Sau thời gian thành lập ồ ạt, vài năm gần đây không ít trường đại học rơi vào cảnh không tuyển sinh được và lay lắt tồn tại. Không chỉ các trường địa phương mà các trường trực thuộc bộ, ngành cũng tương tự.
Đầu năm 2024, hơn 100 giảng viên Trường ĐH Quảng Bình kêu cứu vì bị trường nợ lương ròng rã 8 tháng trong năm 2023.
Tuyển sinh èo uột, nợ lương giảng viên
Ông Nguyễn Đức Vượng - hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình - cho biết những năm gần đây trường gặp khó khăn về công tác tuyển sinh. Hiện toàn trường chỉ còn hơn 1.000 sinh viên, hơn một nửa trong số đó là sinh viên sư phạm, trong khi nguồn thu chính lại đến từ sinh viên các ngành ngoài sư phạm. Việc này làm nguồn thu sụt giảm nên việc chi trả lương không thực hiện được.
Theo ông Vượng, Trường ĐH Quảng Bình có 236 nhân sự. Trong đó hơn 130 người là viên chức và lao động hợp đồng, phần lớn là cán bộ giảng viên, nhiều người đã giảng dạy tại trường hơn 15 năm. Số cán bộ, giảng viên này trường tuyển dụng ở thời điểm trường còn tuyển sinh được gần 10.000 sinh viên theo học.
Không riêng Trường ĐH Quảng Bình. Việc tuyển sinh khó khăn, nhiều ngành không có người học là tình hình chung của nhiều trường đại học thời gian qua. Cả nước hiện có 26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương.
Bộ GD-ĐT đánh giá các trường đại học này trong nhiều năm không có nhiều cải thiện về quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của hầu hết các trường địa phương không hiệu quả.
Đa phần các trường đại học trực thuộc các địa phương có quy mô nhỏ, chỉ đóng góp 6,3% tổng quy mô đào tạo trình độ đại học, 3,5% thạc sĩ và 1% tiến sĩ của toàn hệ thống. Chỉ có 3 trường đại học có quy mô lớn hơn 10.000 sinh viên, trong khi có tới 8 trường có quy mô thấp hơn 2.000 sinh viên.
Đơn cử, Trường ĐH Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh suốt nhiều năm qua. Nhiều ngành không tuyển được thí sinh. Liên tục trong các năm 2019 và 2020 nhiều ngành không tuyển được thí sinh nào như sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, vật lý, lịch sử.
Tình hình cũng không khá hơn trong các năm 2021 và 2022, nhiều ngành trắng thí sinh nhập học. Tổng thu năm 2020 của trường gần 36,5 tỉ đồng, ngân sách hơn 15 tỉ đồng. Năm 2021, tổng thu của trường là 39,9 tỉ đồng, trong đó ngân sách hơn 12,7 tỉ đồng. Năm 2022, tổng thu giảm còn gần 38,7 tỉ đồng, ngân sách hơn 12,9 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Trọng Dương - hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam - cho biết năm 2023 trường tuyển sinh tốt hơn các năm trước nhờ nhóm ngành sư phạm. Nhóm ngành sư phạm tuyển đủ chỉ tiêu, các ngành ngoài sư phạm đạt từ 50 - 80%. Giai đoạn 2023-2025 trường thực hiện tự chủ chi thường xuyên.
Dựa vào ngân sách để hoạt động
Một trường đại học địa phương khác là Trường ĐH Hà Tĩnh cũng tuyển sinh bết bát, dựa vào ngân sách để hoạt động. Cụ thể, năm học 2021-2022 tổng thu của trường này là hơn 59 tỉ đồng, riêng ngân sách đã 37 tỉ đồng.
Trong các năm 2020 và 2021, rất nhiều ngành của trường không tuyển được thí sinh nào như sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, sư phạm tin học, khoa học môi trường, khoa học cây trồng. Nhiều ngành chỉ lác đác vài thí sinh nhập học. Năm 2020 chỉ có 304 thí sinh nhập học, trong khi chỉ tiêu 1.690. Năm 2021 khá hơn chút với 618 thí sinh nhập học trên 1.373 chỉ tiêu.
Nhiều trường đại học địa phương khác cũng nhiều năm rơi vào cảnh "cửa mở toang" nhưng thiếu người học. Đơn cử như Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi). Nhiều năm qua, việc tuyển sinh của trường này cũng không mấy khả quan.
Năm 2022, chỉ tiêu 835 và số thí sinh nhập học cũng chỉ có 344. Nhiều ngành lác đác vài thí sinh nhập học dù chỉ tiêu cả trăm. Ông Trần Đình Thám - hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng - cho biết năm 2023 các ngành sư phạm tuyển đủ chỉ tiêu, các ngành ngoài sư phạm khó tuyển.
"Trường địa phương thực sự gặp nhiều khó khăn. Trường tự chủ một phần nhưng năm nay nhóm ngành sư phạm tuyển đủ chỉ tiêu nên cũng tạm ổn" - ông Thám nói.
Tình hình cũng diễn ra tương tự ở nhiều trường đại học địa phương khác như Phú Yên. Ông Trần Lăng - hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên - cho biết nhiều năm qua trường không tuyển đủ chỉ tiêu dù tổng chỉ tiêu không nhiều. Năm 2023, trường tuyển được 71,7% trong khi các năm trước trên 50%.
"Ngân sách tỉnh cấp chi lương và đầu tư trong khi những khoản chi khác trích từ các nguồn thu học phí, dịch vụ của trường. Tỉnh giao năm 2025 trường tự chủ, nhưng chúng tôi xin đến 2027 để chuẩn bị một số ngành tốt thu hút thí sinh. Bởi với việc tuyển sinh như hiện tại, tự chủ sẽ rất khó khăn" - ông Lăng nói thêm.
Trường ĐH Hải Dương, Trường ĐH Thái Bình cũng rơi vào tình trạng không tuyển được người học.
Trường đại học thuộc bộ ngành cũng trầy trật
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, các trường yếu kém là các trường địa phương. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường thuộc các bộ ngành cũng tuyển sinh trầy trật, dựa chính vào ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn Trường ĐH Tài chính - Kế toán thuộc Bộ Tài chính. Trường này có cơ sở chính tại Quảng Ngãi và phân hiệu tại Thừa Thiên Huế. Thống kê hai năm 2021, 2022 cho thấy trường không tuyển đủ chỉ tiêu, một số ngành không tuyển được thí sinh nào như luật kinh tế, tài chính ngân hàng.
Nhiều ngành có lượng thí sinh nhập học khá thấp so với chỉ tiêu. Một trường đại học khác trực thuộc Bộ Tài chính là Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh cũng tuyển sinh chưa thực sự tốt. Nhiều năm liền trường đại học này không tuyển đủ chỉ tiêu.
Hay như Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh trực thuộc Bộ Công Thương. Năm 2022 trường này tuyển 1.000 chỉ tiêu nhưng chỉ có 284 thí sinh nhập học. Năm 2020, tổng thu của trường trên 30,6 tỉ đồng, riêng ngân sách hơn 20,5 tỉ đồng.
Trong khi đó, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Với số lượng chỉ tiêu hằng năm khá ít, trường này tuyển đủ chỉ tiêu nhưng việc phát triển và giữ chân đội ngũ gặp nhiều hạn chế...
Trường đang dần nâng cao mức tự chủ. Trong thời gian tới nguồn thu của trường vẫn không thể đảm bảo việc chi trả lương cho cán bộ, giảng viên hưởng lương ngoài ngân sách. Vì vậy, trường đã đưa ra giải pháp trước mắt là sẽ thực hiện việc tạm hoãn hợp đồng với những cán bộ, giảng viên không đủ giờ dạy, không có giờ dạy và cả một số nhân viên hành chính.
Ông Nguyễn Đức Vượng (hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Bình)
Cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học
Tính đến hết năm 2023, cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (26 trường đại học trực thuộc các địa phương). Ngoài ra còn có 20 trường cao đẳng sư phạm (3 trực thuộc Bộ GD-ĐT, 17 trực thuộc các địa phương), 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học.
Hiện nay có 25 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 23 địa phương quản lý trực tiếp 137 cơ sở giáo dục đại học công lập đầu mối (chưa tính các trường đại học trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các trường đại học thành viên của hai đại học quốc gia và hai học viện trực thuộc 2 viện hàn lâm).
Các phân hiệu hoạt động ra sao?
Việc nở rộ phân hiệu đại học trong những năm gần đây được Bộ GD-ĐT đánh giá tích cực. Cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, thực tế các phân hiệu đại học của các đại học lớn vẫn trầy trật tuyển sinh. Chẳng hạn phân hiệu Kon Tum của ĐH Đà Nẵng. Dù đã hoạt động rất nhiều năm nhưng điểm chuẩn năm nào cũng thuộc hàng thấp nhất cả nước và phải xét tuyển bổ sung nhiều lần nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Tương tự, trong hai năm 2021 và 2022, Phân viện Phú Yên của Học viện Ngân hàng cũng chỉ tuyển được hơn 30% chỉ tiêu. Phân hiệu Bến Tre của ĐH Quốc gia TP.HCM, phân hiệu Quảng Trị của ĐH Huế cũng rơi vào cảnh tuyển sinh èo uột.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận