Nội dung gây quan ngại và không đồng tình nhiều nhất của đồ án chính là việc dành quỹ đất dưới chân núi Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia cho tương lai.
Phóng to |
"Tôi muốn đặt câu hỏi là khi làm quy hoạch này có dự liệu sự rối ren về đất đai không?" Đại biểu NGUYỄN NGỌC ĐÀO |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) kể ông mới đến làm việc ở Đan Phượng cũng nghe lãnh đạo Viện KSND huyện chỉ tay nói một khu đất hôm qua 60 triệu đồng/m2, hôm nay ngủ dậy đã lên 80 triệu. “Đồ án đã gây ra cơn sốt ảo. Vậy Chính phủ phải làm gì đi chứ, phải họp báo tuyên truyền cho dân biết chứ”- ông Khanh đề nghị. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) kể chuyện mười năm trước mua trang trại ở Đồng Mô (Ba Vì) có 100 triệu đồng, vừa rồi lên xem thì thấy vẫn hoang sơ, thế nhưng có người gạ bạc tỉ rồi. “Tôi muốn đặt câu hỏi là khi làm quy hoạch này có dự liệu sự rối ren về đất đai không?” - ông Đào đặt câu hỏi.
“Có nhiều người quan tâm đến đồ án này, nhất là giới buôn bán bất động sản. Quốc hội đang bàn thì mấy ngày nay ở ngoài rất sôi động, nhất là bên trục Thăng Long. Vì sao đất ở đây lại sốt như thế? Trục Thăng Long thành dự án cả rồi, xây nhà biệt thự, villa cao cấp để bán... Có phải là để hợp thức hóa các dự án đã cấp phép rồi? Tôi cảm nhận có cái gì đó không bình thường ở hành lang Thăng Long này. Vẽ cái trục này rất đẹp, đẹp như thế thì người dân tập trung chạy đến đây mà mua đất chứ còn gì nữa” - đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt vấn đề.
Ở góc nhìn khác, TS Trần Du Lịch (TP. HCM) nhận định: “Trục Thăng Long qua kỹ thuật vi tính thì rất đẹp, nhưng đồ án chỉ vẽ cho đẹp vậy thôi, chứ với cư dân cư trú hiện nay, không có tiền nào làm được. Với giá đất Hà Nội hiện nay sẽ không làm nổi. Đồ án không đánh giá hiện trạng mà chỉ vẽ cho đẹp”.
Lên Ba Vì để làm gì?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội NGUYỄN THẾ THẢO: Một trong những nguyên tắc đầu tiên của quy hoạch là tính kế thừa, đánh giá thực trạng đã có. Tất nhiên là kế thừa có chọn lọc chứ không phải kế thừa tất cả. Quy hoạch trước đây do cố thủ tướng Võ Văn Kiệt ký cho diện tích Hà Nội (cũ) hơn 900km2, quy hoạch mới này gần như giữ nguyên vẹn quy hoạch cũ từ vành đai 3 trở vào, ngoài vành đai 3 mới điều chỉnh. Quy hoạch lần này cũng kế thừa quy hoạch vùng thủ đô mới được phê duyệt trước đó. Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cũng kế thừa quy hoạch do Hàn Quốc tư vấn. |
Nội dung gây quan ngại và không đồng tình nhiều nhất của đồ án chính là việc dành quỹ đất dưới chân núi Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia cho tương lai. Ông Lịch nói không thấy ở đâu phân ra hai nơi như thế. “Người đứng đầu ngồi ở Bách Thảo, người thực thi lên tận Ba Vì. Phải chăng trước nói phát triển lên phía hồ Tây, giờ đã có dự án Ciputra, rồi dự án Hàn Quốc, nên phải đẩy khu hành chính lên Ba Vì?” - TS Lịch hỏi.
Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) nói ông không rõ ý tưởng của các nhà quy hoạch thế nào mà lại đưa trung tâm hành chính lên Ba Vì, phải chăng là xem phong thủy? “Đưa trung tâm hành chính về Ba Vì, tại sao? Bảo mười năm nữa có tàu điện ngầm để lên đó làm việc, tôi không tin. Dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc làm mười năm nay, khu Đại học Quốc gia 12 năm nay vẫn chưa làm được” - đại biểu Phạm Thị Loan quả quyết.
Từ góc độ an ninh, quốc phòng, đại tá Đỗ Căn - phó chính ủy Bộ tư lệnh thủ đô - nói: “Khi mở rộng Hà Nội, chúng ta phân tích sẽ rất thuận lợi cho phòng thủ thủ đô, vì Ba Vì là căn cứ hậu phương có núi cao mang thế chiến lược. Nếu bây giờ chuyển trung tâm hành chính về đó thì Ba Vì lại thành tiền phương. Như vậy những phân tích trước đây phải tính toán lại”.
Viện trưởng Viện KSND Thanh Hóa Vũ Duy Hòa nói thêm: “Trước đây đơn vị bộ đội tôi đóng ở chân núi Ba Vì, đó là vị trí chiến lược phòng thủ rất tốt, nay dự kiến lấy đó làm trung tâm hành chính thì không ổn, hơn nữa không nên tách trung tâm chính trị ra khỏi trung tâm hành chính”.
Tiền ở đâu ra?
Đại biểu Phạm Thị Loan nói lo nhất là năng lực và biện pháp thực hiện vì cần 90 tỉ USD trong khi cả nước có nhiều dự án. “Phương án vốn được đưa ra là đấu giá quyền sử dụng đất, vay ODA, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tôi thấy tất cả các khoản tiền lớn ở trên đều trông chờ vào các loại vốn này. Có khả thi không?” - đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) lo lắng.
Nhiều đại biểu có cùng băn khoăn như TS Trần Du Lịch là “quy hoạch Hà Nội lần này vĩ đại quá”. Theo ông Lịch, “trong vòng một năm mà lập quy hoạch một đô thị trên 3.000km2 thì đó là kỷ lục thế giới. 1.000 năm Thăng Long, ông cha làm được 455km2, vậy mà trong 20 năm tới ta đô thị hóa gấp ba lần, động lực gì để làm? Phát triển đô thị không thể tự vẽ mà phải có động lực, có tỉnh xây rất nhiều khu đô thị mới nhưng hình thành được đô thị rất khó khăn. Lấy ví dụ khu Nhơn Trạch xây rất lâu rồi nhưng vẫn bỏ hoang”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm để giải trình rõ hơn tại sao dành khu đất ở Ba Vì để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia trong tương lai. Bản thân ông Thảo cũng cảm thấy băn khoăn về vấn đề tài chính và cho rằng việc “phân kỳ, tính khả thi huy động vốn cũng cần làm rõ hơn trong đồ án”.
Đối với việc sốt đất bất thường, ông Thảo phân tích: “Có những nước người ta phê duyệt quy hoạch xong mới công bố. Nhưng ta thì đồ án được đem ra triển lãm lấy ý kiến nhân dân, người ta đến xem cứ thấy chấm đỏ chấm xanh trên mô hình là chạy đến mua đất. Trong khi đồ án này đã được phê duyệt đâu, còn phải tiếp thu và chỉnh sửa nhiều. Đồ án mới chỉ là ý tưởng của các nhà tư vấn và cơ quan chuyên môn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận