Xung đột lợi ích giữa người có nhà mặt tiền và người dừng đậu xe trước vỉa hè, lòng đường đang diễn ra ở nhiều đô thị. Đây không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là chuyện lâu dài và có liên quan đến quy hoạch đô thị.
Hai cô gái dán băng dính, tạt bột sắn dây lên xe sang vì xe đậu trước cửa hàng. Chiếc ô tô bị xịt sơn loang lổ trên thân xe ở TP Hải Phòng, muôn kiểu "xí phần" lòng đường để cản trở đậu xe ở Đà Nẵng... Bạn nghĩ sao khi đọc những thông tin tương tự?
Theo quan điểm pháp lý thì người đậu xe có thể đậu xe ở nơi nào không có biển cấm đỗ, đậu ô tô. Nhưng đồng thời người chủ nhà, chủ cửa hàng kinh doanh cũng có quyền đi ra đi vào lô đất hoặc ngôi nhà của mình bởi vì lối tiếp cận lô đất là quyền cơ bản khi một người đã sở hữu lô đất đó. Cả hai quyền này đều phải được đảm bảo.
Tuy nhiên, từ góc độ quy hoạch đô thị, những câu chuyện về mâu thuẫn giữa người trong nhà và người đi ô tô dừng đậu trước cửa đã gợi lên những câu hỏi quan trọng về tính đúng đắn của quy hoạch phân lô, về quy hoạch giao thông (bao gồm giao thông tĩnh và giao thông động) và quy hoạch khu ở nói chung.
Cách quy hoạch phân lô hiện thời với lô đất hẹp (bề rộng từ 4-5m, diện tích trên dưới 100m2) không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng thẩm mỹ đô thị (chỉ có một lối kiến trúc là nhà ống), mà còn gây nên một hệ lụy là vấn đề xung đột về quyền đậu xe.
Nếu lô đất rộng 8 - 10m, chiều sâu nhà có thể từ 10 - 12m thì dù diện tích một lô đất hầu như không đổi nhưng dễ thiết kế nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Nhưng nếu cần chỗ dừng đậu cho nhiều ô tô hơn thì sao? Câu trả lời quay về cách khu hoạch sử dụng đất đô thị nói chung và quy hoạch khu ở nói riêng.
Khu ở (hay gọi đúng hơn là khu lân bang láng giềng) là một khái niệm cốt lõi nhưng luôn tranh cãi trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Một yếu tố cốt lõi không thể thiếu của khu ở đó là phải có đa dạng loại sử dụng đất (trong đó có bãi đậu ô tô và xe máy) và đa dạng nhà ở (chứ không phải toàn nhà lô phố). Nếu điều đó đảm bảo thì khu ở sẽ đảm nhiệm tốt nhiệm vụ dành cho đậu xe.
Ta có thể hình dung thành phố với các khu vực đậu xe có mật độ bãi đậu nhiều hay ít tùy thuộc theo cường độ hoạt động của đô thị. Các thành phố lớn còn cần thiết lập các khu vực hạn chế và khu vực không được phép đậu xe.
Thử hình dung một chiếc ô tô đậu trước nhà mặt tiền 5m với lòng đường 5,5m chẳng hạn có thể là vật cản giao thông nghiêm trọng. Với những khu vực này nên chỉ định là các khu vực tuyệt đối không đậu xe.
Nên hình thành các khu vực được phép dừng xe trong thời gian giới hạn, ví dụ dừng xe không quá 20 - 30 phút. Nếu quá thời gian trên sẽ có nhân viên công lực đến dán thẻ phạt. Điều này mới nghe qua có vẻ quá nghiêm khắc, tuy nhiên một số nơi đã thực hiện được như trong khu phố cổ Hội An ở Quảng Nam (cấm ô tô trên một số tuyến đường chính của phố cổ như đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học...).
Chuyện tưởng chừng như chỉ dừng lại ở ý thức của chủ cửa hàng và chủ phương tiện hóa ra là vấn đề căn bản của quy hoạch đô thị.
Ba đề xuất cho chuyện đậu xe
Thứ nhất, đối với các khu vực quy hoạch mới, cần quy hoạch thành các khu lân bang láng giềng hoàn chỉnh. Đó là các khu ở có đa dạng các loại nhà ở (nhà chung cư, nhà mặt phố, nhà biệt thự...).
Thứ hai, trong các khu trung tâm đô thị hiện hữu, cần phải nghiêm khắc và hạn chế hơn với chuyện đậu xe. Các giải pháp có thể xem xét là hình thành các khu vực không được phép đỗ xe, các khu vực chỉ được dừng đỗ xe trong thời gian giới hạn (chẳng hạn từ 20 đến 30 phút), các khu vực đỗ xe dù ở lòng đường cũng có thu phí.
Thứ ba, tăng cường các phương thức vận tải công cộng như xe buýt (nhỏ), mạng lưới đường đi xe đạp và không gian đi bộ để giảm bớt nhu cầu đi lại bằng ô tô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận