27/05/2021 07:25 GMT+7

Quyền săn bắn kangaroo của Úc được tranh cãi bên... Mỹ

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Một dự luật bảo vệ kangaroo Úc đang được thúc đẩy tại... Quốc hội Mỹ với lý do loài chuột túi đang bị săn bắn quá mức để lấy da và thịt. Đối với những người Úc trực tiếp cầm súng bắn kangaroo, các nghị sĩ Mỹ chẳng hiểu gì về thực tế.

Quyền săn bắn kangaroo của Úc được tranh cãi bên... Mỹ - Ảnh 1.

Kangaroo sau khi bị giết được đem tới một nhà máy để lấy da và thịt - Ảnh chụp màn hình NYT

Ian White lái xe chầm chậm trên con đường đất đỏ vào một đêm mùa thu ấm áp tại một vùng hẻo lánh của nước Úc. Chiếc xe đột ngột dừng lại bởi có thứ gì đó đang chuyển động trong bụi cỏ. Đèn pha công suất lớn trên mui xe bật sáng, thì ra đó là một con kangaroo.

"Thấy nó không, đó là một kangaroo cái", người thợ săn dày dặn kinh nghiệm giải thích với phóng viên báo New York Times. "Tôi đặc biệt không muốn bắn những con cái. Một con kangaroo cái thường có con trong chiếc túi trước bụng".

White và những người săn chuột túi khác ở Úc đều ghi nhớ điều này, trái ngược với những gì nhóm "kangaroo quyền" đang nói trên đất Mỹ. Cho rằng việc săn bắn kangaroo là một hành động vô nhân đạo, nhóm "kangaroo quyền" đang thúc đẩy dự luật bảo vệ kangaroo tại Quốc hội Mỹ.

Người ở Mỹ lo chuyện ở Úc

Cuộc đấu tranh vì kangaroo Úc có một lịch sử khá lâu dài trên đất Mỹ. Năm 1971, California cấm nhập khẩu các bộ phận của chuột túi. Ba năm sau, Cơ quan cá và động vật hoang dã Mỹ cũng làm điều tương tự đối với 3 loài kangaroo do lo ngại sự suy giảm số lượng kangaroo.

Năm 1995, kangaroo bị loại khỏi danh sách động vật hoang dã nguy cấp và bị đe dọa của Mỹ nhưng luật cấm của California vẫn có hiệu lực. Đạo luật cấp tiểu bang có lẽ đã rơi vào quên lãng nếu một nhóm vận động ăn chay không đâm đơn kiện Adidas vì đã bán giày đá bóng sử dụng da kangaroo.

Sau hơn 15 năm, chiến dịch "kangaroo quyền" đang được hồi sinh một lần nữa, đặt mục tiêu thuyết phục các công ty và người tiêu dùng nói không với các sản phẩm từ kangaroo.

Quyền săn bắn kangaroo của Úc được tranh cãi bên... Mỹ - Ảnh 2.

Ông White, một thợ săn kangaroo dày dạn kinh nghiệm, được yêu cầu phải giết kangaroo theo cách nhân đạo. White cho thấy ông là một tay thiện xạ, hạ gục mỗi con kangaroo chỉ với một phát bắn duy nhất - Ảnh chụp màn hình NYT

Tại Quốc hội Mỹ, một dự luật cấm các sản phẩm kangaroo đang được một nghị sĩ của Đảng Dân chủ thúc đẩy. Dự luật nhận được sự ủng hộ của Mark Pearson, đại diện duy nhất của Đảng công lý động vật tại nghị viện bang New South Wales (Úc).

Cho rằng vài triệu con kangaroo đã chết vì hỏa hoạn kinh hoàng những năm vừa qua, các nhà lập pháp tuyên bố việc săn bắn kangaroo vì mục đích thương mại phải được chấm dứt để bảo tồn số lượng chuột túi.

"Điều chúng tôi nhận ra sau đám cháy là chúng tôi không biết có bao nhiêu loài động vật còn sống. Nếu đã không biết còn bao nhiêu con, tốt nhất không nên bắn giết thêm con nào nữa", nghị sĩ Pearson lập luận.

Một chiến dịch quốc tế mang tên "Kangaroos Are Not Shoes" được triển khai, với các video và trang web trực tuyến vận động người tiêu dùng không sử dụng giày làm bằng da kangaroo. Với một số người, chiến dịch gợi nhớ đến một tuyên bố của David Beckham năm 2006. Danh thủ người Anh tuyên bố sẽ không mang giày Adidas sau khi xem video một con kangaroo cái và con của nó bị giết.

Nếu được thông qua, Đạo luật bảo vệ Kangaroo sẽ đặt dấu chấm hết cho sự xuất hiện của thịt và da chuột túi ở Mỹ. Một số quốc gia được dự đoán sẽ nối gót, gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp đem về cho Úc khoảng 60 triệu USD mỗi năm.

Chuyện bao đồng?

George Wilson, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, người đã dành 50 năm quản lý động vật hoang dã, nhớ lại sự lo lắng của một nhà sinh vật học người Mỹ khi đến Úc những năm 1970. Vị khách phương xa thắc mắc vì sao rất nhiều xe tải ở Úc lắp thanh kim loại lớn ở đầu xe.

"Đề phòng trường hợp họ tông trúng một con kangaroo", giáo sư Wilson thuật lại câu trả lời của mình. "Số lượng chuột túi ở đây rất dồi dào". Theo quan điểm của ông Wilson, cái gọi là đấu tranh cho "kangaroo quyền" thật ra là một sự áp đặt cảm xúc lên người khác.

Quyền săn bắn kangaroo của Úc được tranh cãi bên... Mỹ - Ảnh 3.

Đuôi kangaroo là nguồn cung cấp thịt phổ biến cho người Úc bản xứ. Thống kê của Chính phủ Úc đối với 4 loài kangaroo được săn bắn hợp pháp cho thấy trong vòng 10 năm (2001-2011), số kangaroo đã tăng tới 34 triệu con, từ 23 triệu con của năm 2001 lên hơn 57 triệu con vào năm 2011 - Ảnh chụp màn hình NYT

Với những thợ săn như ông White, giết chóc không phải là sở thích cá nhân man rợ. "Kangaroo đã bị săn bắn ở Úc trong hàng ngàn năm qua. Chúng thậm chí còn đông hơn người sống trên lục địa này", người thợ săn thuộc thế hệ của gia tộc Whitey phân trần.

Theo ông White, đây là một ngành được Chính phủ Úc quản lý, có quota hẳn hoi. Thợ săn phải vượt qua một khóa học để bảo đảm kangaroo được chết theo cách nhân đạo nhất. Các quan chức liên bang và tiểu bang giám sát chặt chẽ số lượng kangaroo bị giết để bảo đảm quần thể bền vững.

Không chỉ là một nguồn cung cấp thịt, những con kangaroo còn cho da và tạo ra nhiều công việc khác nuôi sống toàn bộ thị trấn nhỏ của ông White.

Leslie Mickelbourgh, giám đốc điều hành một cơ sở cung cấp thịt kangaroo, tuyên bố so với thịt bò hay thịt heo, thịt kangaroo là một lựa chọn thay thế đạo đức hơn. Ngành công nghiệp kangaroo thương mại của Úc không giống những gì người ta đang nghĩ, không phải miền viễn tây hoang dã với những khẩu súng rực lửa.

Ông Mickelbourgh giải thích thịt kangaroo không tạo ra nước thải, không góp phần vào biến đổi khí hậu như các loại thịt công nghiệp khác. "Những người chỉ trích chẳng hiểu gì về đất nước của chúng tôi cả".

Quyền săn bắn kangaroo của Úc được tranh cãi bên... Mỹ - Ảnh 4.

Thành quả của ông White sau một cuộc đi săn. Ông kiếm được 1 USD cho mỗi ký thịt kangaroo - Ảnh chụp màn hình NYT

Đảo Kangaroo của Úc cháy ngoài tầm kiểm soát, chính quyền kêu gọi di tản Đảo Kangaroo của Úc cháy ngoài tầm kiểm soát, chính quyền kêu gọi di tản

TTO - Đảo Kangaroo, nơi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi du khách quốc tế hãy đặt vé đến thăm, đang cháy lớn ngoài tầm kiểm soát và tình trạng này sẽ kéo dài ít nhất đến ngày mai 10-1.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: kangaroo Úc chuột túi Mỹ
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp