18/02/2014 11:59 GMT+7

Quyền bắt giữ lãnh đạo nước khác

ĐÔNG PHƯƠNG tổng hợp
ĐÔNG PHƯƠNG tổng hợp

TT - Cuối cùng thì tòa án Tây Ban Nha cũng sẽ phải hủy bỏ lệnh bắt giữ cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, cựu thủ tướng Lý Bằng cùng ba cựu quan chức cấp cao khác của Trung Quốc, vì hôm 11-2 hạ viện nước này đã thông qua dự luật hạn chế quyền “tài phán phổ quát” sau khi gặp những tranh cãi gay gắt về ngoại giao.

AFP đưa tin ông Thubten Wangchen, một nhà sư người Tây Tạng mang quốc tịch Tây Ban Nha - là một trong những người đứng đơn - đã tố cáo các quan chức nói trên phạm tội đối với người Tây Tạng và Tây Ban Nha đã sử dụng quyền tài phán phổ quát để đòi bắt giữ xét xử những người này, nếu họ đến Tây Ban Nha hoặc các nước ký hiệp ước tương trợ tư pháp với Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, ngày 11-2, theo dự luật mới được thông qua thì tòa án chỉ được phép khởi tố các nghi phạm nhân quyền là người mang quốc tịch Tây Ban Nha, người nước ngoài đang sinh sống tại Tây Ban Nha, hoặc người nước ngoài đang sống tại quốc gia này và bị giới chức Tây Ban Nha từ chối dẫn độ mà thôi.

Nhiều cựu lãnh đạo đã bị truy tố

Tây Ban Nha là nước đi đầu trong việc áp dụng quyền tài phán phổ quát khi đưa quyền này vào luật quốc gia năm 1985. Vụ án nổi tiếng nhất là việc thẩm phán Tây Ban Nha Baltasar Garzón ra lệnh bắt cựu lãnh đạo Chile.

Năm 1998, nhà độc tài Pinochet đến Anh điều trị. Ông bị bắt giữ và giam lỏng tại London theo lệnh truy nã quốc tế của Tây Ban Nha với tội danh tra tấn công dân, ám sát nhà ngoại giao Tây Ban Nha Carmelo Soria... Sau 16 tháng tranh cãi pháp lý, năm 1999 Anh trao trả Pinochet cho Chính phủ Chile. Nhà độc tài này bị tòa án Chile truy tố hình sự nhưng chết trước khi bị kết án. Các chuyên gia cho biết tuy Pinochet không bị tòa án Tây Ban Nha xét xử nhưng tòa này đã góp phần tạo áp lực với tòa án Chile nhằm tước quyền miễn tố của Pinochet.

Năm 2003, Tây Ban Nha áp dụng thành công quyền tài phán phổ quát để dẫn độ thiếu tá hải quân Argentina Ricardo Miguel Cavallo từ Mexico về Tây Ban Nha với tội danh diệt chủng và khủng bố (trong thời gian ông này tại chức tại Argentina). Đây là lần đầu tiên một người bị dẫn độ từ nước này sang nước khác do phạm các tội ác liên quan đến quyền con người ở một nước thứ ba.

Năm 2001, cựu thủ tướng Israel Ariel Sharon cũng vướng phải một vụ án tương tự tại Bỉ khi thân nhân của 21 nạn nhân còn sống sót trong trận tàn sát tại Shabra và Shatila (Libăng) năm 1982 đâm đơn tố cáo ông này phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng. Tương tự, cựu tổng thống Mỹ George

W. Bush, cựu phó tổng thống Dick Cheney và cựu ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell cũng nằm trong danh sách bị cáo của tòa án Bỉ. Tuy nhiên dưới áp lực ngoại giao, năm 2002 tòa án Bỉ không thụ lý vụ án vì luật sửa đổi sau đó chỉ cho phép xử các vụ án có liên quan đến công dân Bỉ.

Tính khả thi bị giới hạn

Theo New York Times, tài phán phổ quát là một quyền rất quan trọng nhưng lại bị giới hạn ở tính khả thi bởi việc mở rộng phạm vi áp dụng có thể gây ra xung đột ngoại giao giữa các nước.

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất căng thẳng ngoại giao với Tây Ban Nha. Các bức điện ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ năm 2010 cho thấy Washington đã gây sức ép buộc Madrid phải hủy bỏ các quyết định khởi tố liên quan đến chiến tranh Iraq, nhà tù Guantanamo và Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Trước đó, chính quyền Chile cũng ra lệnh rút đại sứ nước này tại Madrid về nước trong một thời gian để phản đối lệnh bắt Pinochet.

Chính Madrid cũng đang vướng phải những rắc rối tương tự. Tòa án Argentina đang xem xét việc chính quyền của cựu độc tài Tây Ban Nha Francisco Franco bị cáo buộc gây ra tội ác chiến tranh. Sự việc khiến giới chức Tây Ban Nha phản đối kịch liệt.

VN cũng có quyền tài phán phổ quát

Quyền tài phán phổ quát cho phép tòa án một quốc gia truy tố, xét xử thủ phạm mà không đòi hỏi quốc gia đó phải có mối liên hệ với nơi xảy ra tội phạm, quốc tịch của kẻ phạm tội, quốc tịch của nạn nhân hoặc bất cứ mối liên hệ nào với lợi ích của quốc gia đó. Thông thường việc sử dụng quyền tài phán phổ quát chỉ áp dụng cho một số hành vi tàn ác như tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tra tấn, hành quyết ngoài vòng pháp luật...

Trong số những nước đã chuyển hóa các điều ước quốc tế vào nội luật, Bỉ và Tây Ban Nha là hai quốc gia đi đầu.

Các nước khác như Anh, Phần Lan, Hà Lan, Úc, Thụy Sĩ, Mỹ, Đức... cũng áp dụng quyền tài phán phổ quát. Tuy nhiên, mức độ áp dụng quyền này còn tùy thuộc từng quốc gia.

Bộ luật hình sự VN quy định người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự VN trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà VN ký kết hoặc tham gia. Trong số các hiệp ước trên, quyền tài phán phổ quát được thể hiện rõ nhất đối với tội cướp biển.

ĐÔNG PHƯƠNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp