hầu hết ít được đào tạo qua trường lớp chính quy, thiếu các kiến thức cơ bản để có thể sử dụng được các thiết bị hàng hải, khai thác, thiếu các kiến thức về Luật hàng hải để có thể hoạt động khai thác ở những vùng biển quốc tế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-7, ông Nguyễn Ngọc Oai, cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bộ NN & PTNT, cho rằng do nghề khai thác hải sản VN là nghề cá quy mô nhỏ, đa loài, đa ngư cụ, ngư dân vốn ít nên khó phát triển thành các công ty, tập đoàn lớn để khai thác hải sản ở vùng biển ngoài khơi. Mặt khác, việc tổ chức sản xuất trên biển còn đơn lẻ, độc lập, chưa có tính liên kết trong sản xuất. Do vậy, đã đến lúc cấp thiết tổ chức lại khai thác hải sản để khắc phục những tồn tại, bất cập lâu nay của hoạt động này, đồng thời góp phần đảm bảo chủ quyền biển đảo.
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá VN: Chưa khuyến khích người dân đầu tư Nghề khai thác biển của VN có từ lâu nhưng đến nay vẫn còn lạc hậu so với khu vực, đặc biệt là khâu hậu cần nghề cá và chế biến sau thu hoạch. Trong khi các nước có những đội tàu lớn đi đánh bắt ở những vùng biển xa khơi thì VN vẫn chủ yếu đánh bắt theo quy mô nhỏ lẻ gần bờ. Hầu hết tàu đánh cá của VN vẫn chủ yếu khai thác khu vực gần bờ. Một số ít đi xa nhưng vẫn trong vùng đặc quyền 200 hải lý của VN chứ không ra vùng biển chung hay vùng biển khơi xa hơn nữa. Vùng biển gần đã trở nên chật chội và nguồn lợi thủy sản giảm sút mạnh, chúng ta cần phải hướng tới những vùng biển xa. Rõ ràng để chinh phục và bảo vệ biển, không thể để dân ra khơi bằng kinh nghiệm và lòng quả cảm. Muốn như vậy phải có những đoàn tàu hiện đại cùng hệ thống hạ tầng, hậu cần, chế biến hỗ trợ. Tôi cho rằng một trong những điểm thiếu trong quy hoạch phát triển nghề cá chính là thiếu định hướng phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Các dịch vụ hậu cần nghề cá của chúng ta triển khai rời rạc, thiếu đồng bộ. Hầu hết sản lượng đánh bắt cá của ngư dân được bảo quản không tốt và bán lại cho các chủ vựa trước khi đến các nhà máy.
Trước đây vùng biển vịnh Bắc bộ chúng ta có những đoàn tàu đánh cá hàng chục chiếc với công suất 1.200CV hiên ngang trên biển nhưng rồi mai một dần. Do đó, để phát triển ngành đánh bắt cá xa bờ thì chúng ta lại phải bắt đầu bằng các ý tưởng thành lập những đội tàu đánh bắt công suất lớn. Đi cùng với những đội tàu như vậy phải là các tàu lớn (tàu mẹ) làm nhiệm vụ hậu cần và hỗ trợ khi cần thiết. Phát triển đội tàu lớn rất cần thiết vì có tính lưỡng dụng: vừa phát triển kinh tế biển vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. Cần phải có những tàu sắt từ 3.000-6.000CV, thậm chí cao hơn đến trên 10.000CV. Những tàu này bình thường sẽ chuyên chở nhiên liệu, thực phẩm cho các tàu đánh bắt hải sản của ngư dân đồng thời là nơi mua, sơ chế và bảo quản hải sản. Và khi cần, những chiếc tàu này sẽ giống như một hạm đội để hỗ trợ, bảo vệ những tàu đánh bắt trên biển. Không có lực lượng tàu đánh bắt của ngư dân mạnh, lực lượng tàu hậu cần có hỗ trợ của Nhà nước mạnh thì làm chủ vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta còn khó khăn. Thế nhưng hiện nay chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư đội tàu lớn, với chính sách vốn như thế này thì chẳng ai dám đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ cả. |
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận