Dự thảo Quy hoạch năng lượng tổng thể quốc gia được đưa ra lấy ý kiến - Ảnh: N.KHANG
Chiều 28-8, Bộ Công thương tổ chức hội thảo lần 1 về quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập quy hoạch tổng thể về năng lượng.
Theo ông Trần Mạnh Hùng - trưởng phòng kinh tế và dự báo, Viện Năng lượng, phạm vi của quy hoạch bao gồm toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Trong đó, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải; xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính, là: than, dầu khí, điện lực và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế 5 năm qua, các tập đoàn năng lượng đều không khởi công được dự án nào, ông Trần Xuân Hòa - chủ tịch Hội Năng lượng mỏ Việt Nam - cho rằng cần sự liên kết các phân ngành năng lượng, gắn với trách nhiệm của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp không dám đầu tư, theo ông Hòa, là chưa có cơ chế thị trường, khi nhiều ngành năng lượng giá vẫn do Bộ Tài chính phê duyệt.
"Thị trường thì thị trường hẳn, còn Nhà nước khống chế thì quy định rõ. Khi than đắt thì hùa vào yêu cầu TKV cung cấp, than rẻ thì để ứ thừa. Đầu tư mỏ than hàng chục năm, nên cần phải xác định cơ chế thế nào cho các tập đoàn" - ông Hòa phân tích.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho rằng việc xây dựng hạ tầng đảm bảo nhập khẩu hết sức quan trọng - Ảnh: N.KHANG
Nhìn nhận Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng, ông Nguyễn Tài Anh, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho rằng đảm bảo an ninh năng lượng thì không chỉ quan tâm về hạ tầng nhập khẩu mà còn là tiêu chí giá năng lượng, nền kinh tế phải chịu đựng được.
Cũng bởi, hạ tầng với khí hiện chủ yếu mới cung cấp cho điện, hệ thống phân phối khí tách biệt và không có liên kết, chưa có cảng LNG có quy mô. Việt Nam cũng chưa có cảng trung chuyển than, các tiêu chí đảm bảo an toàn điện vẫn chưa được đảm bảo, tác động của giá năng lượng tới hành vi sử dụng...
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia vừa là quy hoạch ngành quốc gia, vừa là quy hoạch kết cấu hạ tầng thiết yếu của đất nước.
Trong khi đó, quy hoạch năng lượng đang xây dựng có những đặc thù khác, khi nước ta chuyển từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng. Theo đánh giá 20 năm tới, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ phải nhập khẩu năng lượng, đặt ra vấn đề nguồn ở đâu và giá nào để thực hiện nhiệm vụ nghị quyết 55 là đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng, có giá hợp lý.
"Để nhập khẩu thì phải bàn tới hạ tầng, cảng LNG phải 200.000 tấn mới hiệu quả. Than phải có kho, chất lượng đảm bảo. Để nhập khẩu xa, rẻ và tối ưu nhất thì phải có hạ tầng tốt" - ông An nhấn mạnh.
Theo đó, dự thảo quy hoạch cũng sẽ tập trung vào đánh giá tiềm năng năng lượng mới rất lớn, gắn chính sách thúc đẩy. Sử dụng tiết kiệm năng lượng, ngành năng lượng ít tác động nhất tới môi trường, bảo vệ môi trường, hành lang pháp lý, chính sách gồm cả vấn đề thị trường, kết nối liên quan các khâu, ứng dụng công nghệ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận