Thiên Cẩu sau mấy năm xuôi ngược non cao rừng thẳm, cũng sắm được một cái áo khá đẹp. Dù Thiên Cẩu không cao nhưng cũng khiến khối kẻ phải nhìn.
Một lần Thiên Cẩu chưng diện bảnh bao đến thăm sư phụ Địa Linh để hỏi thêm cách thức thêu hoa lên gấm, hay nói rõ hơn là làm sao để cái áo của Thiên Cẩu lấp lánh như hoàng bào thời xưa.
Sư phụ Địa Linh không ngần ngại chỉ lối niết bàn cho học trò: "Hãy ra khu vực trung tâm đô thị mà phô diễn!".
Đối với Thiên Cẩu, chốn phồn hoa cũng giống chốn thâm sơn, chỉ cần một miếng đất trống thì Thiên Cẩu múa gậy phóng dao đúng tiêu chuẩn Sơn Đông mãi võ. Người xem cũng nhiều, nhưng ít người tán thưởng quá.
Thiên Cẩu thắc mắc, sư phụ Địa Linh lập tức tư vấn tuyệt chiêu: "Thời đại truyền thông, sản phẩm nào cũng phải quảng cáo. Muốn gây chú ý cho đám đông, thì nhất định phải có slogan thật ấn tượng!".
Được lời như cởi tấm lòng. Thiên Cẩu xông ra vỉa hè, tuyên bố: "Nếu tay nghề của tại hạ non kém, không đủ bà con phấn khích, tại hạ sẽ cởi áo về vườn!".
Quả nhiên, dân tình xúm đông xúm đỏ xem Thiên Cẩu trổ tài. Hết nắm đấm thẳng đến cú đá ngang. Hết bài quyền dài đến ngón đòn ngắn. Thậm chí tiếng máy khoan rền rỉ và tiếng búa nện đì đùng cũng được Thiên Cẩu trưng dụng cho những màn chinh phục ấn tượng.
Cái áo của Thiên Cẩu trở thành biểu tượng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao.
Ở đời, một loại gạo có thể nuôi trăm loại người, mà một loại bột có thể làm trăm loại bánh. Nghe hơi thấy slogan "cởi áo về vườn" của Thiên Cẩu quá ăn khách, nhiều kẻ cũng bắt chước theo.
Anh hàng bún cũng treo biển: "Nước lèo bị chê nhạt, tôi sẽ cởi áo về vườn". Chị hàng thịt cũng treo biển "Phát hiện trong con heo có chất tạo nạc, tôi sẽ cởi áo về vườn". Bà bán cà phê cũng treo biển: "Nếu khách hàng đau bụng, tôi sẽ cởi áo về vườn". Ông bán vé số dạo cũng đeo biển lủng lẳng trước ngực: "Sau một năm không ai trúng độc đắc, tôi sẽ cởi áo về vườn"…
Phong trào cởi áo về vườn càng ngày càng sôi động, nhưng quay qua quay lại, bao nhiêu bát nháo và bao nhiêu nhiễu nhương vẫn tồn tại, mà không thấy ai cởi áo, cũng không thấy ai về vườn.
Thiên Cẩu đau lòng lắm. Đau lòng cho slogan "cởi áo về vườn" của mình chỉ một phần, mà đau lòng cho tâm tư của sư phụ Địa Linh đến mười phần.
Phải sốt ruột với tiến bộ nhân loại ghê gớm lắm, thì sư phụ Địa Linh mới truyền bí kíp "cởi áo về vườn" cho Thiên Cẩu, vậy mà học trò đang làm hoen ố trí tuệ siêu đẳng của người có công truyền nghề truyền đạo cho mình. Lẽ nào y bát của sư phụ Địa Linh tan tành trong tay Thiên Cẩu?
Không được, Thiên Cẩu đã dùng đến cả xe cẩu để phô diễn tài nghệ thì không thể để hạ giá slogan "cởi áo về vườn".
Thiên Cẩu đến thăm dò ý kiến sư phụ Địa Linh. Lắng nghe Thiên Cẩu giãi bày một cách chăm chú, sư phụ Địa Linh gật gù: "Cái áo chỉ là vật ngoại thân. Cởi áo ra là hòa vào thiên nhiên tươi đẹp. Cởi áo ra thì ta vẫn còn trái tim nồng nàn dâng hiến cho cuộc đời mến yêu! Trò cởi áo hôm trước thì hôm sau ta cũng cởi áo ủng hộ trò".
Ôi, đúng là lời lẽ của bậc danh sư trong thiên hạ. Thiên Cẩu hoàn toàn yên tâm với dự định của mình!
Thiên Cẩu biểu diễn buổi cuối cùng trên vỉa hè, rồi cởi áo treo ở ngã tư chớp nhá đèn xanh đèn đỏ. Bá tánh vỗ tay reo hò ầm ĩ. Thiên Cẩu hưng phấn quá, từ nhỏ đến lớn Thiên Cẩu chưa bao giờ có được cảm giác tuyệt vời như vậy.
Thiên Cẩu mình trần, đi tìm sư phụ Địa Linh. Ơ kìa… sao sư phụ Địa Linh chưa cởi áo? Không chờ Thiên Cẩu trực tiếp hỏi, sư phụ Địa Linh xoay người một vòng rồi thủng thỉnh đáp: "Ta đã cởi áo cũ rồi nhé. Cái áo này là cái áo mới. Ta có hàng chục cái áo mà. Còn trò chỉ có một cái áo!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận