Twitter và Facebook khóa tài khoản của ông Trump vì cho rằng tổng thống Mỹ kích động bạo lực. Sau đó, Apple, Google và Amazon đồng loạt đình chỉ Parler, ứng dụng mạng xã hội với những người ủng hộ ông Trump.
Sự kiện này gây tranh cãi với hai luồng ý kiến khác nhau. Người ủng hộ cho rằng đó là hành động cần thiết để ngăn chặn kích động bạo lực, người phản đối khẳng định nó chẳng khác nào "bịt miệng" tự do ngôn luận.
Nhưng có một vấn đề phần lớn đều đồng ý: quyền lực ngày càng lớn của Big Tech nhưng không được kiểm soát. Câu hỏi đặt ra là: nếu tổng thống Mỹ, người quyền lực nhất hành tinh, bị Big Tech trừng phạt, thì ai trừng phạt Big Tech nếu nền tảng của họ chứa những nội dung phi pháp, gây thù hận và chia rẽ...?
Trong nhiều năm qua, Big Tech đã được trao "tấm khiên" khỏi trách nhiệm pháp lý với những điều mà bên thứ ba nói hoặc làm trên các nền tảng này. Tấm khiên pháp lý này là Mục 230 trong Đạo luật điều tiết truyền thông, ra đời cách đây 25 năm để bảo vệ các nền tảng Internet.
Tấm khiên này đã giúp Internet phát triển nhưng đồng thời nó cũng khiến quyền lực của những gã khổng lồ ngày càng lớn, dẫn đến các hành vi thao túng và độc quyền, gây tác hại đến người dùng và xã hội.
Nói đơn giản là các nền tảng Internet thích sử dụng khiên để bảo vệ mình và phần lớn không dùng tới kiếm để điều tiết nội dung xấu mà người dùng đưa lên.
Trong một phát biểu đầu năm 2019, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã cảnh báo các công ty công nghệ lớn ngày nay có quá nhiều quyền lực - đối với nền kinh tế, xã hội và nền dân chủ của nước Mỹ.
Họ đã tăng cường sự cạnh tranh, sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để thu lợi và nghiêng sân chơi chống lại những người khác. Và trong quá trình này, họ đã làm tổn thương các doanh nghiệp nhỏ và kìm hãm sự đổi mới. Thực trạng này không chỉ ở Mỹ mà khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nhưng "vận may" của Big Tech có thể không còn được duy trì trong thời gian tới. Sau khi được Washington để mặc cho hoạt động tự do trong 2 thập niên, Big Tech đang trong tầm ngắm của Quốc hội Mỹ, các cơ quan quản lý liên bang, các cơ quan chức năng châu Âu và nhiều nước khác.
Gần nhất, tháng 12 năm ngoái, 46 bang cùng thủ đô Washington và vùng lãnh thổ Guam, kiện Facebook với cáo buộc vi phạm quy định về chống độc quyền.
Liên minh châu Âu (EU) cũng đã giới thiệu 2 dự luật hướng tới giải quyết hiệu quả nạn tung tin giả và phát ngôn thù địch trên mạng, cũng như ngăn cản các ông lớn công nghệ bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, tiêu diệt cạnh tranh lành mạnh.
Theo dự luật dịch vụ số (DSA) và dự luật thị trường số (DMA) của EU, Facebook, Google có thể bị phạt khoản tiền khủng, thậm chí bị buộc chia nhỏ công ty nếu sai phạm.
Những dự luật như trên của EU là cần thiết để kiểm soát "quyền lực quá lớn" của các ông lớn công nghệ.
Những quốc gia khác, gồm Việt Nam, cũng sẽ hình thành hành lang pháp lý đủ sức chế tài, răn đe để Big Tech không thể mãi được đặc quyền: vừa múa kiếm (ngăn chặn các nội dung họ thấy không phù hợp), vừa che khiên (để tránh bị kiện với những nội dung phi pháp đăng trên nền tảng của họ).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận