Để có thông tin đầy đủ đến bạn đọc, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với cả hai phía trong câu chuyện…
Nỗi đau lòng của nhóm thân hữu
Cuối tháng 12-2023, nhóm thân hữu Trần Văn Khê (được hình thành sau tang lễ của giáo sư Trần Văn Khê năm 2015) đã tổ chức một buổi họp báo.
Không tổng kết những thành công của Quỹ Trần Văn Khê khi buổi trao giải thưởng và học bổng đầu tiên đã được tổ chức và diễn ra tốt đẹp, lựa chọn được những hậu duệ rất trẻ, rất tài năng để bồi dưỡng, khuyến khích theo con đường và tình yêu của giáo sư Trần Văn Khê với âm nhạc dân tộc năm 2023, bà Nguyễn Thế Thanh đại diện nhóm lại công bố một câu chuyện "buồn, đau lòng, và day dứt".
Câu chuyện quả thật gây sửng sốt người nghe.
Quỹ Trần Văn Khê, vốn được biết là khởi đầu từ khoản tiền phúng điếu đầy nghĩa tình trong tang lễ của giáo sư, nhưng hôm nay, nhóm thân hữu cho biết khoản tiền ấy đã bị chiếm đoạt.
Ai chiếm đoạt?
Là cô Nguyễn Hữu Thiên Nga, người thường tự xưng là học trò cưng của thầy Khê, người tháo vát được việc và đã được gia đình và ban tang lễ tin tưởng giao cho việc thống kê, tổng kết và quản lý số tiền phúng điếu, lại cũng được nhóm thân hữu giao việc lo pháp lý để lập quỹ và đảm nhiệm vai trò giám đốc điều hành nếu có thể.
Bao nhiêu? Là 809.824.200 đồng.
Diễn biến từ đó đến nay ra sao? Đã có rất nhiều cuộc họp, biên bản, email, điện thoại nhắc nhở, yêu cầu cô Nga hợp tác, bàn giao lại tiền cho nhóm thân hữu khi việc cô đứng ra lập quỹ có vẻ như trắc trở vì cô là Việt kiều Canada, chưa có hộ khẩu Việt Nam. Và rồi…?
Trong cuộc họp ngày 26-6-2019, Thiên Nga đã đồng ý chấm dứt nhiệm vụ tham gia ban điều hành Quỹ Trần Văn Khê vì không đủ điều kiện, và ký cam kết sẽ bàn giao toàn bộ số tiền vào ngày 1-7-2019.
Đó cũng là lần cuối cùng nhóm thân hữu Trần Văn Khê liên lạc được với cô.
"Từ bấy đến nay, Thiên Nga biến mất, không trả lời điện thoại, email dù thi thoảng chúng tôi vẫn thấy cô xuất hiện đây đó. Chúng tôi mất 4 năm chờ đợi cô xúc tiến thủ tục lập quỹ và bị viện cớ này cớ nọ.
Đến hết năm 2019, khi cảm thấy không còn có thể chờ đợi, chúng tôi lại phải xuôi ngược đi vận động những nhà tài trợ khác, tìm những nguồn lực khác, và lúc này thì khoản tài sản đóng góp tối thiểu để lập quỹ đã tăng lên 1 tỉ theo quy định pháp luật (trước đó là 500 triệu).
Quá nhiều khó khăn nên đến tận ngày 1-3-2021, Quỹ học bổng Trần Văn Khê mới có được giấy phép thành lập do UBND TP.HCM cấp và tổ chức trao học bổng cùng giải thưởng lần 1 vào tháng 7-2023. Chúng tôi đã bị chất vấn rất nhiều về sự chậm trễ này, và đến hôm nay mới có thể giãi bày…".
Bà Thế Thanh thông báo mà muốn nghẹn khóc. Suốt 8 năm, bà và cả nhóm đã dằn vặt sâu xa giữa lựa chọn lên tiếng và không lên tiếng, nhọc nhằn bôn ba để tìm cách gây dựng quỹ lại từ đầu:
"Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với cô Thiên Nga và cả gia đình của cô, cũng là những người bạn của chúng tôi, nhưng rất chưng hửng khi nhận được câu trả lời "không liên quan" vô cảm. Nay chúng tôi - nhóm thân hữu Trần Văn Khê buộc phải công bố thông tin sau 8 năm im lặng...".
Vướng mắc của Thiên Nga
Để có thông tin đầy đủ và thật khách quan, Tuổi Trẻ Online đã liên lạc với bà Nguyễn Hữu Thiên Nga và được bà cho biết đang làm việc với luật sư trước khi có câu trả lời chính thức. Đến 12-1-2024, bà Thiên Nga đã gửi lời trình bày của bà. Chúng tôi xin được trích nguyên văn:
"Ngày 24-6-2015, trong ngày mất của giáo sư Trần Văn Khê, tôi được ủy thác tạm giữ số tiền phúng viếng giáo sư. Sau đám tang, theo di nguyện của giáo sư và ý định của ban tang lễ vào thời điểm đó là sẽ dùng tiền phúng viếng lập một quỹ mang tên cố giáo sư Trần Văn Khê.
Tuy nhiên, do chưa đáp ứng được các quy định của nghị định số 30/2012/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện nên chưa thể thực hiện được. Cụ thể là chưa có trụ sở, chưa có danh sách ban sáng lập, chưa có lý lịch tư pháp của các thành viên sáng lập quỹ, chưa đủ tài sản quỹ tối thiểu 1 tỉ đồng (quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh), chưa có điều lệ quỹ.
Đến năm 2016, chính giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê - đã trả lời báo chí về ý định "từ bỏ việc thành lập quỹ Trần Văn Khê" bởi nhiều lý do khác nhau.
Sau đó, có sự trao đổi qua lại giữa nhóm "thân hữu" và những người thân trong gia đình giáo sư với mong muốn phía gia đình tiếp tục thành lập quỹ, nhưng không có sự thống nhất từ hai bên.
Việc này làm tôi bị mắc kẹt giữa các bên, không thể thoát ra được vì tôi không biết chuyển giao số tiền này ra sao.
Theo quy định pháp luật và tập quán thì phải chuyển giao cho các đồng thừa kế, nhưng chưa có điều kiện để xác định đầy đủ các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê và chưa có điều kiện để nhận được sự đồng thuận của họ. Chuyển giao cho nhóm "thân hữu" thì không đúng quy định của pháp luật và tập quán Việt Nam.
Thời gian gần đây, tôi bị nhóm "thân hữu" cáo buộc tôi làm chậm trễ việc thành lập quỹ để chiếm dụng, yêu cầu tôi chuyển giao toàn bộ số tiền này cho nhóm "thân hữu" quản lý. Tôi thấy việc cáo buộc tôi chiếm dụng cũng như yêu cầu tôi giao lại tiền là hoàn toàn không đúng và không có căn cứ hợp pháp như sau:
1. Số tiền phúng viếng giáo sư Trần Văn Khê tôi đang giữ và luôn luôn mong muốn tự đóng góp và vận động đóng góp thêm cho đủ 1 tỉ đồng để thành lập quỹ theo quy định của nghị định 20/2012/NĐ-CP (từ ngày 15-1-2020 tăng thành 1,3 tỉ đồng theo quy định của nghị định 93/2019/NĐ-CP), xem như là một phần trách nhiệm của người học trò đối với thầy tôi và tôi sẵn sàng trao lại toàn bộ số tiền trên cho các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê hoặc những tổ chức, cá nhân nào mà các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê có văn bản chỉ định đứng ra nhận số tiền này.
2. Theo tập quán Việt Nam, tiền phúng viếng dùng để trang trải các chi phí cho việc tổ chức đám tang, nếu còn dư thì sẽ do các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê định đoạt.
Vì vậy, việc giao lại số tiền cho ai thì tôi cũng chỉ muốn làm đúng và đủ theo quy định pháp luật.
Tôi cũng mong cơ quan báo chí thông tin rõ ràng và đúng nội dung sự việc, đồng thời thông tin các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê tại Việt Nam và nước ngoài để phân tích tính pháp lý cũng như vận động các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê đứng ra tiếp nhận lại số tiền phúng viếng, quản lý, sử dụng hoặc bàn giao, tặng cho lại cho cá nhân, tổ chức tùy thuộc vào các đồng thừa kế của giáo sư Trần Văn Khê.
Cá nhân tôi cũng đã làm việc với luật sư của tôi để chuẩn bị mọi thủ tục cần thiết bàn giao số tiền này theo đúng quy định của pháp luật. Tôi muốn thực hiện việc này càng sớm càng tốt để tôi được nhẹ lòng và không còn mang tiếng "chiếm đoạt" như những gì nhóm "thân hữu" đã tố cáo".
Ngoài ra, bà Thiên Nga cũng nhắc đi nhắc lại rằng: trao lại khoản tiền này một cách hợp tình, hợp lý và hợp pháp là tâm nguyện của bà.
Trong khi đó, mong muốn khoản tiền chất chứa bao nhiêu ý nghĩa và thiêng liêng này được trở về với Quỹ Trần Văn Khê thì không chỉ là yêu cầu của riêng nhóm thân hữu hay ban quản trị quỹ, mà là của tất cả những người yêu kính giáo sư Khê và có lòng với âm nhạc dân tộc.
Ý kiến của giáo sư Trần Quang Hải
Đi kèm thư trả lời, bà Thiên Nga đính kèm đường link của một số tờ báo năm 2016 về việc giáo sư Trần Quang Hải - con trai trưởng của giáo sư Trần Văn Khê - từ bỏ việc thực hiện di nguyện của giáo sư Khê trong việc lập quỹ học bổng và giải thưởng vì những khó khăn trong thủ tục, tài chính, khoảng cách địa lý, sức khỏe cá nhân...
Trong tài liệu lưu lại của nhóm thân hữu Trần Văn Khê trong quá trình lập quỹ có lưu nhiều email của giáo sư Trần Quang Hải bày tỏ sự ủng hộ, cảm kích và vui mừng trước quyết tâm của các thành viên và từng bước thành công của nhóm cho đến khi Quỹ Trần Văn Khê ra đời.
Giáo sư Trần Quang Hải đã mất cuối năm 2021 tại Pháp.
Quỹ học bổng Trần Văn Khê được ra đời để thực hiện tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Khê: Cổ vũ, phát triển âm nhạc dân tộc.
Ấp ủ từ những ngày giáo sư còn tại thế, tới 1-3-2021, Quỹ học bổng Trần Văn Khê và điều lệ hoạt động mới chính thức được ra đời theo quyết định số 680/QĐ-UBND. Đây là thành quả của sự hợp tác giữa nhóm thân hữu Trần Văn Khê và lãnh đạo Trường đại học Văn Lang.
Quỹ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không vì lợi nhuận, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hằng năm, quỹ sẽ xét trao giải thưởng và học bổng cho sinh viên, những đối tượng đam mê âm nhạc dân tộc, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống theo di nguyện của giáo sư Trần Văn Khê.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận