Người dân vô tư quăng rác ra đường làm mất vệ sinh và mỹ quan đô thị - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Ông CAO VĂN TUẤN (trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP):
Cần thống nhất giờ thu nhận rác
Nhiều gia đình đưa rác ra đường quá sớm hoặc muộn hơn giờ các đơn vị thu gom. Trong khi chờ xe thu gom rác, những túi rác chưa phân loại có thể bị người ta xé tung để lấy đi những món có thể bán ve chai. Rác sẽ bốc mùi hôi hoặc đổ vương vãi khắp nơi.
Để hạn chế tình trạng này, cần thống nhất giờ thu gom và đôi bên đều phải đúng giờ. Trường hợp gia đình phát sinh lượng rác lớn (có đám tiệc chẳng hạn), có thể gọi vào đường dây nóng cho các đơn vị thu gom xử lý.
Việc tập kết rác tại các điểm hẹn cũng phải được thống nhất lại theo hướng chia đều thời gian tập kết rác, tránh tình trạng hàng chục xe chở rác đến cùng lúc, gây ùn tắc, làm phiền người dân.
* Ông NGUYỄN MINH NHỰT (phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP.HCM):
Đảm bảo hiệu lực quản lý
HĐND TP đã có nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn TP. Có thể mất nhiều năm để nghị quyết đi vào cuộc sống, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ không có kết thúc.
Trước nhất, cần tuyên truyền để người dân giảm thải chất thải rắn ra môi trường, bằng cách tận dụng lại khi có thể. HĐND TP cũng thực hiện giám sát việc giáo dục học sinh bảo vệ môi trường các cấp học từ mầm non, phổ thông, kể cả sau phổ thông. Đây là nền tảng để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ.
Quan trọng hơn nữa, cần phải đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước về thu gom rác. Vẫn còn nhiều hộ dân tự bỏ rác ra bãi đất trống, gốc cây, kênh rạch thay vì đóng tiền để được thu gom rác. Nghị quyết đề ra: đến năm 2020, 100% các hộ dân và chủ nguồn thải phải ký kết hợp đồng thu gom.
Về vấn đề xử phạt hành vi xả rác, nhiều địa phương than khó, thiếu nguồn lực, nhân sự. Giải quyết câu chuyện này như thế nào?
Ở một số nước như Pháp, họ cho phép tư nhân tham gia giám sát hành vi xả rác và xử phạt. Nguồn kinh phí thu được chi trả đơn vị giám sát và đầu tư cho môi trường. HĐND TP đang nghiên cứu hướng này. Chúng ta cần những ý tưởng và cách làm mới. Cần dựa vào sự giám sát của người dân thông qua các tổ tự quản.
* PGS.TS NGUYỄN ĐINH TUẤN (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên và môi trường):
Ai xả rác? Ai phát hiện và xử phạt?
Vấn đề nước thải, rác thải đã được xem là vấn đề môi trường ở TP.HCM năm qua. Đến nay, kết quả chưa được như mong muốn, xả rác vẫn phổ biến. Theo tôi, cần phải có cách làm khác.
Ví dụ, với rác đường phố, cần xác định ai là người xả rác? Đa phần rác này từ những gánh hàng rong, người buôn bán nhỏ, những người thường tiện tay vứt rác ra đường, đổ rác xuống cống… Đối tượng này rất nhiều. Vậy có ngăn chặn được không? Được. Nhưng nếu trông chờ vào lực lượng xử phạt hiện tại không thể giải quyết được.
Tôi ủng hộ phải có thêm lực lượng giám sát vấn đề này. Hãy lấy kinh nghiệm từ Đài Loan, nơi đây người ta xây dựng thành quy định cho phép người thu gom rác có thể phạt những người không phân loại rác, người xả rác bừa bãi.
* Luật sư NGUYỄN THỊ MINH HUYỀN (giám đốc Công ty luật Việt):
Cán bộ môi trường sâu sát dân hơn
Tôi từng chất vấn chủ tịch phường nơi tôi ở: "Đã có bao nhiêu văn bản xử phạt về xả rác ở nhiệm kỳ của anh?". Thực tế là không xử phạt được trường hợp nào! Nếu vịn vào lý do "không có người xử phạt" thì câu chuyện nói không với xả rác sẽ thất bại. Khung pháp lý đã có nhưng xử lý không nghiêm, không răn đe được.
Nếu chính quyền không đủ lực lượng thì phải dựa vào dân, vào các đội tự quản. Cán bộ môi trường phải kết nối, sâu sát với người dân hơn để khi người dân bắt gặp quả tang, ghi hình việc xả rác thì điện thoại một tiếng phải tới hiện trường làm tới nơi, xử phạt cho được. Tôi nghĩ người dân ai cũng sẵn lòng vì ai cũng muốn môi trường nơi mình sống xanh, sạch hơn.
* Ông NGUYỄN THẾ ĐỊNH (giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1):
Cần phải kiên trì, bền bỉ
Khi còn làm ở địa phương, tôi từng dẫn lực lượng đi bắt các trường hợp xả rác, tiểu tiện nơi công cộng trên địa bàn quận 1 từ năm 2004. Mức phạt không cao như bây giờ nhưng chúng tôi thực hiện thêm biện pháp buộc người gây bẩn phải tự "khắc phục hậu quả" tại chỗ.
Câu chuyện "Nói không với xả rác" cần làm kiên quyết và bền bỉ. Một năm có thể chưa thấy hiệu quả nhiều nhưng kiên trì, ba năm, năm năm rồi chúng ta sẽ có TP đẹp. Cần chú trọng khâu kiểm tra xử lý. Một trường hợp được xử lý có tính răn đe sẽ cảnh báo được cho nhiều người.
* Ông NGUYỄN NGỌC MINH PHÚ (phó trưởng phòng cấp thoát nước, Sở Giao thông vận tải TP.HCM):
Cần có hợp đồng thu gom rác
Việc thu gom rác trước nay, nhiều nơi chỉ là thỏa thuận giữa người dân và đơn vị, cá nhân thu gom rác. Cần có hợp đồng, trong đó ghi đầy đủ những điều khoản rõ ràng để hai bên theo đó thực hiện đúng. Cũng cần có quy định: tuyến đường nào còn rác, đơn vị thu gom phải chịu trách nhiệm.
* Bà NGUYỄN THỊ HOÀI LINH (giám đốc ENDA Việt Nam):
Thúc đẩy thay đổi hành vi
Quá trình tổ chức Enda truyền thông cho học sinh chúng tôi thấy rằng trẻ từ mầm non đến tiểu học đã hiểu xả rác là xấu, nhiều em biết cách phân loại rác. Nhưng từ hiểu biết đến làm đúng là khoảng cách lớn. Cả người lớn cũng vậy, không phải người dân không hiểu chuyện xả rác là xấu. Điều chúng ta cần là tập trung thêm các giải pháp thúc đẩy quá trình nhận thức đến thay đổi hành vi. Dù là khó nhưng tôi tin TP.HCM có thể làm được.
TP.HCM: mỗi năm tốn 3.800 tỉ đồng xử lý rác
Theo bà Đỗ Thị Diễm Thúy - phó trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, xả rác gây ra ô nhiễm, mất mỹ quan là chuyện ai cũng thấy rõ. Còn thiệt hại về tài chính, mỗi năm ngân sách TP.HCM phải chi khoảng 1.000 tỉ đồng cho công tác duy tu, nạo vét, vớt rác trong hệ thống cống thoát nước và khoảng 2.800 tỉ cho khâu dọn rác, vận chuyển, xử lý rác.
2 tháng, xử lý 12.000 vụ rác bít miệng cống thoát nước
Ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết rác khắp nơi không chỉ làm ô nhiễm môi trường sống mà còn gây ngập nước nghiêm trọng hơn, do làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
"Chúng tôi có 350 người thường xuống cống nạo vét rác. Nhưng có hàng triệu người xả rác, bao nhiêu người dọn nổi? Thêm nỗi khổ khác là tình trạng lấn chiếm kênh rạch và xả rác thẳng xuống kênh. Muốn đưa xe cơ giới tới cũng không được vì không có chỗ cho xe, có thể gây sạt lở hoặc sập nhà dân. Công nhân vẫn phải lặn ngụp trong dòng kênh rác đó để vớt rác, rất đáng suy nghĩ" - ông Bùi Văn Trường, trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, chia sẻ. "Công ty đã thành lập đội tuần tra thoát nước. Trong 2 tháng, đội đã xử lý đến 12.000 trường hợp người dân xả rác làm bít miệng thu tại các cống thoát" - ông Trường cho hay.
Q.KHẢI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận