Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: TTXVN |
Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn. Bị can có quyền im lặng cho đến khi luật sư xuất hiện. Phải để cho luật sư vào ngay từ đầu để nắm rõ sự việc, bảo vệ thân chủ |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày 23-9, tại cuộc thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật tổ chức tòa án (sửa đổi), Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan điều tra không muốn sửa luật theo hướng quy định quyền im lặng của bị can, người bị tạm giữ.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị thể hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp vào dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi), trong đó có nguyên tắc tranh tụng bình đẳng và việc đảm bảo các quyền của bị can, bị cáo.
Bình đẳng từ chỗ ngồi
Mở đầu cuộc thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra hàng loạt vấn đề: “Tôi thấy bị can, người bị tạm giữ có quyền giữ im lặng cho đến khi luật sư của họ xuất hiện.
Như vậy để tránh tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Luật của ta đã quy định như vậy chưa? Tôi muốn hỏi khi chưa đảm bảo điều kiện tranh tụng, quyền của bị cáo tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa chưa được đảm bảo thì phiên tòa có mở không?”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đã tranh tụng thì phải bình đẳng, bên luận tội và bên gỡ tội phải bình đẳng trước tòa, bình đẳng từ cái chỗ ngồi chứ không nên để ông ngồi trên cao ông ngồi dưới thấp.
“Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Đây là nguyên tắc cần được bảo đảm, dự luật này đảm bảo chưa? Nếu phát hiện có sự chỉ đạo thì các đồng chí giải quyết thế nào? Vừa rồi TAND TP Hà Nội yêu cầu các tòa án cấp dưới trước khi xét xử phải báo cáo lên. Như vậy là vi phạm rất nặng nề quyền xét xử độc lập".
Tôi cho rằng đã vi phạm nguyên tắc này thì tòa không thể bảo vệ công lý, không thể xét xử công bằng được” - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ. Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phúc đáp rằng sẽ kiến nghị để có cơ chế pháp luật đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử.
“Tuy nhiên có cả nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xét xử thì chúng tôi cũng phải đảm bảo nguyên tắc này. Về việc tòa Hà Nội yêu cầu phải báo cáo trước khi xét xử, chúng tôi đang kiểm tra để xử lý, nhưng chánh án TAND TP Hà Nội cũng đã rút quyết định này rồi” - ông Bình cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý bình luận: “Tòa án xét xử mà không độc lập, mà chịu sự chỉ đạo nào đấy thì gọi là án bỏ túi”.
Quyền rất lớn nhưng ý kiến rất khác nhau
Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định tòa hoàn toàn có quyền dừng phiên tòa khi kiểm tra thấy các điều kiện cho xét xử không đảm bảo.
“Về quyền im lặng, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Nhưng ở ta còn ý kiến khác nhau, cơ quan điều tra thì không muốn áp dụng quyền này, nhưng luật sư thì đề nghị áp dụng. Đây là quyền rất lớn nhưng ý kiến rất khác nhau, chúng tôi chưa dám đưa vào vì ý kiến xung đột nhau quá” - ông Bình lý giải.
Theo ông, hiện nay tòa án đang thiết kế theo mô hình thẩm vấn là chính chứ không phải mô hình tranh tụng như nhiều nước khác.
“Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta sao lại bảo là muốn hay không muốn. Bị can có quyền im lặng cho đến khi luật sư xuất hiện. Phải để cho luật sư vào ngay từ đầu để nắm rõ sự việc, bảo vệ thân chủ. Tối cao của chúng ta là công lý và trước công lý thì mọi người bình đẳng. Bị can, bị cáo khi chưa bị buộc tội người ta có quyền bảo vệ mình, có quyền nhờ luật sư bào chữa trước tòa” - Chủ tịch Quốc hội gay gắt.
Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định vào dự thảo luật, khẳng định quyền của bị can, bị cáo, quyền của luật sư, đảm bảo tranh tụng bình đẳng tại tòa. “Nếu các đồng chí không viết như vậy là vi hiến” - ông nói.
Tòa có quyền điều tra
Nhiều ý kiến đồng tình với quy định trao cho tòa án một số quyền điều tra trong quá trình xét xử. Theo ông Trương Hòa Bình, có một số vụ án khi tòa án tiếp cận hồ sơ thì thấy có dấu hiệu tội phạm nhưng không đủ căn cứ buộc tội nên yêu cầu cơ quan điều tra điều tra lại, nhưng kết quả điều tra lại không đáp ứng được yêu cầu của tòa.
“Trong trường hợp này nếu căn cứ theo Hiến pháp thì phải tuyên người ta vô tội, mà nếu tuyên vô tội thì nảy sinh vấn đề bồi thường oan sai là vấn đề rất phức tạp” - ông Bình nói. Vì vậy, tòa án cần được trao thẩm quyền điều tra để làm rõ những vấn đề cần thiết trong quá trình xét xử vụ án.
Tuy nhiên, tòa được điều tra từ giai đoạn nào của vụ án là vấn đề còn băn khoăn. Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu để tòa án tham gia ngay từ đầu vụ án sẽ không đảm bảo tính độc lập của các cơ quan tham gia tố tụng.
“Tôi cho rằng với những vụ án khi đưa ra xét xử tòa thấy cần điều tra bổ sung mà không cần sự tham gia của viện kiểm sát, cơ quan điều tra nữa tòa có thể điều tra, thu thập chứng cứ bổ sung phục vụ phiên xét xử” - viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng ý để tòa “nhảy” vào từ giai đoạn khởi tố điều tra, nhưng ông lại cho rằng tòa có quyền điều tra từ khi tiếp nhận hồ sơ chứ không đợi đến khi đem ra xét xử.
“Nếu khi tòa nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ ấy mà phát hiện cơ quan điều tra, viện kiểm sát có vấn đề tòa phải có quyền điều tra để làm rõ, nếu không tòa lấy căn cứ nào để phán là hai ông kia có vấn đề?” - Chủ tịch Quốc hội nói. Dẫn chứng vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cả cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đều có lỗi. Việc điều tra viên dùng nhục hình đã được khẳng định.
“Đến lúc ra tòa người ta đưa ra bằng chứng ngoại phạm, là khi xảy ra vụ án tôi đang làm việc khác ở chỗ khác, sao không điều tra xác minh để làm rõ mà vẫn cứ kết tội người ta?” - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận