Kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm trình bày với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong buổi làm việc về dự án quy hoạch kết nối khu trung tâm TP.HCM, xây cầu qua Thủ Thiêm vào ngày 14-6-1996 - Ảnh: T.T.D.
Ngày 5-5, người dân Thủ Thiêm cung cấp cho Tuổi Trẻ một bản vẽ kỹ thuật tổng mặt bằng tỉ lệ 1/5.000 do Công ty Phát triển đô thị (thuộc Sở Xây dựng) lập ký ngày 12-5-1995.
Bản vẽ có dấu và chữ ký của kiến trúc sư trưởng TP Lê Văn Năm, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Vũ Hùng Việt...
Theo người dân, đây là bản vẽ kèm theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996.
Bản vẽ "áng chừng" ranh giới
Bản vẽ này đã được Thanh tra TP nhắc đến tại bản trích nội dung kết luận thanh tra số 445/KL-TTTP KTY ngày 6-8-2008 của Thanh tra TP.HCM về chủ trương việc tổ chức thực hiện tái định cư phục vụ các hộ dân di dời, giải tỏa trong phạm vi khu đô thị mới Thủ Thiêm...
Thanh tra TP cho biết bản vẽ tổng mặt bằng trên là một trong hai bản vẽ do UBND TP trình Thủ tướng Chính phủ theo tờ trình số 1861 (căn cứ để ký quyết định 367).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nguyên kiến trúc sư trưởng TP Lê Văn Năm cho rằng nếu bản vẽ trên là thật thì có thể là bản vẽ được sử dụng trong quá trình nghiên cứu, đề xuất chứ không phải là bản vẽ của quyết định 367.
Vì bản vẽ này không ghi rõ kèm theo quyết định 367. Ngay cả trong nội dung quyết định 367 cũng không đề cập đến những bản vẽ kèm theo.
Một góc khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM
Hơn nữa, bản vẽ tổng mặt bằng chỉ mang tính chất đề xuất không gian phát triển, quy định nhiệm vụ chức năng của từng khu, cảnh quan tổng thể của các khu. Hình dáng của khu quy hoạch chỉ là ước lệ chung, chưa xác định được ranh thửa cụ thể.
"Như vậy, bản vẽ này không coi là bản vẽ chính thức kèm theo quyết định 367 của Thủ tướng, cũng không có tính pháp lý như quyết định 367" - ông Năm khẳng định.
Cũng theo vị kiến trúc sư này thì bản vẽ tổng mặt bằng như người dân trưng ra ở trên không có cơ sở để xác định được ranh giới của khu đô thị.
KTS Lê Văn Năm cũng cho biết theo quy định trong giai đoạn trước và sau năm 1996 thì quy hoạch chỉ có thời hạn 5 năm.
Thời điểm 2005, quy hoạch năm 1996 đã hết thời hạn nên UBND TP phải lập quy hoạch mới (là quy hoạch 1/5.000 năm 2005 của Thủ Thiêm - PV).
Quyết định 367 làm căn cứ giải quyết khiếu nại
Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn - Đoàn luật sư TP.HCM, việc thu hồi đất của các hộ dân ở Thủ Thiêm lại chỉ được căn cứ vào quyết định số 1997 năm 2002 của UBND TP phải thực hiện theo quy hoạch đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành. Tức là phải căn cứ theo quyết định 367 của Thủ tướng.
Trong khi đó, quyết định thu hồi đất thực hiện khu đô thị mới Thủ Thiêm căn cứ vào quyết định 367 quy định rõ "Vị trí ranh giới khu đất thu hồi được xác định theo bản đồ 02/BB-BQL do Sở Tài nguyên - môi trường phê duyệt ngày 3-5-2002".
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng bản vẽ kèm theo quyết định 367 (nếu có) mà không xác định được ranh thửa thì sẽ áp dụng bản vẽ 02 này để xác định ranh thửa trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng.
Luật sư Bùi Thanh Bình khẳng định quyết định 367 không còn được áp dụng để quản lý và xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nhưng nếu trong thời gian quyết định này còn hiệu lực mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân gây khiếu nại thì nó vẫn được làm căn cứ để giải quyết khiếu nại.
Quy hoạch 1/5.000 năm 2005 được ban hành đúng thẩm quyền
Luật sư Bùi Thanh Bình khẳng định quy hoạch 1/5.000 năm 2005 (theo quyết định 6565 của UBND TP) được ban hành đúng thẩm quyền theo Luật xây dựng năm 2003 và các quy định tại thời điểm này, nó có hiệu lực thay thế quy hoạch cũ. Tương tự vậy, quy hoạch 1/2.000 còn hiệu lực pháp lý tại khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện nay là quy hoạch năm 2012 (theo quyết định 3165 ngày 19-6-2012).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận