07/12/2024 11:55 GMT+7

Quy trình luận tội phức tạp mà Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt

Nếu không từ chức, Tổng thống Hàn Quốc phải đối diện với kiến nghị luận tội tại Quốc hội và chờ phán quyết từ Tòa án Hiến pháp nếu kiến nghị được thông qua.

Quy trình luận tội phức tạp mà Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt - Ảnh 1.

Tổng thống Yoon Suk Yeol gửi lời xin lỗi đến người dân trong bài phát biểu sáng 7-12 - Ảnh: YONHAP

Sáng 7-12, Tổng thống Yoon Suk Yeol phát biểu xin lỗi trước quốc dân vì đã gây ra sự hỗn loạn khi tuyên bố lệnh thiết quân luật vừa qua, và cam kết sẽ không có thêm một lệnh này nữa.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định sẽ không tránh né các cáo buộc pháp lý, đồng thời giao quyền lãnh đạo cho đảng cầm quyền và chính phủ.

Trong bài phát biểu, ông Yoon không đề cập đến việc từ chức. Điều này đồng nghĩa rằng cuộc bỏ phiếu cho kiến nghị luận tội tổng thống tại Quốc hội ngày 7-12 dự kiến vẫn diễn ra.

Ông Yoon có bị luận tội không?

Quy trình luận tội phức tạp mà Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt - Ảnh 3.

Người dân thủ đô Seoul biểu tình kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức ngày 6-12 - Ảnh: REUTERS

Tờ Washington Post ngày 6-12 dẫn lời thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ đối lập Park Chan Dae cho biết đảng này sẽ tìm cách luận tội Tổng thống Yoon nếu ông ấy không từ chức ngay lập tức, đồng thời cho rằng hành động tuyên thiết quân luật của nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã làm suy yếu hiến pháp và nền dân chủ.

Theo báo Korea Herald, Đảng Dân chủ đối lập ngày 6-12 tuyên bố Quốc hội Hàn Quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu cho kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon vào 17h ngày 7-12 (giờ địa phương), sớm hơn 2 tiếng so với mốc thời gian ban đầu.

Luật pháp Hàn Quốc quy định Quốc hội có thể thông qua kiến nghị luận tội tổng thống nếu hơn 2/3 (tức 200/300) nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ.

Hiện Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của Tổng thống Yoon kiểm soát 108 ghế Quốc hội. Trong khi đó các đảng đối lập, nổi bật nhất là Đảng Dân chủ, nắm giữ tổng cộng 192 ghế.

Điều này có nghĩa là cần ít nhất 8 nghị sĩ của đảng cầm quyền bỏ phiếu ủng hộ để kiến nghị luận tội này được thông qua.

Quyết định của các thành viên đảng cầm quyền vẫn là một ẩn số vì Tổng thống Yoon dường như mất đi sự ủng hộ từ đảng của ông sau vụ ban bố thiết quân luật vào ngày 3-12.

Nếu kiến nghị được thông qua, ông Yoon sẽ tạm thời bị tước quyền lực tổng thống cho đến khi Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc gồm 9 thành viên sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong thời hạn tối đa 180 ngày. Trong thời gian đó, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo sẽ giữ quyền tổng thống.

Theo luật pháp Hàn Quốc, cần ít nhất 6/9 thẩm phán đồng ý phê chuẩn luận tội để phán quyết có hiệu lực. Tuy nhiên hiện tại 3 thẩm phán đã nghỉ hưu vào tháng 10 và Quốc hội vẫn chưa phê duyệt người kế nhiệm họ. 

Điều này có nghĩa là Tòa án Hiến pháp chỉ còn 6 thẩm phán, nhưng trong đó có đến 4 người do ông Yoon bổ nhiệm, vì vậy quá trình đưa ra phán quyết cuối cùng có khả năng trở nên phức tạp hơn, theo Đài Channel News Asia.

Khó có khả năng từ chức

Quy trình luận tội phức tạp mà Tổng thống Hàn Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt - Ảnh 4.

Người dân Hàn Quốc theo dõi bài phát biểu của ông Yoon trên truyền hình sáng 7-12 - Ảnh: REUTERS

Số phận chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang “treo lơ lửng” khi ông phải đối mặt với làn sóng chỉ trích và phẫn nộ gia tăng sau thất bại trong vụ ban bố thiết quân luật ngày 3-12.

Tuy nhiên giới quan sát cho rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol khó có khả năng từ chức ngay cả khi cuộc bỏ phiếu kiến nghị luận tội đang đến gần, đồng thời nền tảng xuất thân từ công tố viên của Tổng thống Yoon sẽ giúp ích cho ông khi đối mặt với các tranh chấp pháp lý sắp tới.

Ngay cả khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình ở thủ đô Seoul yêu cầu ông từ chức, các nhà phân tích vẫn hoài nghi về khả năng nhà lãnh đạo Hàn Quốc tự nguyện rời nhiệm sở.

Chia sẻ trước đó với Đài Channel News Asia, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Washington Yong Chool Ha đánh giá có lẽ Tổng thống Yoon tin rằng bản thân ông đã tuân thủ đúng quy định khi tuyên bố ban hành thiết quân luật ngắn ngủi trong chưa đầy 6 giờ đồng hồ vào đêm 3-12.

“Tổng thống Yoon là một cá nhân đặc biệt. Ông ấy (tin rằng) mọi thứ nên được thực hiện theo đúng pháp luật. Ông ấy có thể cho rằng bản thân ông đã tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, ngay cả lần này cũng vậy”, giáo sư Yong Chool Ha nhận định.

Chính vì vậy, bất chấp những lời lên án từ Đảng Dân chủ đối lập và nhiều người dân ủng hộ đảng này khi cho rằng hành động của Tổng thống Yoon là vi hiến, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 4-12 tuyên bố quyết định ra thiết quân luật của ông Yoon là hợp pháp và nằm trong phạm vi Hiến pháp.

Thủ tướng Hàn Quốc gặp lãnh đạo đảng cầm quyền

Theo Hãng tin Yonhap, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo dự kiến sẽ gặp lãnh đạo đảng cầm quyền Han Dong Hoon vào ngày 7-12, sau bài phát biểu của Tổng thống Yoon Suk Yeol. Cuộc gặp diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu kiến nghị luận tội ông Yoon dự kiến diễn ra cùng ngày.

Cuộc gặp mặt diễn ra vào thời điểm "nhạy cảm" vì Thủ tướng Han sẽ là người nắm quyền tổng thống tạm thời trong trường hợp kiến nghị luận tội được Quốc hội thông qua với ít nhất 200/300 phiếu ủng hộ.

Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải đối mặt quy trình luận tội ra sao? - Ảnh 5.Dấu ấn KASI của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol với Đông Nam Á

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol vừa tuyên bố nhận lỗi vì ban bố thiết quân luật, sẽ giao quyền lãnh đạo cho Chính phủ. Ông có những dấu ấn gì với ASEAN?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp