10/11/2017 13:14 GMT+7

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia

LÊ NAM (từ đảo Natuna, Indonesia)
LÊ NAM (từ đảo Natuna, Indonesia)

TTO - Năm thuyền trưởng tàu cá của Việt Nam bị phía Indonesia bắt vì xâm phạm lãnh hải vẫn khẳng định bị bắt oan, kháng án và hi vọng Đại sứ quán Việt Nam đến, can thiệp.

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 1.

Luật sư Hà Hải (trái) giới thiệu bài báo về chuyện năm thuyền trưởng kêu oan trên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: L.N.

Ngày 9-11, phiên tòa được phía Indonesia dời tới ngày 16-11 do sự xuất hiện của luật sư và đơn kêu oan của các thuyền trưởng bị cáo buộc đánh bắt trái phép trong vùng biển Indonesia.

Ngư dân tin bị bắt tại biển VN

Bảy tháng bị tạm giam ở đảo Natuna, Indonesia, thuyền trưởng Cao Văn Hoàng (sinh năm 1980, tàu KG 90946 TS) vẫn cương quyết kháng cáo vì tin mình bị bắt khi đang đánh bắt trên vùng biển mà cha ông mình đã khai thác bao đời nay.

Chờ suốt buổi sáng 9-11 mà không thấy mình được gọi vào tòa, anh Hoàng tỏ ra khá mệt mỏi. Anh là một trong năm thuyền trưởng bị bắt trên vùng biển VN ngày 13-4-2017. 

Tối hôm trước khi ra tòa, tâm sự với phóng viên Tuổi Trẻ, anh Hoàng vẫn rất mạnh mẽ cho rằng việc kháng cáo, đòi công lý "là để sau này họ đừng vào vùng biển mình bắt ngư dân mình nữa... Họ cứ bắt mình vô lý vậy hoài sao làm ăn. Mấy tháng ở đây thấy còn bao nhiêu người mới bị bắt cũng giống như tụi tui. Chịu sao nổi".

Nhưng sáng 9-11, anh Hoàng dự tính buông xuôi, thừa nhận với biên bản và chịu ngồi tù vì không có đủ 300 triệu rupiah (hơn 500 triệu đồng) đóng phạt. 

"Tôi có hơn 12 năm lái tàu thuê đến nay mới mạnh dạn vay để hùn hơn 3,5 tỉ đồng làm con tàu này, mới đánh lần đầu tiên thì bị bắt. Bảy tháng nay tôi không đi làm, nợ chồng chất, con cái nghỉ học, đi làm kiếm tiền nuôi tôi và trả nợ" - anh Hoàng nói.

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung (sinh năm 1980, tàu KG 93895TS), người cùng bị bắt với anh Hoàng, hiểu tình cảnh của bạn nên động viên "cố lên, mình không kháng cáo, họ cứ bắt mình hoài sao chịu được, ai cũng nghĩ chỉ có mình thôi thì sau này tình trạng này cứ càng ngày càng tệ"...

Không chỉ anh Hoàng mà toàn bộ thuyền trưởng bị tạm giam trên đảo Natuna đều cho biết không được phía Indonesia cung cấp thực phẩm, mọi chi tiêu trong thời gian bị tạm giam hoàn toàn do người nhà chu cấp, gửi tiền sang. 

Sau cú trốn thoát thành công của bốn thuyền trưởng hồi tháng 7-2017, toàn bộ người còn lại bị đưa vào bên trong doanh trại hải quân Indonesia, không cho ra ngoài. 

"Ngay cả đi chợ mua đồ ăn cũng phải tập trung để xe đưa đi, có người hộ tống" - thuyền trưởng Nguyễn Văn Khanh, tàu BV 92347TS, kể.

Trong khi đó, đã có người thiệt mạng trong thời gian bị giam giữ. "Có các anh xin, tôi mới có cơ hội lên mộ Q.. Từ hồi nó mất đến nay đã hơn năm tháng, tụi tui mấy lần xin đi lên dọn cỏ mộ nó mà mấy ông sĩ quan hải quân không cho đi" - vừa nói thuyền trưởng Nguyễn Văn Khanh ở Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tranh thủ nhổ cỏ xung quanh nấm mộ đắp khá sơ sài nằm lọt thỏm trong đám cỏ tranh.

Người đã mất mạng nơi đất khách là anh N.V.Q., sinh năm 1975, quê Nam Định.

Anh Khanh kể khoảng 3h sáng 1-6-2017, Q. lên cơn suyễn không thở được, thuốc trợ cứu không có, anh em thủy thủ cùng tàu vội mang anh lên bệnh viện nhưng không kịp. 

Q. mất ngay trên đường đi. Đạp qua bãi cỏ tranh trong nghĩa trang, anh Khanh chép miệng: "Thương nó phải bỏ xác nơi xứ người không biết đến khi nào mới về được đất mẹ".

Thân phận hàng trăm ngư dân

Nhìn thấy luật sư Hà Hải tư vấn cho thuyền trưởng Hứa Minh Trung, thuyền trưởng Lê Ngọc Pha, tàu KG 93374TS, bức xúc không kiềm chế được cảm xúc. 

"Tôi bị bắt 6 tháng trước ở ngay vùng biển còn gần VN hơn mấy ông này. Chúng tôi bị oan mà không biết làm sao kêu cứu".

Trao đổi với chúng tôi tại đảo Natuna, luật sư Hà Hải, người đại diện theo ủy quyền của các chủ tàu cá, cho biết sẽ phối hợp với luật sư người Indonesia tiếp tục đề nghị Đại sứ quán cử đại diện có mặt trong phiên xét xử sắp tới để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ngư dân. 

"Đây không còn là vấn đề của năm ngư dân và năm chiếc tàu mà là thân phận của hàng trăm ngư dân đang chịu oan sai, ngược đãi và hàng trăm chiếc tàu trị giá đến vài trăm tỉ đồng đang phơi nắng mưa".

Đại sứ VN tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn cho biết thông qua luật sư và các thuyền trưởng, ông đã đề nghị hoãn các phiên tòa nếu không đủ thủ tục tố tụng. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông nói: "Ngư dân phải nắm thông tin và kiên quyết không nhận tội nếu không được bảo hộ lãnh sự, pháp lý đầy đủ".

Gia đình thuyền trưởng rất khó khăn

Chiều 9-11, bà Hồ Hữu Hoàn Hảo - chủ chiếc tàu đánh cá KG 95359 TS bị phía Indonesia bắt - khẳng định trên tàu có lắp thiết bị định vị vệ tinh để xác định vùng đánh cá an toàn thuộc vùng biển VN nhằm tránh tình trạng thuyền trưởng điều khiển tàu xâm phạm vùng biển nước ngoài.

"Tôi biết rõ nếu vi phạm vùng biển Malaysia, Indonesia... tàu sẽ bị đốt bỏ, thuyền viên bị phạt 20.000 USD mỗi người, thuyền trưởng thì tiền phạt gấp mấy lần, còn ở tù bên đó. Cho nên tôi tuyệt đối cấm thuyền trưởng lái tàu sang vùng biển nước khác" - bà Hảo nói.

Bà Hảo cũng cho biết gia đình thuyền trưởng Lưu Văn Lý rất khó khăn, có hai con nhỏ 1 tuổi và 3 tuổi. Từ khi anh Lý bị bắt, vợ anh Lý phải gửi con cho hàng xóm giữ giúp để đi làm thuê.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Đặng Văn Thống - chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang - cho biết theo lời khai của hàng chục thuyền viên vừa được phía Indonesia thả về, rất khó xác định tọa độ chính xác nơi tàu bị bắt, do toàn bộ định vị đều bị tiêu hủy hết. Sẽ phải chờ thuyền trưởng được trả về nước để làm rõ tàu cá có vi phạm vùng biển nước bạn không.

Hiện tại, ông Thống cho hay lực lượng biên phòng vẫn đang phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.

KHOA NAM

Thư kêu cứu...

Nhiều thuyền trưởng của các tàu bị bắt tạm giam tại Natuna đã gặp chúng tôi và cùng thống nhất gửi đơn kêu cứu đồng gửi Đại sứ quán VN tại Indonesia, các cơ quan có thẩm quyền...

Trong đơn có đoạn: "Chúng tôi là những ngư dân VN, đang bị giam giữ tại đảo Natuna.

Chúng tôi bị bắt khi đang hoạt động tại vùng biển VN. Tất cả chúng tôi khi đi đánh bắt đều mang theo bản đồ do Cục Kiểm ngư VN cấp. Chúng tôi bị oan.

Hiện chúng tôi đang rất khó khăn, không có tiền, không ai giúp đỡ, biết mình bị oan nhưng không biết làm sao lên tiếng.

Chúng tôi tha thiết mong mỏi Nhà nước VN giúp đỡ chúng tôi, đòi lại công bằng cho ngư dân VN và bảo vệ vùng biển VN". Đến chiều 9-11, có tổng cộng 25 thuyền trưởng đang bị tạm giam ở đây đã cùng viết đơn và ký vào "đơn kêu cứu".

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 4.

Các thuyền trưởng kháng án. Từ trái sang: thuyền trưởng Hứa Minh Trung, Cao Văn Hoàng, Lê Thanh Thừa, Lê Thanh Thiện, Lưu Văn Lý tại trại tạm giam ở đảo Natuna - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 5.

Bữa ăn sáng của các thuyền trưởng trong trại tạm giam trên đảo Natuna trước khi chuẩn bị ra tòa để tiếp tục kháng án - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 6.

Hai anh em thuyền trưởng Lê Thanh Thừa (trái), Lê Thanh Thiện cùng bị bắt ngày 13-4-2017. Cả hai đều quyết kháng án vì bị Indonesia bắt khi đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 7.

Luật sư Hà Hải (ngồi thứ hai từ trái sang), lắng nghe câu chuyện oan sai và những khó khăn của các thuyền trưởng đã bị phía Indonesia bắt giữ trái phép trong thời gian dài - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 8.

Thuyền trưởng Cao Văn Hoàng, ngồi, đang chuẩn bị ký vào đơn kháng án. Bên cạnh anh là các thuyền trưởng Lê Thanh Thiện (thứ hai trái sang), Lưu Văn Lý, Hứa Minh Trung, những người đã bị bắt cùng anh ngày 13-4-2017 - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 9.

Thuyền trưởng Hứa Minh Trung cầm tờ "đơn kêu cứu" với 25 chữ ký của các thuyền trưởng. Họ cùng kêu oan và nhờ chính phủ Việt Nam can thiệp giải oan cho họ, đảm bảo an toàn khi đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 10.

Luật sư Hà Hải (trái) đang hướng dẫn thuyền trưởng Hứa Minh Trung những nội dung kháng án bên hành lang toà án nhân dân tỉnh Natuna - Ảnh: LÊ NAM

Quyết tìm công lý cho ngư dân bị bắt ở Indonesia - Ảnh 11.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Khanh viếng mộ Q., người thủy thủ trên tàu của mình - Ảnh: LÊ NAM

LÊ NAM (từ đảo Natuna, Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp