19/02/2020 09:07 GMT+7

'Quý vị không nên bày trò cười về một căn bệnh, một virus…'

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Đây là một câu trích trong thư vận động phản đối đài truyền hình thương mại lâu đời nhất có phạm vi phủ sóng toàn Hà Lan là đài Radio 10, sau những lời lẽ kỳ thị về dịch COVID-19.

Quý vị không nên bày trò cười về một căn bệnh, một virus… - Ảnh 1.

Cầu thủ hai đội Barcelona và Getafe đã ra sân cùng với các bé đến từ câu lạc bộ những người hâm mộ Barcelona của Trung Quốc. Họ cùng mặc áo in dòng chữ “Stronger together” - Ảnh: Reuters

Nỗi sợ virus corona chủng mới (COVID-19) đã thổi lửa cho tâm lý kỳ thị này trên toàn thế giới, thậm chí ngay chính tại Trung Quốc. 

Theo Hãng tin AP, đã có các nhà hàng từ Rome, Hong Kong, Tokyo đến Seoul đều treo biển cấm khách Trung Quốc. Nhiều người Indonesia còn tuần hành tới gần một khách sạn ở địa phương, yêu cầu du khách Trung Quốc ở đó phải rời đi. Báo chí của Pháp và Úc đối mặt với dư luận chỉ trích khi đăng những tít bài thể hiện rõ sự kỳ thị chủng tộc.

Tại châu Mỹ, ngay từ khi Canada mới chỉ ghi nhận 3 ca nhiễm COVID-19, tâm lý kỳ thị người châu Á đã bùng lên. Theo Hãng tin Reuters, hơn 9.000 người tại một địa phương của nước này đã ký đơn kiến nghị yêu cầu ban giám hiệu trường học ở địa phương không được cho những học sinh trong các gia đình từ Trung Quốc trở về tới lớp.

Trong khi đó ở châu Âu, theo báo Irish Times, ngay Bộ trưởng y tế Hà Lan Bruno Bruins mới đây cũng đã thừa nhận ông "thực sự sốc" trước mức độ phân biệt chủng tộc, kỳ thị người châu Á trong cách cộng đồng Hà Lan phản ứng với dịch bệnh COVID-19. Ông Bruno Bruins cũng nói chính phủ chưa có kế hoạch đóng cửa các địa danh du lịch nổi tiếng ở Amsterdam với du khách Trung Quốc theo như đề nghị của Đảng Tự do cực hữu của ông Geert Wilders.

Vụ việc bê bối nhất ở Hà Lan là chuyện đài truyền hình thương mại lâu đời nhất có phạm vi phủ sóng toàn quốc của nước này là Radio 10 đã phát một bài nhạc chế về COVID-19, trong đó lồng thông điệp cảnh báo các thính giả nên tránh đồ ăn Trung Quốc vì chúng có thể gieo rắc mầm bệnh. 

Bài hát có những đoạn như: "Chúng ta không cần loại virus đó ở nước mình; nó được những người Trung Quốc này gây ra" và "nó sẽ sớm có trong cơm chiên, đừng ăn đồ ăn Trung Quốc". 

Đài Radio 10 sau đó đã phải xin lỗi vì phát sóng bài hát này và cũng đã gỡ bỏ video khỏi các kênh online của họ.

Cộng đồng Trung Quốc ở Hà Lan chỉ có khoảng 100.000 người nhưng đã có tới 57 tổ chức của người Trung Quốc phát tuyên bố chung lên án bài hát của đài Radio 10 là phân biệt chủng tộc. Họ cũng tổ chức chiến dịch kiến nghị tập thể mang tên "Chúng tôi không phải là virus" trên mạng để phản đối. 

Chỉ trong vòng 24 giờ sau phát động, đơn kiến nghị tập thể đã thu được 29.000 chữ ký và một ngày sau đó tăng lên hơn 50.000 chữ ký. 

"Quý vị không nên bày trò cười về một căn bệnh, một virus. Chúng ta có nên cười với một bài hát về bệnh ung thư không", thư vận động chỉ trích.

Chung nỗi muộn phiền vì bị kỳ thị, tại đảo Jeju của Hàn Quốc, cô sinh viên 22 tuổi Iris Yao, người vùng Chu San, Chiết Giang, Trung Quốc, chia sẻ với báo New York Times về kỳ nghỉ đáng lẽ rất tuyệt vời của cô ở Jeju trước khi trở lại trường đại học ở Sydney (Úc) đã hóa thành kỷ niệm thật buồn. 

Vẫn là biển xanh, cát trắng nhưng lúc này, giữa mùa dịch COVID-19, không khí chào đón ấm áp một thời của người dân địa phương đã biến thành lạnh lẽo, xa lạ. Một số nhà hàng trên đảo đã cấm khách là công dân Trung Quốc. Thậm chí nhiều nhân viên trong các nhà hàng còn yêu cầu Iris Yao đừng nói tiếng Quan Thoại vì họ sợ những thực khách khác sẽ bỏ chạy hết.

Tâm lý kỳ thị này còn nở rộ trên các trang web của Hàn Quốc với tràn ngập những ý kiến kêu gọi chính phủ nên ngăn chặn hoặc trục xuất người Trung Quốc, nhiều bình luận chê bai thói quen ăn uống, vệ sinh của người Trung Quốc. 

Hơn 65.000 người Hàn Quốc đã ký đơn kiến nghị tập thể online, gửi tới Nhà Xanh, yêu cầu chính phủ ban hành lệnh cấm tạm thời với du khách Trung Quốc. 

Điều trớ trêu khi theo trang Asia News Network, một số người Hàn Quốc sống ở nước ngoài cũng phàn nàn về việc họ bị "kỳ thị lây" trong dịch COVID-19 chỉ vì là người gốc Á.

Tại Nhật Bản, mã chủ đề #ChineseDon’tComeToJapan (người Trung Quốc đừng tới Nhật) cũng trở thành xu hướng nổi bật gần đây trên mạng xã hội Twitter Nhật Bản. 

Buồn nhất là ngay tại chính Trung Quốc, theo báo New York Times, người dân sở tại cũng sẽ né thật xa những người nói thổ ngữ vùng Hồ Bắc, tỉnh tâm dịch, nếu đi trên các phương tiện giao thông công cộng. Họ cũng từ chối cho những người nói giọng Hồ Bắc vào các nhà hàng hoặc những nơi công cộng chỉ vì nỗi sợ kinh hoàng với COVID-19.

CLB Barcelona, Real Madrid bày tỏ đoàn kết với người Trung Quốc

Trước trận đấu vòng 24 La Liga tuần qua giữa Barcelona (Barça) và Getafe, cầu thủ hai đội đã ra sân cùng với các bé trai và bé gái đến từ câu lạc bộ những người hâm mộ Barça của Trung Quốc là Penya Dracs Units Xinesos. Họ cùng mặc áo in dòng chữ gồm tiếng Anh là "Stronger together" (Cùng nhau mạnh mẽ hơn) và một câu tiếng Trung Quốc với nội dung "Trung Quốc cố lên".

Thông điệp "Stronger together" cũng đã xuất hiện trên tấm bạt lớn trải rộng trên sân bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Trước trận tiếp đón Celta Vigo trên sân nhà Bernabeu, Real Madrid cũng đã có nhiều hành động tương tự ủng hộ người dân Trung Quốc.

Chứng khoán Trung Quốc hồi phục, lấy lại những gì đã mất vì COVID-19 Chứng khoán Trung Quốc hồi phục, lấy lại những gì đã mất vì COVID-19

TTO - Sau khi chao đảo mạnh vì dịch bệnh COVID-19, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phát tín hiệu hồi phục nhờ các chính sách dập dịch và kích thích kinh tế hiệu quả của chính phủ.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: covid-19 Corona virus
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp