Không thể điều chỉnh quy hoạch 'vô tội vạ'
PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội - cho rằng dự thảo Luật đất đai cần có quy định quy hoạch sử dụng đất quốc gia được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch.
Nếu có quy định này sẽ tạo ra cơ sở khắc phục được tình trạng các quy hoạch sử dụng đất quốc gia bị phê duyệt chậm như trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, có những khu vực sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt về việc chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực được chuyển mục đích sử dụng đất. Không nên làm quy hoạch sử dụng đất theo ham muốn, vì lợi ích của một nhóm người.
Ông Nghị cho rằng các quy định về rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần cụ thể hơn, chặt chẽ hơn.
Theo đó, cần quy định về các nguyên tắc và lấy ý kiến nhân dân về việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
"Vừa rồi, điều chỉnh quy hoạch hết sức tùy tiện. Có những quy hoạch được xây dựng khá tốt, có chỗ làm công viên, có chỗ trồng rừng, có khu xử lý chất thải. Song khi doanh nghiệp đến bảo làm khu công nghiệp tốt hơn thì không còn chỗ xử lý chất thải nữa.
Không thể điều chỉnh quy hoạch vô tội vạ như thế, phải có nguyên tắc điều chỉnh, phải có trình tự, thủ tục của điều chỉnh. Và không để cơ quan phê duyệt quy hoạch nào thì có quyền điều chỉnh quy hoạch ấy mà phải trên một cấp để kiểm soát" - PGS.TS Phạm Hữu Nghị nói.
Đăng ký quyền sử dụng đất làm 'cồng kềnh' bộ máy?
Một trong những quy định mới của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) là thu gọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chỉ còn thuộc về tòa án.
Thảo luận về vấn đề này, ông Phan Tô Ngọc - thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM - cho rằng cần phải nhìn lại lịch sử thay đổi của Luật đất đai.
Đầu tiên là Luật đất đai năm 1987 thẩm quyền giải quyết tranh chấp là UBND. Tuy nhiên, từ năm 1993 đến năm 2013 tòa án sẽ giải quyết tranh chấp về tài sản gắn liền với đất và đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn đối với đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ thuộc về UBND.
Theo ông Ngọc, việc giao thẩm quyền giải quyết cho tòa án là phù hợp. Bởi tòa án là cơ quan tư pháp. Giải quyết tranh chấp là chức năng của tòa án chứ không nên giao việc giải quyết tranh chấp cho cơ quan hành chính nhà nước.
Thực tế, khi giải quyết tranh chấp tại UBND cuối cùng là tòa án cũng phải giải quyết lại. UBND giải quyết khiếu nại 2 lần, nếu người dân người vẫn không đồng ý sẽ khởi kiện ra tòa hành chính.
Lúc này, tòa sẽ phải vừa xem xét về mặt hình thức, vừa xem xét về mặt nội dung, xem UBND có xử đúng hay không. Cuối cùng tòa án vẫn phải giải quyết.
Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng cho rằng một trong những bất cập là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Khi mua bán nhà, hợp đồng sẽ song song, vừa mua bán nhà, vừa chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng mua bán nhà là tại thời điểm công chứng, còn thời điểm có hiệu lực của hợp đồng nhượng quyền sử dụng đất lại là tại thời điểm đăng ký. Đây cũng là một vướng mắc cần tháo gỡ.
Phải nghiên cứu làm sao gọn nhẹ và hiệu quả
GS.TS Phan Trung Lý cũng cho rằng Bộ luật dân sự quy định sau khi hợp đồng mua bán kết thúc, bên mua trả tiền, bên bán trao tài sản thì phát sinh quyền sở hữu. Người có tài sản có quyền sử dụng tài sản đó.
Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang có một biện pháp hành chính quyết định quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đó là đăng ký quyền sử dụng đất.
Khâu này đã kéo theo một bộ máy rất lớn từ trên xuống dưới. Đây là vấn đề cần xem lại, phải làm sao cho gọn nhẹ, hiệu quả, bảo đảm được quyền của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận