Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tỉnh Điện Biên tổ chức.
Dự chương trình có Đại tướng Lương Cường - chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tri ân các anh hùng, cảm ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa
Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, đưa Việt Nam bước sang thời kỳ mới, miền Bắc quá độ đi lên xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại tướng Lương Cường chia sẻ với độ lùi thời gian sau 70 năm, hội thảo là dịp để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, sâu sắc hơn về bối cảnh lịch sử, về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, về sự can thiệp của Mỹ, về tầm nhìn chiến lược, sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng đó là sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Tổng quân ủy, của Đảng ủy, Bộ tư lệnh, chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ và của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
"Qua đó tiếp tục khẳng định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh" - đại tướng nói.
Đại tướng cũng chia sẻ đây là dịp để toàn đảng, toàn quân và toàn dân tri ân tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang đã anh dũng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc và cảm ơn sự giúp đỡ to lớn chí tình, chí nghĩa của bạn bè quốc tế, của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Dương.
Đồng thời hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy khát vọng hòa bình, phát huy sức mạnh dân tộc, với sức mạnh của thời đại, giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau.
"Đặc biệt là thế hệ trẻ phát huy tốt truyền thống của cha anh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới" - đại tướng nói.
Thắng lợi của sức mạnh "toàn dân đánh giặc"
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh "toàn dân đánh giặc" dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Để đi tới và làm nên thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, không phát huy được ưu thế công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, có sức cơ động cao.
Ông cho rằng 70 năm trôi qua nhưng tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, ý chí quyết chiến, quyết thắng và những bài học lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên giá trị, đã, đang và mãi tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta vững bước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết qua hội thảo đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, bảo đảm cho thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là có thêm những nhìn nhận, đánh giá sâu sắc, tôn vinh giá trị của thắng lợi lịch sử này.
"Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa quyết định đi đến thành công của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp của nhân dân ta, điều đó còn vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" - ông nói.
Tuy nhiên, do thời gian đã lùi quá xa, công tác lưu trữ gặp nhiều khó khăn, các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia chiến dịch phần lớn đã không còn, số còn lại sức khỏe giảm sút.
Do đó ông đề nghị tiếp tục sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ và tuyên truyền rộng rãi kết quả hội thảo, kỷ yếu hội thảo trên báo chí, phát hành tới các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
Sẵn sàng "đói hơn, vất vả hơn", nhường lương thực cho bộ đội
Ông Trần Quốc Cường - bí thư Tỉnh ủy Điện Biên - chia sẻ 70 năm trước, đồng bào các dân tộc sẵn sàng "đói hơn, vất vả hơn" để nhường lương thực cho bộ đội, cho thấy tinh thần cả nước cùng ra trận.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và tỉnh Lai Châu) đóng góp cho chiến dịch 2.666 tấn gạo (vượt mức 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt mức 43 tấn), 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công với 568.139 ngày công; 438 ngựa thồ, hàng ngàn thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận