14/01/2022 12:32 GMT+7

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu ASEAN, EVN lo chi phí sản xuất điện tăng

N.AN
N.AN

TTO - Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020, trở thành nước có quy mô hệ thống điện đứng đầu ASEAN.

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu ASEAN, EVN lo chi phí sản xuất điện tăng - Ảnh 1.

Hệ thống nguồn điện của Việt Nam vươn lên đứng đầu khu vực - Ảnh: N.K.

Sáng 14-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.

Thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Trần Đình Nhân - tổng giám đốc EVN - cho hay năm 2020 EVN đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.

Theo đó, tính đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 76.620 MW, tăng gần 7.500 MW so với năm 2020. Trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020), chiếm tỉ trọng 27,0%. 

Quy mô hệ thống điện Việt Nam đã vươn lên đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Ông Dương Quang Thành - chủ tịch HĐTV EVN - chỉ ra 5 mâu thuẫn là những thách thức lớn của ngành như nhu cầu điện tăng cao nhưng huy động vốn ngày càng khó khăn, việc đảm bảo cung cấp điện phụ thuộc vào đầu tư nguồn ngoài EVN. 

Trong khi đó, đảm bảo cân đối tài chính của EVN chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố đầu vào biến động, khó dự báo trước như giá nhiên liệu, tỉ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát, chính sách tín dụng, tiền tệ. Chi phí đầu vào của sản xuất điện tăng cao do tỉ trọng nguồn phát có giá thành cao tăng như năng lượng tái tạo, giá than, giá khí...

Ông Thành thông tin thêm trong kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống, sản lượng huy động nguồn năng lượng tái tạo dự kiến 35,6 tỉ kWh, làm tăng chi phí mua điện của hệ thống. Trong khi giá than trong nước tăng 20-30%, giá than nhập khẩu tăng hơn 50%.

Các dự án nguồn điện gió được đưa vào vận hành trong năm 2021 rất lớn, chiếm tới 27% tổng công suất đặt, gây khó khăn cho công tác vận hành an toàn, liên tục, ổn định và kinh tế hệ thống điện, phải ngừng/khởi động nhiều lần các tổ máy nhiệt điện (đặc biệt các tổ máy tua-bin khí).

Năm 2022, EVN đặt ra chỉ tiêu sản lượng điện thương phẩm năm 2022 là 242,35 tỉ kWh, tăng trưởng 7,6% so với năm 2021. Điều hành hệ thống điện an toàn và tin cậy, khai thác hiệu quả các nguồn điện. Chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Nguyễn Hoàng Anh - chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - đề nghị EVN cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế, kỹ thuật kết hợp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định. Trong đó lưu ý phụ tải có thể tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, triển khai chương trình phục hồi kinh tế. 

Tập đoàn sớm hoàn thiện, trình ủy ban kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2022. Lưu ý đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, làm tốt công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện để tối ưu chi phí mua điện, tiết kiệm chi phí.

Họp quy hoạch điện: Tính giảm điện than, không đưa điện mặt trời vào cân đối hệ thống Họp quy hoạch điện: Tính giảm điện than, không đưa điện mặt trời vào cân đối hệ thống

TTO - Cùng với yêu cầu giảm tỉ trọng nguồn điện than cho phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26, sẽ tính toán tăng tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có nguồn điện gió ngoài khơi và đưa điện mặt trời ra khỏi cân đối hệ thống.


N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp