Những cụm từ "thân thiện", "hạnh phúc" mà ngành giáo dục đặt ra gần đây có ý nghĩa tích cực nhằm xây dựng môi trường học tập lành mạnh, nhưng ở một số trường hợp, nó được phụ huynh dùng để phản ứng với giáo viên nhằm bênh vực con mình.

Tần suất những vụ giáo viên bị quay clip, ghi âm tung lên mạng, kéo theo là làn sóng chỉ trích, là chuỗi ngày dài giải trình và kỷ luật thực sự là nỗi ám ảnh với nhiều thầy cô giáo thời bây giờ.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 1.

Cô Hiền, giáo viên THCS quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ đằng sau mỗi học sinh thường có tới sáu người theo dõi, gồm cha mẹ, ông bà nội ngoại.

Có những việc nhỏ chỉ cần góp ý nhẹ nhàng thì nhiều người đứng sau học sinh lại thích lựa chọn cách đưa lên mạng xã hội, hoặc có đơn thư gửi lên các cấp lãnh đạo ngành giáo dục.

"Mạng xã hội đáng sợ ở chỗ thông tin có thể đưa lên không cần kiểm chứng. Người đọc đôi khi chỉ cần đọc vài dòng đầu đã "ném đá" mạt sát. Mỗi khi có một sự vụ ồn ào về hành vi của nhà giáo, chúng tôi vừa buồn vừa lo. Và nhiều người có một suy nghĩ là không biết khi nào tới lượt mình, bởi chúng tôi không thể nào toàn vẹn mọi bề".

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 2.

Một "đội ngũ hậu thuẫn" học sinh, về lý thuyết, là điều bất cứ nền giáo dục nào cũng mong mỏi có được nếu những thành viên của "đội ngũ" ấy hiểu đúng vai trò góp sức của mình. 

Nhưng nếu một học sinh ngỗ nghịch, cá tính lại được hậu thuẫn bởi một đội ngũ "con cháu mình là trên hết", mâu thuẫn với giáo viên của nhà trường rất dễ xảy ra.

Cô Thanh Tâm, một tổ trưởng chuyên môn cấp THPT ở Nam Định chia sẻ về một "sai lầm" của giáo viên trong tổ khi đã phạt học sinh… đứng bảng. 

Hậu quả, cha mẹ học sinh phản ứng lên hiệu trưởng, áp lực này khiến trường phải đổi giáo viên khác dạy lớp đó. "Xem xét sự việc thì giáo viên cũng không làm gì quá.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 3.

"Trong việc này, cô giáo phải chịu thiệt thòi một chút vì sự yên ổn của trường. Nhưng giáo viên khi bị yêu cầu thay đổi sẽ rất khó khăn khi đứng lớp khác, cũng khó khăn khi giáo dục học sinh trong các tình huống tương tự.

Cô giáo này bị suy sụp tinh thần một thời gian", cô Thanh Tâm nói. Tình huống ấy sau đó đã khiến hầu hết các giáo viên khác đều rất lo ngại những vấn đề có thể bị quy kết "gây tổn thương tâm lý".

Ranh giới giữa việc rèn giũa, giáo dục học sinh và "gây tổn thương" quá mong manh, cũng không có công cụ để đo lường, giúp giáo viên yên tâm đi đúng "hành lang" được phép.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 4.

Cô trò sẽ có nhiều tiết học vui vẻ, sáng tạo nếu cô giáo không phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Chia sẻ với TTCT, một số giáo viên ở Hà Nội cũng cho biết từng đã gặp tai nạn khi áp dụng các hình thức chế tài học sinh như: chạy vài vòng trong sân trường, tập chống đẩy, lao động quét sân trường… Khi học sinh bị phạt là lập tức xuất hiện sự phản đối của phụ huynh.

Những cụm từ "thân thiện", "hạnh phúc" mà ngành giáo dục đặt ra gần đây có ý nghĩa tích cực nhằm xây dựng môi trường học tập lành mạnh, nhưng ở một số trường hợp, nó được phụ huynh dùng để phản ứng với giáo viên nhằm bênh vực con mình.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 5.

Cô Hạnh, một giáo viên chủ nhiệm lớp 10 ở quận Đống Đa, Hà Nội kể: Vào buổi kiểm tra giữa kỳ mới đây, một học sinh nữ lớp tôi vào muộn 1/3 thời gian trong giờ kiểm tra.

Em thú nhận đã chơi bài ở quán cà phê với một nhóm bạn, mải vui nên quên. Theo quy định, học sinh không làm bài kiểm tra và không có lý do chính đáng thì sẽ bị 0 điểm. Nhưng phụ huynh ngay sau đó đã đến gặp thẳng hiệu trưởng.

Hiệu trưởng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn bố trí cho học sinh kiểm tra bổ sung bằng đề dự bị nhưng không kèm theo một hình thức chế tài nào với em.

Tôi phản đối việc này không phải vì không ưa em học sinh đó mà cần phải công bằng với những học sinh khác, cần phải để em học sinh đó chịu trách nhiệm về lỗi sai của mình. Nhưng đề nghị của tôi bị từ chối chỉ vì "phụ huynh đó có nhiều ảnh hưởng, đã từng kiện trường vài lần nên.... bỏ qua cho lành".

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 6.

Ở hầu hết các trường học hiện nay, giáo viên chủ nhiệm đều lập group cha mẹ học sinh lớp mình trên các ứng dụng chat nhóm để thông tin những việc cần thiết liên quan tới học sinh. 

Nhưng nhiều khi giáo viên chủ nhiệm phải trả lời, giải thích tất cả những việc phụ huynh thắc mắc. Chậm trả lời, giáo viên sẽ được một phụ huynh nào đó tag tên rõ ràng, ghim câu hỏi yêu cầu trả lời.

"Chấm bài, soạn bài, giải quyết các loại báo cáo, kế hoạch liên quan tới quy định chuyên môn xong, giáo viên còn việc quan trọng là "tiếp cha mẹ học sinh". 

Ngoài các vấn đề được quan tâm chung, còn có những sự vụ đặc biệt liên quan tới cá nhân một số học sinh. Đôi khi học sinh có vấn đề ngoài giờ học ở trường, giáo viên cũng bị gọi" - thầy Toản, giáo viên THPT ở Hà Nội, cho biết.

Cô Quyên, một giáo viên tiểu học nói cô hầu như không có thời gian chơi với con mình hay làm những việc của gia đình, vì các học sinh nhỏ tiểu học có rất nhiều vấn đề phát sinh mà chuyện gì phụ huynh cũng gọi cho cô. Gọi chưa được, phụ huynh có thể cáu nhưng giáo viên thì không được phép như vậy.

Luôn phải gồng lên để hạn chế thấp nhất sự phàn nàn, phản ánh, nặng hơn là khiếu kiện của phụ huynh… là nỗi sợ mà nhiều giáo viên đang phải chấp nhận như "sống chung với lũ".

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 7.

Thầy Tùng Lâm, chủ tịch hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - ngôi trường từng có rất nhiều sự vụ học sinh nghịch ngợm, quậy phá - cho rằng: Kéo phụ huynh về "cùng phe" là một yếu tố quan trọng để có thể giáo dục học sinh. Khi phụ huynh ở thế "đối đầu" với thầy cô thì những đứa trẻ sẽ gặp bất lợi nhiều hơn.

Để giáo viên vượt qua được "nỗi sợ", theo thầy Lâm, hiệu trưởng phải là người hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ giáo viên. Việc bảo vệ không phải là đứng ra che chắn bênh vực giáo viên khi có sự việc, mà là xây dựng một hệ thống quy định trong nội bộ nhà trường.

"Chúng tôi tổ chức các hội nghị cha mẹ học sinh thường niên để cùng chia sẻ những vấn đề vướng mắc, khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục học sinh. Và hơn hết là để phụ huynh và thầy, cô có sự thấu cảm, đồng lòng" - thầy Lâm nói.

Trường Đinh Tiên Hoàng xây dựng hệ thống tiêu chí để học sinh tự đánh giá, tương ứng với việc cộng, trừ điểm hằng tuần. Học sinh đi muộn, quên làm bài tập, nói chuyện trong lớp… tự trừ điểm theo khung quy định và có thể chủ động làm các việc có thể cộng điểm để bù lại.

Một buổi họp phụ huynh biến thành buổi sinh hoạt chuyên đề sôi nổi bàn cách hỗ trợ học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: VĨNH HÀ

Một buổi họp phụ huynh biến thành buổi sinh hoạt chuyên đề sôi nổi bàn cách hỗ trợ học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội. Ảnh: VĨNH HÀ

Theo thầy Lâm, cách làm đó khiến học sinh vui vẻ chấp nhận mức chế tài mà không bị tâm lý tiêu cực. Những quy định như thế này cũng đã được tham vấn cha mẹ học sinh. Và điều đó giúp giáo viên giảm bớt áp lực "cần phạt học sinh nhưng sợ bị… kiện".

Ở Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), các buổi họp cha mẹ học sinh được tổ chức thành các buổi tọa đàm, hội thảo để chia sẻ, thống nhất cách giáo dục học sinh. "Nghị quyết" đề ra sau buổi họp sẽ là cơ sở để giáo viên, học sinh dựa vào thực hiện dưới sự giám sát của phụ huynh.

Nhưng việc kéo phụ huynh vào cuộc đúng cách vẫn chưa phổ biến ở nhiều nhà trường hiện nay. Nhiều người vẫn tiếp tục lạm dụng mạng xã hội để khuếch tán những vấn đề của thầy cô trong các nhà trường.

Búa rìu luôn sẵn sàng chĩa ra với người giáo viên, trong khi những sự trợ giúp, bảo vệ thì mỏng manh, lỏng lẻo. Trong hàng chục ngàn giáo viên bỏ nghề và một con số lớn hơn thế những giáo viên chán nghề, có bao nhiêu phần vì môi trường làm việc bất an, áp lực bủa vây?

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 9.

Học sinh trong giờ ra chơi tại Trưởng tiểu học Đông Ba (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh trong giờ ra chơi tại Trưởng tiểu học Đông Ba (Q.Bình Thạnh) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 11.

Bản chất của giáo dục là tạo ra sự trưởng thành của người học, chứ không phải là cung cấp dịch vụ cho người thụ hưởng. Sự trưởng thành này không thể mua được bằng tiền, mà chỉ có thể đến từ sự tham gia tích cực của chính học sinh thông qua sự hướng dẫn của thầy cô và sự hỗ trợ của gia đình.

Đầu năm học, tôi có trao đổi với giáo viên: Các thầy cô cần thông báo cho phụ huynh của lớp mình biết, nếu không phải việc khẩn cấp, giáo viên sẽ không trả lời tin nhắn sau 21h.

Sở dĩ tôi khuyên như vậy vì tôi thấy ngày nay, đặc biệt ở khối trường tư thục, giáo viên đang phải chịu áp lực quá lớn trong công việc.

Kết thúc việc trường, trở về nhà các thầy cô còn phải trả lời tin nhắn, hỏi đáp của phụ huynh. Nhiều người cho biết có khi 23h khuya vẫn có phụ huynh nhắn tin hỏi.

Như thế, giáo viên gần như không còn thời gian nghỉ ngơi. Thường xuyên phải trả lời tin nhắn, điện thoại, thường là đến tận 22h.

Việc này kéo dài hết ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe giáo viên, cả thể chất lẫn tinh thần.

Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Sau nhiều quan sát và suy ngẫm, tôi thấy nổi lên các nguyên nhân chính sau:

Đầu tiên, là do công nghệ phát triển nên việc liên lạc giữa người với người quá dễ và quá rẻ. Mỗi phụ huynh hiện giờ có thể ở trong hàng chục nhóm Zalo, Facebook… khác nhau.

Mỗi ngày họ có thể gửi hàng trăm tin nhắn miễn phí. Vì thế, nhiều người nhắn tin liên tục, theo nhu cầu và cảm xúc tức thời của mình mà không cần biết hoặc không nghĩ thêm một nấc nữa, rằng điều đó có ảnh hưởng sâu xa gì đến người khác.

Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) hào hứng khi được đi thực tế tại một công ty của Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM) hào hứng khi được đi thực tế tại một công ty của Nhật - Ảnh: DUYÊN PHAN

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 13.

Đặc biệt trong ngành giáo dục, khi cả phụ huynh và giáo viên đều có mối quan tâm chung là việc học của con trẻ, việc nhắn tin, trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên trở thành một mặc định.

Hệ quả là giáo viên liên tục bị giội bom tin nhắn sau khi đã kết thúc giờ làm việc. 

Các tin nhắn đều liên quan đến hỏi han, cập nhật việc học, việc chơi, ăn, ngủ, nghỉ… của con khi ở trường nên được phụ huynh coi là chính đáng. 

Việc trả lời những tin nhắn đó được hiểu là trách nhiệm với công việc.

Tuy nhiên, là một giáo viên, bạn sẽ phải hồi đáp hàng chục phụ huynh, việc đó quả thực rất áp lực.

Cứ thử tưởng tượng bạn có một đứa con nhưng tối nào cũng có người gửi tin nhắn hỏi xem hôm nay cháu thế nào, học ngoan không, ăn ngủ tốt không, có vấn đề gì cần nhắc nhở không… hết ngày này qua ngày khác thì bạn sẽ khủng hoảng đến mức nào.

Thứ hai, là do áp lực của dư luận mạng xã hội lên giáo viên và nhà trường quá lớn. 

Bất cứ sự cố nhỏ nào trong giáo dục cũng đều có thể lên mạng ngay lập tức, gây ra một làn sóng, tạo áp lực lên nhà trường.

Người đưa các thông tin lên mạng có thể không hình dung hết hệ quả mà nó gây ra, nên việc đăng thông tin lên mạng xã hội hay chia sẻ trong các hội nhóm, đôi khi chỉ là sự bộc phát nhằm giải tỏa bức xúc nhất thời, mà không hiểu được đó có thể là mồi lửa đốt cháy cả một cánh rừng.

Con người vốn dĩ thích các tin giật gân, tiêu cực, dễ thổi phồng nên chỉ một sự việc nhỏ, khi lên mạng xã hội, có thể trở thành một sự kiện thời sự.

Với văn hóa cảm tính của người Việt, tâm lý đám đông rất dễ bùng phát, biến các sự cố nhỏ trong giáo dục trở thành các cơn bão mạng xã hội đầy cuồng nộ, có thể nhấn chìm bất cứ người nào, tổ chức nào.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 14.

Thứ ba, là việc quản lý, giám sát của nhà trường với giáo viên ngày càng chặt chẽ, khắt khe. 

Lý do là việc áp dụng các kỹ năng quản lý doanh nghiệp vào ngành giáo dục đã trở nên phổ biến, cộng với việc ứng dụng các hệ thống thông tin, các hệ thống camera giám sát… làm cho giáo viên dù ở nhà hay ở cơ quan thì vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà trường.

Một tin nhắn của phụ huynh vào buổi tối, nếu không được giải đáp thỏa đáng, chỉ vài giờ sau rất có thể đã được phản ảnh đến hiệu trưởng.

Điều này làm cho giáo viên không dám lơ là, dù đã kết thúc giờ làm việc và về nghỉ ở nhà.

Trong vòng xoáy của áp lực dư luận và giám sát từ các cơ quan quản lý, việc giám sát của nhà trường đối với giáo viên trở thành hiển nhiên và được coi như một khâu trong quản lý rủi ro của nhà trường. Nếu là giáo viên, bạn chỉ có thể tuân thủ và không thể phản đối.

Thứ tư là quan điểm coi giáo dục là dịch vụ nên phụ huynh và học sinh tự cho mình có quyền đòi hỏi phải được phục vụ, được hưởng các chế độ chăm sóc khách hàng như với các ngành dịch vụ khác. 

Đặc biệt là ở các trường tư thục, tâm lý được phục vụ trở thành một mặc định, khi ngay trong thỏa thuận nhập học, nhiều trường ghi rõ các điều khoản về cung cấp hoặc tạm dừng dịch vụ giáo dục cho học sinh.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 15.

Với giáo viên của các trường công, do mức lương cơ bản là thấp so với mặt bằng chung của xã hội, nên phải tìm cách có thêm thu nhập, chủ yếu là dạy thêm cho chính học sinh của mình.

Vì thế, rất nhiều giáo viên đã chủ động "chăm sóc khách hàng" của mình. Điều này tạo ra một nhận thức chung rằng giáo viên phải luôn sẵn sàng chăm sóc khách hàng, cả công và tư. Ai trả tiền, người đó có quyền. Đó là mặc định của nền kinh tế thị trường.

Tất cả những điều này tạo điều kiện cho sự xuất hiện tất yếu của một lớp phụ huynh mới: Phụ huynh quyền lực. 

Ngày xưa, nhận thức chung của phụ huynh là: Trăm sự nhờ thầy. Nhưng ngày nay, với nhiều phụ huynh: Trăm sự nhờ tiền. Đây là một nỗi buồn lớn của giáo dục!

Vậy giải pháp là gì?

Tôi cho rằng, giải pháp cho vấn đề này phải xuất phát từ việc nhìn rõ bản chất của giáo dục. Đó là tạo ra sự trưởng thành của người học, chứ không phải là cung cấp dịch vụ cho người thụ hưởng. 

Sự trưởng thành này không thể mua được bằng tiền, mà chỉ có thể đến từ sự tham gia tích cực của chính học sinh thông qua sự hướng dẫn của thầy cô và sự hỗ trợ của gia đình.

Suy cho cùng, không ai có thể sống thay người khác, trưởng thành thay người khác. Dù có yêu con đến mấy, cha mẹ cũng không thể sống thay con và trưởng thành thay con.

Do đó, cha mẹ chỉ có thể hỗ trợ con trưởng thành, thông qua sự trao quyền, trao cơ hội, cho chính con mình và cho nhà trường, thông qua tiếp cận đồng kiến tạo trong giáo dục.

Khi đó sẽ không có kẻ bán và người mua dịch vụ giáo dục, cũng không còn các phụ huynh quyền lực, mà chỉ có những người đồng kiến tạo sự trưởng thành cùng con trẻ.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 16.

"Sao cô không cho con tôi làm lớp trưởng, ngồi bàn đầu, kết nạp Đội", "Cô thiếu trách nhiệm để con tôi bị trầy xước, nói tục, chửi thề"… Phụ huynh có thể chất vấn giáo viên qua tin nhắn, điện thoại, ứng dụng chat bất kể giờ giấc.

Nhiều giáo viên nói rằng họ không ngại dạy học sinh cá tính, chỉ ngại những phụ huynh đặc biệt…

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 17.

Cô Hòa, giáo viên dạy lớp 2 ở một trường tiểu học tại quận 1 (TP.HCM) kể năm ngoái lớp cô chủ nhiệm có một phụ huynh đặc biệt. Sau khi lớp tham quan các di tích lịch sử của quận bằng xe buýt, buổi tối cô Hòa nhận được tin nhắn của phụ huynh phàn nàn chuyện hôm nay cô giáo không cho bé K. ngồi sau lưng tài xế nên cháu bị ói.

Cô Hòa giải thích cô không sắp xếp chỗ ngồi trên xe mà các cháu tự chọn chỗ ngồi. Bé K. có xin lên ngồi sau lưng tài xế nhưng lúc đó xe đã chạy, chỗ ngồi đó cũng không còn trống nên cô không cho các cháu di chuyển, tránh gây nguy hiểm.

Lượt về, cô sắp xếp cho bốn học sinh bị ói ngồi ghế trước xe nhưng các cháu (bao gồm bé K.) vẫn bị ói. Phụ huynh đề nghị cô Hòa phải rút kinh nghiệm vì trước khi đi dã ngoại không tìm hiểu xem cháu nào hay bị ói để xếp chỗ ngồi phía trên.

Lát sau, phụ huynh này nhắn trong nhóm chung của cả lớp hỏi tiếp tại sao bé K. toàn phải ngồi bàn cuối lớp trong khi cô đã đổi chỗ ngồi cho cả lớp nhiều lần. Người mẹ khăng khăng cho biết mình phải nhắn trong nhóm phụ huynh để mọi người cùng nắm sự việc.

Cô giáo giải thích bé K. cao nhất lớp, để bé ngồi bàn trước thì các bạn sau sẽ không nhìn thấy bảng. Vị phụ huynh "đặc biệt" này, vào đầu năm học đã đến gặp cô Hòa đề nghị cho con mình làm lớp trưởng, được ngồi bàn đầu, đứng đầu hàng để cô giáo dắt tay trong lễ khai giảng.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 18.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Hải Châu (Đà Nẵng) chia sẻ có trường hợp một học sinh bị cô giáo nhắc nhở nhiều lần vì quên đem vở bài tập.

Giáo viên chủ nhiệm nhắn tin nhờ phụ huynh quan tâm, kiểm tra sách vở cho con trước khi đi học. Kết quả là ba của cậu bé đến trường đòi "xử lý" cô giáo chủ nhiệm. Sau khi tìm hiểu, nhà trường mới biết cha mẹ của cậu bé đang ly thân, em phải đi qua lại nơi ở của cha và mẹ nên hay quên sách vở.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 19.

Cô Trần Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 3 ở một trường tiểu học quận trung tâm TP Đà Nẵng, kể phụ huynh quá quan tâm đến con cũng tạo áp lực cho giáo viên. Mỗi năm, các lớp 3 sẽ có hai đợt chọn học sinh kết nạp Đội.

Năm ngoái, cô Lan xây dựng tiêu chí bầu chọn và hướng dẫn cho học sinh cả lớp bỏ phiếu để chọn ra 15 bạn kết nạp Đội trong đợt đầu.

Buổi tối, cô bất ngờ nhận nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn của phụ huynh chất vấn vì sao con của họ không được chọn kết nạp Đội trong đợt đầu tiên của năm học.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 20.

Lớp cô giáo Liên ở một trường THCS tại Vĩnh Long có nhóm Zalo để cô thông báo thời khóa biểu hoặc thông tin cần thiết đến phụ huynh. 

Cô Liên cài chế độ chỉ có trưởng, phó nhóm mới được nhắn tin để chống trôi những thông tin quan trọng, phụ huynh có thắc mắc thì nhắn tin, gọi điện thoại hỏi riêng cô.

Vậy là mỗi tối cô Liên phải "trực" điện thoại để nhận máy và trả lời tin nhắn của phụ huynh. 

Có khi trả lời tin nhắn trễ 10 phút là phụ huynh gọi điện thoại phàn nàn, có hôm đến giờ đi ngủ cô vẫn phải nhận cuộc gọi của phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường tiểu học Hồng Quang (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), lại bị áp lực bởi sự thờ ơ của phụ huynh với việc học hành của con em.

Đó là những người làm cha mẹ nhưng không nhắn tin hỏi về việc học hành của con, song sẽ lao đến trường hạch hỏi giáo viên nếu con mình có vết xước chân tay do đùa nghịch ở trường.

Cô và nhiều giáo viên ở trường vì thế thường trực cảm nhận sự căng thẳng và không tránh khỏi cảm giác ngần ngại khi muốn trao đổi với các phụ huynh này về việc học hành hay các vấn đề khác của học sinh.

Cô giáo Ngọc Ninh, một giáo viên cấp III ở Vĩnh Long, cực chẳng đã phải nhờ đến học sinh của mình để "nói chuyện" với một phụ huynh học sinh khác.

Em học sinh nói tục, chửi thề nhiều lần trong lớp, cô Ninh nhắc nhở và yêu cầu em viết kiểm điểm. 19h30, cô Ninh nhận điện thoại của phụ huynh.

Vị phụ huynh khẳng định con mình bị oan vì em ở nhà rất ngoan, hiền và không bao giờ nói tục, cho rằng giáo viên đã gán cho em những sai phạm mà em không thực hiện. Bất chấp mọi lời giải thích, vị phụ huynh vẫn không tin.

Cuối cùng, cô giáo đành mời phụ huynh đến trường, nhờ lớp trưởng và lớp phó trật tự đã chứng kiến học sinh nói tục, đem sổ ghi chép việc em học sinh kia nói tục trong lớp vào các ngày thứ hai, ba, sáu và thứ bảy trong tuần cho phụ huynh xem, mọi chuyện mới ngã ngũ và dịu đi.

Cũng gặp trường hợp tương tự nhưng thầy Nghĩa, một giáo viên cấp III ở Cần Thơ, sau khi trình bày hết chứng cứ vi phạm của học sinh thì bị phụ huynh hỏi ngược:

Thầy và nhà trường dạy con tôi kiểu gì mà cháu lại nói tục, chửi thề!? Có phải thầy thiếu trách nhiệm, nhà trường giáo dục không nghiêm, nhiều học sinh nói bậy nên con tôi mới học theo (?!).

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 21.

Theo ThS tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, hiện nay có khá nhiều phụ huynh đặc biệt. Họ không chỉ quan tâm đến con một cách thái quá mà còn can thiệp sâu vào các hoạt động của lớp, của trường.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 22.

ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh khuyên các giáo viên nên từ chối tham gia các nhóm Zalo, Viber… của phụ huynh học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm chỉ kết nối với ban đại diện cha mẹ học sinh để thông báo những tin cần thiết rồi ban đại diện sẽ thông báo cho các phụ huynh còn lại.

"Khi phụ huynh nóng giận, giáo viên nên tìm cách dừng câu chuyện (kể cả tin nhắn, điện thoại hay trao đổi trực tiếp), không nên cố gắng giải thích.

Vì phụ huynh nóng giận sẽ dễ nói những lời gây tổn thương thầy cô giáo. Nói chuyện trong hoàn cảnh như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề", ThS giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh nói.

Dù có nhiều lời khuyên khác nhau, với những cách ứng xử khác nhau nhưng các chuyên gia tư vấn giáo dục gặp nhau ở một điểm: họ cho rằng các trường cần có hệ thống hỗ trợ giáo viên. Trong đó, ban giám hiệu trường phải là nơi "đứng mũi chịu sào".

Mỗi trường cần có đường dây nóng tiếp nhận các phản ảnh của phụ huynh, lãnh đạo trường có lịch tiếp phụ huynh và giải quyết sớm các phàn nàn, chất vấn của phụ huynh. Việc này nhằm tạo cho giáo viên tâm lý ổn định, tin cậy và an tâm dạy dỗ học trò.

Quyền lực của phụ huynh và nỗi sợ của người thầy - Ảnh 23.

VĨNH HÀ - GIÁP VĂN DƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG - ĐOÀN NHẠN - LAN NGỌC
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp