27/03/2017 14:50 GMT+7

​Quy hoạch sông Hồng không được tạo dự án

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TTO - Thông tin về việc Hà Nội dự kiến lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước. Nhiều chuyên gia đồng tình với việc cần quy hoạch nhưng cũng đưa ra những cảnh báo.

Bãi bồi ven sông Hồng gần Cầu Long Biên (Hà Nội) được nhiều người dân tận dụng để canh tác và sinh sống - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bãi bồi ven sông Hồng gần Cầu Long Biên (Hà Nội) được nhiều người dân tận dụng để canh tác và sinh sống - Ảnh: Nguyễn Khánh

KTS Phạm Thanh Tùng (Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam)

Tạo vùng đệm sinh thái ven sông

Tôi không phản đối việc quy hoạch sông Hồng nhằm hướng tới một đô thị ngày càng sạch đẹp, văn minh. Tuy nhiên, muốn “nắn” sông Hồng, muốn trưng dụng dòng sông để phục vụ cho quá trình phát triển đô thị, cần phải hiểu rõ về con sông.

Sông Hồng khác biệt với hầu hết các con sông đã được quy hoạch tại châu Âu, châu Á. Sông Hồng bao đời nay gắn với đặc tính bên lở, bên bồi với nguồn phù sa dồi dào. Về địa chất, đã tạo nên một vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ rộng lớn. Về kinh tế, văn hóa, xã hội, đã tạo nên một nền văn minh lúa nước, văn hóa sông Hồng đậm đà bản sắc.

Tôi trao đổi với các chuyên gia thủy lợi giỏi trong nước và họ đều bày tỏ sự lo ngại tới an ninh về nước, về thủy lợi nếu can thiệp thô bạo tới sông Hồng. Ngoài ra, phải nói thêm rằng, một lo ngại lớn là hiện nay dường như chúng ta không nắm được hết những hoạt động, những thông số về thủy lợi của thượng nguồn sông (phía quốc gia láng giềng) do họ bảo vệ nghiêm ngặt, coi là bí mật quốc gia. Hạ nguồn sông Hồng sẽ chịu tác động vô cùng to lớn nếu có những điều chỉnh về nguồn nước thượng nguồn thông qua các hoạt động về thủy lợi thủy điện của họ.

Một điểm cần lưu tâm nhất khi lập quy hoạch sông Hồng là phải giải quyết được bài toán trị thủy, thoát lũ. Đừng nghĩ đơn thuần áp chế bằng những bờ kè kiên cố như những dòng sông khác, hay mơ tưởng về một đô thị với những cao ốc chọc trời san sát soi bóng xuống dòng sông.

Điều cần làm là phải tạo ra một vùng đệm linh hoạt, một khu vực hành lang thoát lũ chuyển tiếp vào nội đô, vừa hiện đại, vừa xanh, vừa hài hòa với tự nhiên. Cần hình thành nên một không gian sinh thái, công viên, vườn hoa, cây xanh, nhà vườn, khu sinh thái, đường tản bộ, bãi đỗ xe… Đặc trưng của hạ tầng thế này sẽ thích ứng với con nước khi lên, khi rút, hài hòa cả mùa lũ lẫn mùa khô.

Ngoài ra, cũng cần phải kiên định, lập quy hoạch là để kiến tạo một đô thị xanh, đô thị bền vững phục vụ lợi ích cộng đồng, chứ không phải lợi dụng quy hoạch để tạo ra những dự án kinh doanh bất động sản phục vụ cho một vài nhóm lợi ích nào đó.

Xuất phát từ những điều này, tôi đề nghị khi lập quy hoạch sông Hồng, ngoài các tập đoàn uy tín của nước ngoài, cần có sự tham gia của các chuyên gia trong nước về mọi lĩnh vực thủy lợi, sinh thái, đô thị, nông nghiệp, xã hội học, nghiên cứu văn hóa… Nói gì thì nói, không ai hiểu rõ con sông bằng người sinh ra hoặc lớn lên ở gần con sông đó, thụ hưởng những giá trị của nó cũng như hứng chịu những tác động tiêu cực từ nó mang lại.

Dù dự án nằm trên địa phận của Hà Nội, thuộc quyền quản lý của chính quyền Hà Nội, nhưng vì tính chất và giá trị đặc biệt của sông Hồng, cần phải có một hội đồng thẩm định quốc gia về quy hoạch với sự chủ trì của Chính phủ, tham gia của các bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến của cộng đồng.

Một ngôi làng sống trên thuyền dọc bãi bồi ven sông Hồng tại khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Một ngôi làng sống trên thuyền dọc bãi bồi ven sông Hồng tại khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam):

Người dân đang quay lưng ra sông Hồng

Việc quy hoạch sông Hồng đã được quan tâm từ cả một quá trình, tính từ thời điểm trước lẫn sau khi Hà Nội được mở rộng, đặc biệt là quy hoạch chung thủ đô được phê duyệt năm 2011. Tuy nhiên, một số cơ quan đang đùn đẩy nhau khiến việc hiện thực hóa quy hoạch không được thực thi, quy hoạch vẫn chỉ là một quy trình lý thuyết chung chung chứ không được ứng dụng.

Chẳng nhìn đi đâu xa mà nhìn ngay trong nước như sông Hương ở Huế, sông Hàn ở Đà Nẵng thì rõ ràng sông Hồng là dòng sông đã bị lãng quên quá lâu. Tôi đã đi qua các cây cầu bắc qua sông Hồng, chạy dọc một số con đường gần sông, phải nói là rất tiếc, rất xót xa. Giữa bãi sông thì dân vô gia cư dựng lều, dừng thuyền cư ngụ ô nhiễm, nhếch nhác, nơi tươm tất hơn chút dọc hai bên bờ thì cũng là những khu dân cư vô cùng lộn xộn mà nguồn gốc đất cũng do lấn chiếm mà ra. Còn lại, hầu hết là bỏ hoang hóa, trồng được chút ít hoa màu, cây trái không đáng kể. Người dân từ lâu đã chọn việc quay lưng ra sông bởi nó không đủ hấp dẫn để người ta xây nhà hướng đó.

Một trong những rào cản dẫn tới việc triển khai quy hoạch vào thực tế còn ì ạch là nguồn lực thì hiện nay đã có lối mở. Đó là việc đã có các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ nguồn lực để lập quy hoạch.

Ngoài ra, chính nhờ việc quy hoạch này, tới đây Hà Nội sẽ tiếp tục xuất hiện một nguồn lực cực kỳ lớn vốn dĩ bị lãng quên bấy lâu nay. Nguồn lực nằm ở chính quỹ rất rộng bao la, bỏ hoang hóa hoặc bị lấn chiếm bấy lâu nay dọc hai bên bờ sông. Quỹ đất đó nếu được quy hoạch quy củ, nó sẽ sinh lợi rất lớn.

Tại sao trong thành phố đôi khi chỉ có mảnh đất vài hecta mà nhà nước đã phải tập trung để đấu giá này nọ, trong khi đất vàng hai bên sông lại bị bỏ quên? Theo tôi, ngoài việc lựa chọn đối tác nước ngoài, thành phố cũng cần tổ chức thi tuyển về ý tưởng quy hoạch, trong đó nêu rõ được phương án cảnh quan, kiến trúc hai bên sông, về chính sách tài định cư, đề án khai thác quỹ đất.

Việc cần làm đầu tiên sau khi quy hoạch được duyệt là triển khai xây dựng hai tuyến giao thông huyết mạch dọc bờ sông thật quy mô, khang trang. Kế đó là chia làm ra các phân kỳ, hạng mục nào hay khu vực nào ưu tiên làm trước, làm sau. Nguồn lực sẽ tự nhiên đến từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản theo hướng đổi hạ tầng để khai thác quỹ đất. Tất nhiên việc hoán đổi này phải được kiểm soát chặt chẽ để không được ảnh hưởng tới quy hoạch, hạ tầng, đồng thời không bị lợi dụng chính sách để trục lợi. Phải đặt lợi ích chung của người dân, sự phát triển của đô thị lên trên hết.

Năm 1994 đã từng có dự án “Trấn sông Hồng” do Singapore dự kiến thực hiện. Phía Singapore dự tính thiết lập một khu dân cư hiện đại với các cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng phía ngoài đê sông Hồng. Sau đó, một ban dự quản lý dự án được thành lập. Tuy nhiên, dự án “chết yểu” do không thống nhất được các vấn đề liên quan tới trị thủy.

Năm 2001, dưới sự tài trợ của Hàn Quốc, đề án “Thành phố bên sông Hồng” ra đời với quy mô đầu tư dự kiến lên tới 7 tỷ USD, 2.500ha và vài vạn dân số. Khi đó, đối tác Hàn Quốc dự tính chuyển đê cũ ra ngoài, xây bờ kè cứng, phác thảo một thành phố bên sông với hàng loạt nhà cao tầng hiện đại, lung linh. Tuy nhiên, đề án này tiếp tục vấp phải sự phản đối kịch liệt của các chuyên gia về thủy lợi.

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp