Nghị định số 143/2024 của Chính phủ quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động vừa được ban hành, bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2025.
Đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được lợi gì?
Theo nghị định, người được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện gồm: suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên và tai nạn không xuất phát từ việc tự hủy hoại sức khỏe, sử dụng chất cấm/gây nghiện, mâu thuẫn ngoài công việc/nhiệm vụ…
Trợ cấp khi suy giảm khả năng lao động từ 5% - 100% dựa trên mức lương tối thiểu vùng IV (từ ngày 1-7-2024 là 3,45 triệu đồng).
Người bị suy giảm 5% khả năng lao động nhận trợ cấp bằng 3 lần lương tối thiểu vùng IV, tức 10,35 triệu đồng. Sau đó, mỗi 1% suy giảm thêm nhận 0,3 lần mức lương tối thiểu vùng IV, tức 1,035 triệu đồng.
Người lao động còn được trợ cấp bổ sung dựa trên số năm đã tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Nếu đóng bảo hiểm từ một năm trở xuống, trợ cấp sẽ là 0,5 lần lương tối thiểu vùng IV, tức 1,725 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi, cứ thêm một năm, tính thêm 0,3 lần lương tối thiểu vùng IV. Nếu đóng không liên tục, thời gian sẽ được cộng dồn và tính toán khi có đủ 12 tháng.
Nếu tử vong, thân nhân nhận trợ cấp một lần bằng 31,5 lần lương tối thiểu vùng IV, tức khoảng 108 triệu đồng. Thời điểm hưởng trợ cấp là tháng người lao động qua đời.
Nghị định nêu rõ mức đóng 6 tháng bằng 6% lương tối thiểu vùng IV, tức 207.000 đồng. Còn mức đóng 12 tháng bằng 12% lương tối thiểu vùng IV, tức 414.000 đồng.
Căn cứ chuẩn nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn, người lao động được hỗ trợ 30% nếu thuộc hộ nghèo. 25% khi thuộc hộ cận nghèo và 10% cho đối tượng khác.
Hỗ trợ ngay cho lao động khi bị tai nạn
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay chính sách trên hướng tới mục tiêu bảo vệ cho tất cả người lao động. Bởi khi tai nạn, người lao động cần được chữa trị, hỗ trợ kịp thời, giảm bớt khó khăn.
Thời gian tới cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông để lao động tự do hiểu, tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Vị lãnh đạo này cũng cho hay Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm giúp nhiều người được lưới an sinh bảo vệ.
Khi nghiên cứu trình Chính phủ, các chuyên gia tính toán mức đóng không cao, phù hợp đại đa số người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, bên cạnh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng giảm, một số nơi vẫn còn tai nạn lao động chết nhiều người.
Trong đó có Đồng Nai (30 người), TP.HCM (26 người), Hà Nội (22 người), Quảng Ninh (18 người), Hải Phòng (12 người).
Nguyên nhân là nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh nên việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức.
Nhận thức của doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế, kỷ luật chưa nghiêm. Nguồn lực cho an toàn, vệ sinh lao động chưa được bố trí tương xứng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận