Thủ tướng dự lễ khánh thành dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 - Ảnh: VGP
Sáng 4-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn thuộc dự án đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020. Tham dự có các lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành và địa phương.
Để thực hiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2017 - 2020), đã lựa chọn các đoạn ưu tiên làm trước với tổng số 654km, trong đó có đoạn Cao Bồ - Mai Sơn. Các dự án thành phần được khởi công năm 2019, đã cơ bản hoàn thành dần vào cuối năm 2021, thông xe năm 2022 và các năm tiếp theo,
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng đã xác định phát triển hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược. Nguồn lực nhà nước phải đầu tư có trọng tâm trọng điểm và phát huy mọi nguồn lực của xã hội để phát triển hạ tầng, gồm hạ tầng giao thông với quyết tâm xây dựng được 5.000km cao tốc.
Để các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đạt hiệu quả, trong đó có dự án Cao Bồ - Mai Sơn, Thủ tướng cho rằng việc giao dự án cho địa phương thực hiện triển khai có ý nghĩa lớn. Vì vậy, các bộ, ngành phải tin tưởng giao trách nhiệm cho các địa phương và khi được giao, địa phương phải cố gắng cao nhất, khẳng định trách nhiệm của mình với dân, với nước.
"Tinh thần của Chính phủ là "phân cấp, phân cấp và phân cấp" nhưng phân cấp, phân quyền phải đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi", Thủ tướng nêu.
Việc xây dựng 5.000km đường cao tốc là quyết tâm lớn cần thực hiện - Ảnh: VGP
Bên cạnh đó là sự tin tưởng, đồng lòng, ủng hộ, vào cuộc của nhân dân khi Thủ tướng nhắc lại năm ngoái dự án vẫn loay hoay với việc giải phóng mặt bằng. Do đó, bài học rút ra là cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân, gắn chính sách đền bù thỏa đáng.
Tinh thần là cuộc sống của người dân ở nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ. "Tư tưởng không thông thì bình tông cũng nặng, tư tưởng thông thì mọi việc sẽ thông suốt", Thủ tướng nói.
Việc lựa chọn nhà thầu có năng lực, trình độ, kinh nghiệm cũng rất quan trọng. Từ thực tiễn này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiêm túc thực hiện các thủ tục theo quy định, tránh tiêu cực, lợi ích nhóm, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng dự án. Gắn với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cả hệ thống chính trị.
Để toàn dự án hoàn thành tiến độ, Thủ tướng cho rằng còn rất nhiều việc phải làm, nếu không có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược thì không bao giờ làm được. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện theo quy định, tổ chức làm việc hiệu quả.
Đặc biệt chú trọng chăm lo đời sống người dân đã nhường mặt bằng cho dự án, tạo niềm tin cho nhân dân. Các địa phương khác học hỏi cách làm của Ninh Bình, tính toán quy hoạch không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả tối đa, người dân được hưởng lợi nhiều nhất từ các dự án cao tốc.
Cùng với việc đẩy nhanh chiến dịch thần tốc tiêm chủng vắc xin mùa xuân năm 2022, tiêm vắc xin cho trẻ em để chuẩn bị mở cửa trường học trở lại, Thủ tướng nhấn mạnh phải chống dịch thành công để đến hết quý 1 mở cửa toàn bộ nền kinh tế an toàn và thực hiện đa mục tiêu.
Ngay sau lễ khánh thành, Thủ tướng đã đi kiểm tra công tác thi công tuyến cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 và tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu. Đồng thời, Thủ tướng chúc Tết công nhân, kỹ sư người lao động đang làm việc tại công trường và trực tiếp lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển, cảng hàng không
Dự án Cao Bồ - Mai Sơn đi qua địa bàn hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, có tổng chiều dài hơn 15km, quy mô giai đoạn phân kỳ là 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh là 6 làn xe.
Đối với hai tỉnh Ninh Bình và Nam Định, việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn sẽ tạo điều kiện kết nối với các trung tâm kinh tế phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng...), các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh.
Đồng thời, kết nối liên hoàn hạ tầng kinh tế hàng không, cảng biển, đặc biệt thu hẹp khoảng cách từ Ninh Bình đến Thanh Hóa. Đây sẽ là cú hích cho các tỉnh Ninh Bình, Nam Định phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và góp phần khai thác hết các tiềm năng và thế mạnh của các địa phương.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối chặt chẽ các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm với các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu công nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận