Do tác động của dịch COVID-19, sức mua hàng hoá, dịch vụ của người dân đều giảm mạnh - Ảnh: N.BÌNH
Chiều 29-5, tại hội thảo trực tuyến "Đối phó với COVID-19: Hỗ trợ hay kích thích? Chính phủ lấy tiền từ đâu", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright, cho biết dựa trên số liệu công bố của các gói hỗ trợ từ Chính phủ, ước tính quy mô những gói hỗ trợ của Việt Nam có thể lên khoảng 8,5% GDP.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, không chỉ Việt Nam, hiện nay các quốc gia trên thế giới đều đã thông qua những gói tài chính với quy mô khác nhau. Như tại Nhật Bản, các gói hỗ trợ lên đến gần 2.900 tỉ USD, tương đương 21,1% GDP nước này. Gói hỗ trợ gần nhất của Mỹ cũng lên đến 3.000 tỉ USD, nâng các gói hỗ trợ của nước này lên tương đương 13% GDP...
Trong khu vực, Indonesia cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trị giá 2,5% GDP. Con số này ở Singapore khoảng12% GDP và Thái Lan là 10% GDP. Các con số này chưa dừng lại mà có thể tiếp tục được ngân hàng trung ương các nước bơm ra tùy mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Hình thức phổ biến của các gói hỗ trợ là đưa ra chính sách giảm, giãn, hoãn hàng loạt loại thuế, hỗ trợ chi phí y tế, chuyển tiền mặt, thậm chí hỗ trợ mua thực phẩm thiết yếu...
Tuy nhiên, một trong những câu hỏi các chuyên gia kinh tế thường xuyên nhận được là: các gói hỗ trợ của Việt Nam ban hành thời gian qua được lấy từ nguồn tiền từ đâu khi ngân sách của Việt Nam cũng đang có nguy cơ bị thâm hụt vì khó khăn do COVID-19 gây ra.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng để cho ra được các gói hỗ trợ cũng như mức hỗ trợ cho từng đối tượng, Chính phủ đã có những đánh giá, cân nhắc dựa trên khả năng cân đối và tài trợ ngân sách gắn với diễn biến dịch bệnh.
Chẳng hạn với gói chỉ riêng trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, số tiền hỗ trợ trực tiếp là 36.000 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách từ trung ương là 23.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách địa phương.
Khoản hỗ trợ gián tiếp 26.000 tỉ còn lại sẽ thông qua các Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Với ngân sách trung ương, số tiền chủ yếu từ nguồn tăng thu ngân sách 2019 so với dự toán, ngoài ra nguồn kinh phí còn lại từ quỹ tài chính hay quỹ dự phòng ngân sách nhà nước. Trong những năm qua, chính phủ đều thực hiện các biện pháp này và đây là thời điểm để sử dụng các khoản dự phòng, theo đúng bản chất của các quỹ này", ông Tuấn nói và cho biết thêm tương tự, 14.000 tỉ đồng còn lại do các địa phương phụ trách cũng sẽ lấy từ những nguồn như vậy.
Tuy nhiên, theo ông Anh Tuấn, nếu như ở các nước các gói tài chính dành cho doanh nghiệp, người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 mang tính kích thích kinh tế, thì ở Việt Nam lại đặt trọng tâm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sau đó mới có hàm ý kích thích kinh tế.
"Nhưng dù mang tính chất gì thì cuối cùng chúng ta cần xác định các gói hỗ trợ này cần phải rơi đúng người được thụ hưởng, muốn vậy đòi hỏi một chính sách quản lý công minh bạch, đơn giản thủ tục hành chính. Đây là thách thức của các gói cứu trợ hiện nay", ông Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận